Trang Nghiên cứu
 
Kéo dài hỗ trợ tín dụng: Tăng giám sát, cẩn trọng với lạm phát

Theo quyết định số 443/QĐ-TTg mới ban hành thì chính sách hỗ trợ lãi suất (đã được tiến hành thử nghiệm từ đầu tháng 2 theo quyết định 131/QĐ-TTg) sẽ được kéo dài đến hết năm 2011. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ sử dụng chính sách này như một công cụ cơ bản chống suy thoái kinh tế


Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng công cụ này không có tiền lệ, cũng như chưa thấy được áp dụng ở các nước khác, nên hoài nghi khả năng thành công của nó. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, thì về nguyên lý đây là một công cụ can thiệp hiệu quả, nếu mục tiêu của nó là kích thích đầu tư. Về bản chất đây là việc sử dụng chính sách tài khoá để làm đòn bẩy cho chính sách tiền tệ. Một mặt, để đạt được hiệu quả tăng tổng đầu tư của nền kinh tế, Chính phủ không phải huy động một nguồn tài chính trực tiếp quá lớn. Mặt khác, việc hỗ trợ lãi suất giúp không phải hạ mặt bằng lãi suất chung, mà vẫn giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay rẻ, trong khi đó, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất tiền gửi đủ cao, đủ để tiền không rời bỏ hệ thống ngân hàng (tránh tình trạng bẫy thanh khoản).
Về mặt tài khoá, có thể ước lượng sơ bộ số tiền cần thiết để thực thi chính sách này. Năm 2008, tổng đầu tư nội địa ước vào khoảng 520 ngàn tỉ, và giá trị danh nghĩa tăng thêm mỗi năm từ 20% đến 30% tuỳ theo điều kiện của nền kinh tế. Như vậy, tính trong ba năm 2009 - 2011, khu vực nội địa có thể có tổng nhu cầu đầu tư khoảng 2.200 ngàn tỉ. Nếu khoảng 50% số vốn này được hỗ trợ lãi suất, thì tổng số tiền dành cho hỗ trợ là khoảng 44 ngàn tỉ. Trong ba năm, đây không phải là một con số lớn.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dòng tín dụng tạo ra từ chính sách này mới là điều đáng quan tâm. Việc hỗ trợ lãi suất có thể khiến việc sử dụng vốn bị thiên lệch, đặc biệt khi công tác thực thi không đạt được như trong kế hoạch ban đầu.
Nguy cơ lạm phát trở lại ngay khi kinh tế hồi phục
Có hai tác động đến nền kinh tế. Tác động thứ nhất mang tính trực tiếp, đó là dòng chảy của các luồng vốn được hỗ trợ vào thị trường. Một cách lý tưởng, các dòng vốn này sẽ chảy vào lĩnh vực kinh doanh sản xuất, cơ sở hạ tầng cần được kích thích như mong muốn. Tuy nhiên, vẫn có một khả năng xảy ra sự thiên lệch vào các khu vực như bất động sản, hoặc những khu vực không như mong muốn. Điều này sẽ gây những ảnh hưởng rất khó kiểm soát vì thông tin không rõ ràng. Tác động thứ hai mang tính gián tiếp, là dòng tín dụng được hỗ trợ sẽ giúp các ngân hàng cảm thấy bớt sức ép hơn với các hoạt động khác, và có thể tăng cường mở rộng ngay cả đối với các khoản tín dụng không được ưu đãi, chẳng hạn như tín dụng tiêu dùng. Điều này có thể kích hoạt một chu kỳ nóng lên của thị trường tài sản như thường thấy. Hiện tượng thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh trở lại, thị trường nhà đất ấm dần lên cũng như nhu cầu xe hơi bắt đầu tăng trở lại, cho thấy có thể đang có một dòng vốn đang chảy mạnh dần vào thị trường tài sản.
Kinh nghiệm cho thấy, sự ấm lên của thị trường tài sản thường kéo liền sau đó là sức ép tăng mức giá chung (lạm phát). Điều đặc biệt đáng lưu ý, là về thời điểm, nếu giai đoạn đó trùng với khi kinh tế thế giới và trong nước phục hồi, những yếu tố hỗ trợ sự giảm giá hiện nay sẽ mất đi, khuynh hướng tăng giá có thể sẽ trở lại rất nhanh. Nếu các chính sách vĩ mô không theo sát chuyển biến này, mà vẫn theo đuổi các chính sách dễ dãi với lạm phát như hiện nay, thì bất ổn vĩ mô sẽ xuất hiện ngay khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Đây sẽ là điều bất lợi cho toàn bộ nền kinh tế nói chung, giới doanh nghiệp nói riêng.
Nâng cao năng lực giám sát và đánh giá chính sách
Việc triển khai một loạt các chính sách quan trọng, quy mô lớn, tiêu tốn những nguồn lực khổng lồ trong một thời gian ngắn thể hiện quyết tâm chống suy thoái của Chính phủ. Nhưng đi liền với những nỗ lực đó, để bảo đảm hiệu quả các chính sách và không lãng phí nguồn lực, đồng thời nâng cao uy tín chính trị, Chính phủ cần giám sát việc triển khai và đánh giá tác động chính sách một cách chặt chẽ, kịp thời. Với nhu cầu bức thiết đó, để hỗ trợ cho chương trình hành động của Chính phủ, cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tổ chức dân sự. Ví dụ, cần tăng cường độ minh bạch của các chính sách chống suy thoái. Điển hình là công khai quy mô và đối tượng tiếp nhận các khoản vay hỗ trợ 4%. Điều này là khả thi khi ngân hàng Nhà nước tới đây tiến hành thanh tra, rà soát việc thực thi chính sách này. Đây là một cơ hội để nâng cao uy tín của Chính phủ, tạo niềm tin về chính sách, giúp các chính sách sau này có hiệu quả hơn. Có thể tin rằng các hiệp hội doanh nghiệp và nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông sẽ sẵn lòng hợp tác và hỗ trợ Chính phủ thực hiện việc giám sát này.


TS. Nguyễn Đức Thành