Trang Nghiên cứu
 
Trường ĐHKT và ĐH KHXH&NV phối hợp mở mới mã ngành đào tạo Thạc sĩ Quản lý Kinh doanh văn hóa nghệ thuật

Sau thành công của 3 hội thảo đối với các chương trình liên ngành (cử nhân Kinh tế và Quản lý, Thạc sĩ Kinh tế dịch vụ du lịch, Thạc sĩ Kinh tế báo chí truyền thông), sáng ngày 25/5/2018, Trường Đại học Kinh tế phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức hội thảo cho chương trình liên ngành cuối cùng giữa 2 Trường: Thạc sĩ Quản lý kinh doanh văn hóa, nghệ thuật dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế.


Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo hai Trường, lãnh đạo các Phòng/Ban, lãnh đạo các Khoa/Viện cùng các thầy/cô của Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Đặc biệt, hội thảo còn có sự tham dự của các nhà khoa học, các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, PGS.TS Phạm Quang Long - Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội…

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê chủ trì hội nghị
PGS.TS. Đỗ Minh Cương trình bày đề án mở chương trình đào tạo Thạc sĩ Qun lý Kinh doanh văn hóa ngh thuật

Thế mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội là có thể xây dựng các chương trình liên ngành dựa trên sự phối hợp của các đơn vị đào tạo thành viên. Việc lựa chọn mở mới mã ngành thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Kinh doanh văn hóa nghệ thuật vừa góp phần thực hiện nghị quyết chủ trương của Đảng về phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa (Nghị quyết 33/NQ-TU năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước) vừa thể hiện vai trò tiên phong của Đại học Quốc gia Hà Nội trong đào tạo nhân lực trình độ cao.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia phản biện đề án

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý cho rằng chương trình sẽ giúp người học có tri thức nền tảng cần thiết để khi tham gia vào công tác quản lý lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cả với tư cách nhà quản lý ở tầm vĩ mô hoặc nhà quản trị kinh doanh những sản phẩm văn hóa hiệu quả hơn. Chương trình sẽ có tính thực tiễn hơn nếu bổ sung các học phần về tổ chức các sự kiện, các lễ hội văn hóa cả truyền thống và hiện đại, nghệ thuật trình diễn, các gameshow, công nghiệp văn hóa… và lược bớt các học phần có nội dung gần nhau ở cả hai mảng quản lý và văn hóa. Hy vọng rằng, chương trình sau khi được phê duyệt Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có thêm một chương trình chất lượng cao dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo, hoạch định chính sách trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê cảm ơn sự đóng góp của các thầy/cô tại Hội thảo và lưu ý nhóm soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, tư vấn của các giảng viên, các chuyên gia để rà soát, hoàn thiện đề án theo hướng làm nổi bật tính độc đáo, tính khoa học và tính ứng dụng của chương trình.

Một số hình ảnh của hội thảo:


Tin: Ngô Hà, ảnh: Thanh Tú