Sản xuất nông nghiệp ngày nay đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu trước dân số ngày càng tăng và tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó, việc sản xuất nông nghiệp sử dụng nhiều đầu vào đã được coi là nguyên tắc vàng để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực ở các nước thu nhập thấp và trung bình, việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu có nguy cơ cao gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, làm giảm chất lượng đất, và dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Nông nghiệp bền vững bao gồm các phương thức quản lý đất đai tự nhiên được coi là giải pháp để giải quyết các mục tiêu dài hạn là nâng cao năng suất và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Nhiều nhà nghiên cứu đã tán thành việc xem xét lại từ các hoạt động nông nghiệp thâm canh để hướng đến sản xuất thân thiện với môi trường thông qua các hoạt động từ quản lý hiệu quả các dịch vụ hệ sinh thái, canh tác bảo tồn đến việc áp dụng các giống cây trồng truyền thống phù hợp với điều kiện sinh thái.
Do đó, nghiên cứu của TS. Tô Thế Nguyên, ThS. Nguyễn Anh
Tuấn - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) và cộng sự đã làm sáng tỏ bản
chất của mối quan hệ tồn tại giữa năng suất sử dụng đất và công nghệ nông nghiệp
thân thiện với môi trường được các hộ sản xuất ngô ở Việt Nam áp dụng. Bài báo có tiêu đề “Technical
Efficiency and the Adoption of Multiple Agricultural Technologies in the Mountainous
Areas of Northern Vietnam” đã được công bố trên tạp chí quốc tế Land Use
Policy, số 103, tháng 4/2021.
Nghiên cứu của nhóm tác giả
đã xem xét vai trò của việc áp dụng công nghệ nông nghiệp thân thiện với môi
trường đối với hiệu quả kỹ thuật (TE) của nông dân trồng ngô ở các vùng miền
núi phía Bắc Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ không diễn ra ở hầu
hết các nông hộ,
nhưng nhóm tác giả đã sử dụng một số phương pháp mới để xác định ra được những
nông hộ áp dụng công nghệ.
Kết hợp hàm sản xuất biên
ngẫu nhiên với trọng số là xác suất nghịch đảo, nhóm tác giả so
sánh TE giữa những nông hộ có ứng dụng và không ứng dụng công nghệ.
Mặc dù nông dân sử dụng các giống mới đạt được TE cao hơn đáng kể so với những
người khác, tuy nhiên việc phổ biến các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp của
các tổ chức khuyến nông lại có ảnh hưởng tiêu cực đến TE của các nông hộ. Kết quả cho thấy rằng
có mối quan hệ tích cực giữa năng suất ngô và các biện pháp nhằm giảm thiểu của
các điều kiện tự nhiên tới xói mòn đất. Đồng thời, kết quả cũng cho thấy tác động
không đồng nhất của việc áp dụng nhiều công nghệ thân thiện với môi trường đối
với TE. Những nông dân là thành viên của hợp tác xã và sử dụng phân bón hữu cơ
có tỷ lệ chấp nhận các giống mới cao hơn.
Việt Nam đã trải qua một giai
đoạn tăng trưởng kinh tế nóng dẫn đến đô thị hóa nhanh chóng, thúc đẩy nhu cầu
tiêu thụ thịt và các thực phẩm từ vật nuôi, trong đó ngô là nguồn thức ăn chăn
nuôi chính. Để đáp ứng
nhu cầu này, Chính phủ
Việt Nam đã khuyến khích nông dân áp dụng giống mới để tăng sản lượng nông nghiệp.
Sự tăng trưởng của sản xuất ngô được kỳ vọng sẽ làm giảm nghèo đói ở các vùng
nông thôn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên việc thâm canh và mở rộng
sang các vùng sinh thái nông nghiệp khác gây ra các mối đe dọa môi trường
nghiêm trọng như suy kiệt đất, mất rừng, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm nước.
Để đối phó với các vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chương trình
thúc đẩy sử dụng đất bền vững, hỗ trợ việc khôi phục các giống bản địa thông
qua các mạng lưới ở cấp tỉnh, huyện và địa phương, ngăn chặn suy thoái đất và cải
thiện việc phục hồi độ phì nhiêu của đất...
Từ các kết quả chính, nhóm tác
giả khuyến nghị các hàm ý chính sách cho sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp
như sau:
Trước tiên, nông dân sử dụng
các giống mới phù hợp với vùng sinh thái để đạt được TE cao hơn so với những
người không áp dụng. Phát hiện này cho thấy việc áp dụng các giống phù hợp với
điều kiện đất đai, khí hậu và mô hình trồng trọt có thể nâng cao đáng kể năng
suất mà không làm thay đổi mức đầu vào hiện có. Các hợp tác xã, hội nông dân và
các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến và cung cấp
cho nông dân giống mới. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp cùng với việc giảm thiểu
tác hại môi trường, khu vực công cần tăng cường đầu tư để thiết lập các hệ thống
sản xuất và cung cấp giống hiệu quả.
