Sự lình xình của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua thể hiện sự mất niềm tin của nhà đầu tư vào sự vận hành của thị trường. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật
Thị trường chứng khoán Việt Nam lình xình suốt thời gian qua bất chấp những tín hiệu tốt từ kinh tế vĩ mô trong nước, từ các thị trường chứng khoán trên thế giới. Tại sao có hiện tượng này?
Thị trường chứng khoán Việt Nam lình xình suốt thời gian qua bất chấp những tín hiệu tốt từ kinh tế vĩ mô trong nước như chỉ số CPI thấp, tốc độ tăng trưởng GDP và tăng trưởng giá trị công nghiệp khá, cân đối cán cân thanh toán được cải thiện, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vào quí II khá tốt, và đặc biệt sự tăng điểm ấn tượng từ các thị trường chứng khoán trên thế giới sau khi nỗi lo về nợ công ở châu Âu được giải tỏa. Tại sao có hiện tượng này?
Hầu hết các giải thích hiện nay đều thiên về lý do các nhà đầu tư đang chờ đợi một chính sách tiền tệ nới lỏng của ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới. Không nghi ngờ gì, nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng, sẽ có một luồng tiền đổ vào thị trường chứng khoán và làm cho thị trường tăng điểm. Nhưng nếu như sự tăng giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào sự nới lỏng hay thắt chặt của chính sách tiền tệ thì thị trường của chúng ta luôn ở tình trạng bong bóng. Nó không phản ánh - tiên đoán cũng như cảnh báo - được sự phát triển thực của nền kinh tế.
Tôi cho rằng sự lình xình của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua thể hiện sự mất niềm tin của nhà đầu tư vào sự vận hành của thị trường. Thị trường đã bị lũng đoạn công khai bởi các đội làm giá khiến cho mọi sự tính toán đúng đắn cũng như sai lầm của các nhà đầu tư đều trở thành trò hề. Những nhà đầu tư lương thiện sẽ chẳng còn hứng thú để tham gia vào một thị trường nơi mà các kỳ vọng đúng không được tưởng thưởng và kỳ vọng sai không bị trừng phạt. Giao dịch của thị trường chỉ quanh quẩn giữa những bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán, các quĩ đầu tư, và các nhà đầu tư có máu đỏ đen thích tham gia vào các cổ phiếu bị làm giá.
Thế nào là một thị trường chứng khoán vận hành tốt?
Vai trò lớn nhất của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế là ở chỗ: nó là một cỗ máy xử lý thông tin kinh tế khổng lồ được điều khiển bởi tính toán của hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu cá nhân. Một thị trường chứng khoán tốt là một thị trường nhậy cảm với tất cả các thông tin xuất hiện, phản ánh được chúng vào trong sự thay đổi chỉ số của mình.
Thị trường chứng khoán NYSE hay NASDAQ của Mỹ là một ví dụ minh họa cho một thị trường chứng khoán vận hành tốt. Bất kỳ các thông tin tích cực hay tiêu cực về nền kinh tế Mỹ (chỉ số giá cả, chỉ số công ăn việc làm, động thái của Fed, thái độ của người tiêu dùng, v.v.) hay các nền kinh tế khác trên thế giới (kinh tế châu Âu, kinh tế Trung Quốc, kinh tế Nhật Bản, tình hình Trung Đông v.v.) đều ngay tức thì được phản ánh vào sự biến đổi của các chỉ số chứng khoán.
Sự phản ánh tức thì của thị trường chứng khoán với các thông tin mới tạo nguồn cảm hứng cho nhà đầu tư. Mọi mua bán cổ phiếu của họ đều phản ánh kỳ vọng hay tiên đoán của họ về các sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai. Nếu tiên đoán đúng hành động của họ sẽ được tưởng thưởng, còn nếu sai họ sẽ bị trừng phạt.
Sự phản ánh nhanh chóng của thị trường trước các thông tin khiến cho các nhà đầu tư bắt buộc phải tự mình thu thập và xử lý thông tin. Nếu không có khả năng này họ sẽ phải tìm kiếm chúng thông qua các dịch vụ tư vấn từ các công ty môi giới chứng khoán hay các quĩ đầu tư.
Vì ai cũng tích cực tham gia vào việc tìm hiểu thông tin và xử lý thông tin, một thị trường chứng khoán vận hành tốt sẽ bắt buộc các công ty chứng khoán và các quĩ đầu tư phải nâng cao năng lực phân tích của mình để hỗ trợ nhà đầu tư cá nhân. Nó cũng đồng thời tạo áp lực để bắt buộc các doanh nghiệp phải công khai thông tin nhằm tránh khỏi chịu sự trừng phạt từ phía các nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán vì thế có tác dụng loại bỏ các doanh nghiệp hoạt động kém, thu hút được doanh nghiệp tốt niêm yết, và kích thích các doanh nghiệp niêm yết hoạt động ngày càng tốt hơn. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho một thị trường chứng khoán vận hành tốt sẽ ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Họ tham gia vào một trò chơi không những có tổng dương mà còn là một trò chơi tại đó đối tượng họ đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn các đối tượng khác trong nền kinh tế. Mức lợi nhuận đầu tư vào thị trường chứng khoán thường cao hơn so với các kênh đầu tư khác dành cho các nhà đầu tư chính là phần thưởng cho công sức thu thập và xử lý thông tin của chính họ cho nền kinh tế.
