Trang Nghiên cứu
 
Mở rộng giáo dục đại học và kết quả thị trường lao động: Nghiên cứu trường hợp Việt Nam

Mức độ gia tăng số lượng cũng như chất lượng sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng ngày càng ảnh hưởng đến kết quả thị trường lao động. Đề cập tới nội dung này, 2 tác giả Trương Thu Hà và Nguyễn Đăng Tuệ đã có bài viết “Higher Education Expansion and Labor Market Outcomes: The Case of Vietnam” đăng trên tạp chí “The Journal of Asian Finance, Economics and Business”, tập 8, số 2, năm 2021 đánh giá tác động của chính sách mở rộng giáo dục đại học tới thị trường lao động với trường hợp cụ thể là Việt Nam.


Câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là cùng với việc cánh cửa vào đại học trở nên dễ dàng hơn, liệu tỷ lệ lao động có bằng đại học gia tăng có dẫn đến thị trường lao động dành cho lao động trí thức bị bão hòa hay không? Tỷ suất sinh lợi của giáo dục đại học đã thay đổi như thế nào trong hơn 10 năm qua khi so sánh giữa thời điểm khi mà cánh cửa đại học thu hẹp, chỉ dành cho một số học sinh xuất sắc cho đến giai đoạn gần đây, khi nhiều trường đại học mới được thành lập và các trường lớn đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh dẫn đến việc vào đại học trở nên dễ dàng hơn rất nhiều?

Nghiên cứu đã sử dụng số liệu trong hơn 10 năm, từ năm 2002 đến 2014 để quan sát sự thay đổi tương đối tỷ suất sinh lợi giáo dục của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với chính sách mở rộng giáo dục đại học. Số liệu được thu thập từ hai nguồn: dữ liệu 6 vòng điều tra VHLSS trong các năm 2002, 2004, 2006, 2008, 2010, 2012 và 2014, kết hợp với số liệu thống kê về số lượng sinh viên và học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học ở mỗi tỉnh/thành phố tại thời điểm tương ứng. Các tác giả sử dụng biến công cụ là tỷ lệ giữa số sinh viên đại học và cao đẳng trên số học sinh trung học phổ thông ở mỗi tỉnh/thành phố để thể hiện mức độ mở rộng của giáo dục đại học tại Việt Nam. Từ đó, nghiên cứu đánh giá tác động của việc mở rộng giáo dục đại học đối với thị trường lao động.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng chính sách mở rộng giáo dục đại học không làm thay đổi tuyệt đối nhưng lại làm thay đổi tương đối mức tiền lương trên thị trường lao động. Nói cách khác, thị trường lao động Việt Nam đang vận hành theo hướng: trình độ học vấn tuyệt đối của mỗi cá nhân không còn là yếu tố quyết định, mà điều quan trọng là so sánh tương đối giữa bằng cấp của cá nhân với những người cùng trình độ khác. Điều này có thể là kết quả của một vài nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nguồn cung ứng viên tốt nghiệp đại học đang tăng nhanh hơn so với nhu cầu về lao động trình độ đại học trên thị trường lao động. Nếu đúng như vậy, sự mất cân đối giữa cung và cầu của lao động có trình độ cao trên thị trường lao động sẽ dẫn đến mức lương thấp hơn cho cử nhân đại học trong các ngành có lượng lao động dôi dư.

Một khả năng khác giải thích cho hiện tượng này là do chất lượng của các chương trình đào tạo giáo dục đại học có xu hướng giảm sút. Trong quá trình mở rộng giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở tư nhân, có thể phải đánh đổi giữa số lượng và chất lượng sinh viên tốt nghiệp của họ. Nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố chính về phía cung góp phần vào việc mở rộng giáo dục đại học ở Việt Nam là việc bãi bỏ quy định chặt chẽ về chỉ tiêu tuyển sinh và sự nở rộ của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.

Một lý do khác gây ra khó khăn trong việc tìm việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học là sự không phù hợp giữa kỹ năng và kiến ​​thức của họ với nhu cầu của thị trường lao động.

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng đối với chất lượng sinh viên mới tốt nghiệp tại 60 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (dựa trên kiến ​​thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc và năng lực chuyên môn) cho thấy chỉ 5% tổng số sinh viên tham gia khảo sát được đánh giá ở mức khá, 40% ở mức không đạt. Điều này nhấn mạnh sự không phù hợp của các chương trình đào tạo giáo dục đại học trong việc trang bị cho sinh viên những kỹ năng, kiến ​​thức cần thiết để khi tham gia vào thị trường lao động. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề xuất một vài gợi ý chính sách về việc xây dựng các chương trình đào tạo bám sát nhu cầu thị trường cũng như vai trò của Nhà nước trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

 

>> Thông tin bài báo: TRUONG, H. T. and NGUYEN, T. D. (2021), “Higher Education Expansion and Labor Market Outcomes: The Case of Vietnam”, The Journal of Asian Finance, Economics and Business, 8(2), 1263-1268. https://doi.org/10.13106/jafeb.2021.vol8.no2.1263

 


                      

- Tác giả bài báo:

  • TS. Trương Thu Hà, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
  • TS. Nguyễn Đăng Tuệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội

- Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:

 

 

TS. Trương Thu Hà hiện là giảng viên Bộ môn Chính sách công - Khoa Kinh tế Phát triển. Cô nhận bằng Tiến sĩ từ Viện Nghiên cứu Hợp tác Quốc tế - Đại học Kobe, Nhật Bản. Hướng nghiên cứu chính của TS. Trương Thu Hà là kinh tế giáo dục, tài chính giáo dục, bất bình đẳng.





Các tin khác

<1234>