Hơn nữa, năng suất ngô dự kiến
sẽ tăng cao trong thời gian dài do khả năng chống chịu sâu bệnh cao hơn, với điều
kiện độ phì của đất không bị suy giảm đáng kể. Việc bảo tồn đất và phục hồi các
chất dinh dưỡng trong đất có thể được đảm bảo thường xuyên với việc thực hiện
các biện pháp canh tác bền vững. Mối quan hệ tích cực có ý nghĩa giữa canh tác
bền vững và năng suất đã được chứng minh là có hiệu quả cao. Phát triển nông
nghiệp theo hướng bảo tồn sinh thái có khả năng giúp chống lại những cú sốc từ
bên ngoài (ví dụ như hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh và thiên tai), mặc dù rất phức tạp
và đòi hỏi khả năng quản lý cao. Mặt khác, mối liên hệ nghịch chiều giữa các hoạt
động khuyến nông và TE cho thấy lợi ích từ thể chế các tổ chức khuyến nông chỉ
được chuyển một phần thành TE ở các vùng núi phía Bắc Việt Nam. Phát hiện này
cho thấy những nhược điểm trong triển khai các hoạt động khuyến nông hoặc nông
dân gặp khó khăn trong việc đưa những kiến thức vào thực tiễn sản xuất.
Việc áp dụng các công nghệ bảo
vệ đất có tác động tích cực đến TE, điều đó cho thấy chương trình bảo vệ đất do
Chính phủ phát động có thể được coi là một giải pháp khả thi để tạo ra thu nhập
từ việc trồng các loại cây ổn định ở các sườn dốc. Để giảm xói mòn và duy trì độ
phì nhiêu của đất về lâu dài, trồng cây cố định đạm hoặc cây ăn quả là một giải
pháp hữu ích và có thể mang lại nguồn thu nhập bổ sung cho nông dân. Tuy nhiên,
tỷ lệ áp dụng các công nghệ bảo vệ đất tương đối thấp, có thể là do thu nhập và
số lao động của các nông hộ còn thấp. Các can thiệp chính sách nên nhằm hỗ trợ
các nhóm nông dân này bằng cách thiết kế các chương trình hỗ trợ để điều chỉnh
công nghệ phù hợp với nhu cầu của họ.
Thông tin tác giả:
- Nicolas
Lampach: Trung tâm Lý thuyết Pháp lý và Luật học, Khoa Luật, KU Leuven, Bỉ
- Tô Thế Nguyên: Khoa KTCT, Trường Đại học Kinh tế -
ĐHQGHN
- Nguyễn Anh Tuấn:
Khoa KTCT, Trường Đại
học Kinh tế - ĐHQGHN
Về tác giả thuộc Trường ĐHKT:
| TS. Tô
Thế Nguyên - giảng viên và nghiên cứu viên tại Khoa Kinh tế
Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
TS. Tô Thế Nguyên tốt nghiệp Tiến
sĩ Kinh tế tại Đại học Strasbourg (CH Pháp) năm 2016. Hướng nghiên cứu chính
của ông gồm kinh tế nông nghiệp, đánh giá chính sách nông nghiệp, chính sách
lương thực, kinh tế phát triển, kinh tế môi trường và tài nguyên… TS. Tô Thế
Nguyên đã tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu từ năm 2001 với tư cách là
trưởng nhóm Đa dạng hóa sản xuất nông hộ ở Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam do
JICA tài trợ.
TS. Tô Thế Nguyên đang nghiên cứu
về an ninh lương thực bằng cách quan sát sản xuất lương thực ở cấp độ toàn cầu
và cấp quốc gia (Việt Nam). TS. Tô Thế Nguyên đã xuất bản 10 bài báo quốc tế
trên các báo uy tín như Agricultural Economics; Land Use Policy; Environment,
Development and Sustainability; European Review of Agricultural Economics;
Journal of the Asia Pacific Economy. |
| ThS.
Nguyễn Anh Tuấn - Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế
- ĐHQGHN.
ThS. Nguyễn Anh Tuấn tốt nghiệp
cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh tiên tiến tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
năm 2014 và tốt nghiệp ThS. chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp, Trường Đại học
Tây Úc năm 2019. ThS. Nguyễn Anh Tuấn đã từng công tác tại Khoa Kinh tế và Phát
triển Nông thôn, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, đạt học bổng Chính phủ Úc
(Australia Awards Scholarship) và sang Úc du học từ năm 2018 đến 2020.
ThS. Nguyễn Anh Tuấn đã xuất bản
6 bài báo đăng trên tạp chí trong nước, 6 bài báo đăng tạp chí ISI/Scopus uy
tín như Land Use Policy; Environment, Development and Sustainability; Journal
of Agribusiness in Developing and Emerging Economies; Asia-Pacific journal of
Regional Science; Applied Science. |