Biên độ giao dịch khiến thị trường tê liệt trước các thông tin
Biên độ giao dịch áp dụng trên hai sàn là thủ phạm chính khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam bị tê liệt trước các thông tin.
Như trong một phân tích gần đây của tôi[1], việc áp dụng biên độ giao dịch là một lỗ hổng khiến cho các đội làm giá dễ dàng tạo ra các tín hiệu ảo để trục lợi. Với việc để cho các nhà làm giá lôi cuốn không những chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà gần như cả thị trường vào các cổ phiếu bị làm giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tự đánh mất chức năng xử lý thông tin kinh tế của mình. Việc một số các nhà đầu tư chân chính dần dần rũ áo ra đi là điều khó tránh khỏi.
Một khi thị trường chứng khoán không níu kéo được các nhà đầu tư chân chính cũng như thu hút được các nhà đầu tư mới, dòng tiền nâng đỡ hai sàn chứng khoán chỉ quanh quẩn giữa các nhà đầu tư tổ chức hoặc những nhà đầu tư có máu mê đỏ đen. Chứng khoán Việt Nam vì thế trở nên lình xình bất chấp vô số thông tin tốt đẹp từ nền kinh tế trong nước cũng như trên thế giới.
Ngăn chặn việc làm giá là yêu cầu bức thiết để phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Giải pháp mà tôi đưa ra để ngăn chặn hiện tượng làm giá trong bài viết đó là che các thông tin về khối lượng liên quan đến giao dịch ở hai mức giá sát biên độ. Mặc dù tôi tin rằng đấy là giải pháp tốt nhất trong điều kiện có biên độ nhưng bản thân tôi vẫn cho rằng vẫn còn có giải pháp tốt hơn. Đó là dỡ bỏ các biên độ giao dịch.
Lý do chính khiến các nhà quản lý các sàn chứng khoán tiếp tục áp dụng biên độ là để bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thực sự thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ chẳng được lợi gì từ việc áp dụng biên độ. Nếu chẳng may có sự giảm giá bất thường thì các nhà đầu tư lớn luôn có điều kiện thoát hàng nhanh hơn vì họ có thể truy cập hệ thống nhanh hơn cũng như đặt khối lượng lớn tại các mức giá kịch trần hoặc sàn. Ngược lại, việc áp dụng biên độ giao dịch chỉ khiến cho các đội làm giá dễ dàng tạo ra các tín hiệu ảo để trục lợi. Vì vậy, biên độ giao dịch thay vì bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ lại chính là thủ phạm làm ‘chết dần chết mòn’ các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Khi bỏ biên độ các nhà quản lý có thể trấn an tâm lý nhà đầu tư trong trường hợp giá tăng hoặc giảm đột ngột thông qua biện pháp ngừng giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định trong phiên nếu như giá tăng/giảm quá một ngưỡng nào đó. Nếu sau thời gian ngừng giao dịch giá vẫn tiếp tục tăng/giảm thì đó là vì giá trị của cổ phiếu đó bị đánh giá đúng như vậy.
Một lo sợ khác của các nhà quản lý thị trường chứng khoán là khi bỏ biên độ, sẽ có một bộ phận các nhà đầu tư bỏ đi hoặc sợ hãi tham gia thị trường vì mức độ rủi ro sẽ lớn hơn. Thực sự đây không phải là vấn đề. Một sân chơi không có biên độ giao dịch sẽ khuyến khích sự phát triển của các nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích các công ty môi giới thực hiện chức năng thu thập và phân tích thông tin tốt hơn để tư vấn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Về lâu dài, đây chính là nền tảng để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân và nhờ đó thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia.
Còn với một thị trường chứng khoán như hiện nay, các công ty môi giới chứng khoán thay vì phát triển khả năng phân tích thông tin để tư vấn tốt hơn cho nhà đầu tư lại tập trung nguồn lực vào việc o bế các đội làm giá, thậm chí tham gia vào hoạt động làm giá thông qua hoạt động tự doanh.
Cuối cùng, khi biên độ giao dịch được dỡ bỏ, các nhà quản lý có thể dễ dàng phân biệt được sự đột biến về giá là do thông tin mới xuất hiện hay do thông tin nội gián. Một sự tăng giảm đột ngột mà không có thông tin nào kèm theo ắt phải bắt nguồn từ một số nguyên nhân nào đó mà chỉ một số ít người biết. Cơ quan quản lý do vậy có thể nhanh chóng khoanh vùng để thực hiện các điều tra nhằm tìm ra manh mối để trừng phạt gian lận. Việc xây dựng một thị trường minh bạch nhờ đó sẽ đơn giản đi rất nhiều.
Đinh Tuấn Minh (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR) [SGTT - 4/8/2010]