Trang Nghiên cứu
 
Linh hoạt chính sách tỷ giá: Tại sao không?

TS. Nguyễn Đức Thành
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2010 của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR - ĐHQG Hà Nội) nhận định, năm 2010 đồng VNĐ có khả năng mất giá khoảng 5,5% so với USD.


Trước dự báo này, câu hỏi đặt ra là Việt Nam nên lựa chọn chính sách tỷ giá như thế nào để kiểm soát được lạm phát, ổn định nền kinh tế và cán cân thương mại?

Trả lời chúng tôi, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc của VEPR cho biết:

Teo nghiên cứu của VEPR, Chính phủ có thể cân nhắc dịch chuyển sang cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý trong thời gian tới. Nhưng để chính sách này phát huy tác dụng, làm nâng uy tín của VNĐ, thì Việt Nam cần phải chuẩn bị thêm một số điều kiện khác như: Xây dựng một Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoạt động tương đối độc lập có nhiệm vụ chính là kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và xây dựng thị trường ngoại hối hiện đại sao cho có nhiều sản phẩm phái sinh liên quan đến ngoại hối và hấp dẫn được nhiều thành phần kinh tế tham gia.

Trong quá trình chuẩn bị để chuyển hẳn sang cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý, NHNN cũng cần có những biện pháp nhằm giảm bớt hạn chế của cơ chế điều hành tỷ giá hiện tại. Công khai thường kỳ chính sách tỷ giá, áp dụng các chính sách lãi suất để nâng uy tín VNĐ và áp dụng một số biện pháp thuế quan ở mức hợp lý nhằm giảm áp lực giảm giá VNĐ.

Lưu ý là việc nới lỏng tỷ giá theo hướng linh hoạt như vậy không đồng nhất với việc thả nổi hoàn toàn. Cần thực hiện quản lý tỷ giá một cách gián tiếp thông qua việc kiểm soát lượng vốn gián tiếp vào thị trường Việt Nam.

Hiện tại dự trữ ngoại hối của nước ta đã giảm khá mạnh sau gói kích cầu năm 2009. Theo ông, NHNN nên làm gì để giải quyết tình trạng này?

Tăng trưởng dự trữ ngoại hối là vấn đề rất quan trọng của Việt Nam. Về mặt chính sách, chúng ta có thể tận dụng dòng tiền từ nước ngoài vào hàng năm thông qua việc mua – bán. Tuy nhiên, bản thân ngoại tệ đang khan hiếm nên việc mua vào sẽ càng làm tăng tỷ giá, vậy nên chính sách cần thiết trong thời điểm hiện tại là làm sao điều tiết để rút được lượng USD lớn đang găm giữ trong dân và doanh nghiệp.

Tháng 3/2010 đã chứng kiến hiện tượng bất thường trong tăng trưởng tín dụng khi dư nợ tín dụng bằng VNĐ chỉ ước tăng 0,91% so với thángtrước và tăng 0,57% so với tháng 12/2009. Trong khi đó dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước tăng 3,98% so với tháng trước và tăng 14,07% so với tháng 12/2009. Theo ông đâu là nguyên nhân và hiện tượng này đã nói lên điều gì?

Việc tăng trưởng tín dụng một cách bất thường như vậy xuất phát từ việc người dân kỳ vọng đồng USD sẽ không tăng giá mạnh trong tương lai. Riêng nguồn cung tín dụng thông qua USD thực ra vẫn được các ngân hàng nắm giữ rất nhiều nhưng lại không thể lưu thông vì không có cầu. Nhiều doanh nghiệp ngại vay USD vì lo sợ đồng USD sẽ mất giá. Theo tôi, việc tín dụng tăng trưởng USD tăng mạnh như thời gian qua, đặc biệt nếu tiếp tục duy trì trong thời gian tới thì sẽ là tín hiệu tích cực cho thấy đồng USD sẽ không lên giá nhiều nữa.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tận dụng vay USD từ ngân hàng thay vì vay VNĐ do chi phí lãi vay thấp hơn. Điều này có thể dẫn đến một cuộc đua tăng lãi suất cho vay đối với USD không, thưa ông?

Chúng ta không thể nói trước được điều này, nhưng nếu thực sự doanh nghiệp chấp nhận vay USD thì cũng là một tín hiệu tích cực chứng tỏ họ kỳ vọng đồng USD sẽ không còn tăng giá mạnh nữa. Đó chính là cơ sở để có thể bình ổn được tỷ giá trong năm nay.

Nhiều người đang lo ngại về nguy cơ đô la hóa lan rộng trong nền kinh tế. Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Tôi cho rằng nguy cơ đó là hoàn toàn có thể xảy ra và nếu xảy ra thì sẽ rất nguy hại cho nền kinh tế. Tâm lý giữ USD như một tài sản an toàn hơn so với VNĐ hay các loại tài sản khác sẽ làm cho thị trường ngoại hối bị thiếu hụt, đồng thời làm mất đi tính thanh khoản của đồng USD trong tổng thể nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng đến cán cân xuất nhập khẩu và gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Tóm lại là tình trạng đô la hóa gây nên sự đảo lộn trong nền kinh tế.

Cần giải tỏa được nút thắt này, hay nói cách khác là kích hoạt làm cho đồng USD giảm giá trong ngắn hạn để người dân dần xóa bỏ tâm lý găm giữ USD thì sẽ bình ổn được tỷ giá, nhân cơ hội này Nhà nước có thể hút USD vào để dự trữ.

Xin cảm ơn ông!

Trang Anh http://ktdt.com.vn