Trang Nghiên cứu
 
Nghiên cứu đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến ý định vay tiêu dùng của người dân Việt Nam và những khuyến nghị, đề xuất

Tại Việt Nam, thị trường tài chính tiêu dùng gần đây đang trở nên sôi động và ngày càng được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhu cầu. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong năm 2017, tài chính tiêu dùng tăng trưởng 65%, vượt mức tăng trưởng 50,2% năm 2016 và vượt xa mức tăng trưởng hàng năm là 19% của tín dụng nói chung. Với hơn 92 triệu dân, hầu hết là thanh niên, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất thế giới. Giá trị dự báo ​​của thị trường Việt Nam có thể đạt 15 tỷ USD mỗi năm và chủ yếu đến từ thị trường mục tiêu, với khoảng 30 triệu người từ 20 đến 60 tuổi (StoxPlus, 2016).


Theo quan sát, mọi người đang thay đổi thói quen tiêu dùng từ mua sắm dựa trên tiết kiệm sang vay mượn để đáp ứng nhu cầu của họ. Tuy nhiên thực tế có rất ít nghiên cứu phân tích ý định vay tiêu dùng trong bối cảnh Việt Nam, đây vẫn là vấn đề cần được giải thích thỏa đáng. Do đó, bài báo “Determinants of Intention to Borrow Consumer Credit in Vietnam: Application and Extension of Technology Acceptance Model” của tác giả Hoàng Văn Hải và cộng sự được công bố trên The Journal of Asian Finance, Economics and Business đã có những đóng góp đáng kể về mặt lý luận và thực tiễn đối với các tổ chức tài chính Việt Nam.

Với mục tiêu xem xét các yếu tố quyết định đến ý định vay tiêu dùng của người dân Việt Nam thông qua việc áp dụng Mô hình chấp nhận công nghệ (TAM), được mở rộng với các biến số gồm sự lo lắng, niềm tin cảm nhận và chi phí tài chính cảm nhận, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát bảng hỏi với 602 người tiêu dùng tại các thành phố lớn của Việt Nam. Nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật mô hình hóa phương trình cấu trúc (SEM) để điều tra mối quan hệ giữa các yếu tố quyết định ý định vay tiêu dùng. Trên cơ sở những phát hiện về thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam, nghiên cứu đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường trong thời gian tới.

Một điểm mới của nghiên cứu là nhóm tác giả đã đưa ra hướng tiếp cận tích hợp để nghiên cứu thị trường tín dụng tiêu dùng, đó chính là xây dựng được mô hình nghiên cứu từ việc mở rộng mô hình chấp nhận công nghệ (TAM) và bổ sung thêm các yếu tố đặc thù của thị trường tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra, nghiên cứu đã đo lường ảnh hưởng của các yếu tố theo mô hình TAM mở rộng đến ý định vay tín dụng tiêu dùng. Đây cũng là hướng tiếp cận mới trong mảng nghiên cứu về hành vi tiêu dùng nói chung và hành vi tín dụng nói riêng tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy tính hữu ích cảm nhận là biến số trung gian điều chỉnh mối quan hệ giữa chuẩn mực xã hội và ý định vay tín dụng tiêu dùng. Đáng chú ý là các biến số như sự lo lắng, niềm tin cảm nhận, chi phí tài chính cảm nhận, tính dễ sử dụng cảm nhận không ảnh hưởng đến ý định vay tín dụng tiêu dùng.

Ngoài ra, trên cơ sở xem xét ảnh hưởng của các biến số nhân khẩu học đến ý định vay tiêu dùng, nghiên cứu cho thấy các biến số như giới tính, tình trạng hôn nhân đều không ảnh hưởng đến ý định vay tiêu dùng. Chỉ có biến trình độ học vấn có ảnh hưởng ở mức độ vừa phải đến ý định vay tiêu dùng của người dân Việt Nam. Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam đi sâu vào khía cạnh này. Vì thế, đây cũng là điểm mới của đề tài.

Từ kết quả trên, nghiên cứu đã cung cấp cho các nhà quản lý của các tổ chức tài chính một số thông tin hữu ích, có căn cứ khoa học và thực tiễn về hành vi của người đi vay, trong đó tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến ý định của họ. Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng trưởng mạnh nhờ vào tổng dân số hơn 92 triệu và tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6% mỗi năm. Vì vậy, các tổ chức tài chính chính thức có thể xem xét hoạt động quảng bá, tiếp thị của mình nhằm mang lại thông tin minh bạch và định hướng khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của họ. Việc phát triển tín dụng tiêu dùng trong khu vực chính thức sẽ hỗ trợ việc kìm hãm, hạn chế tín dụng đen - một loại tín dụng gây ra nhiều thiệt hại và rủi ro cho người dân Việt Nam.

 

Xem chi tiết:

Van Hai HOANG, Phuong Mai NGUYEN, Thi Minh Ngoc LUU, Thi Minh Hien VU:  Determinants of Intention to Borrow Consumer Credit in Vietnam: Application and Extension of Technology Acceptance Model, Journal of Asian Finance, Economics and Business, Vol. 8 No. 4 (2021), 0885-0895, https://doi.org/10.13106/jafeb.2021.vol8.no4.0885

Link: http://koreascience.or.kr/article/JAKO202109554061562.page



 

- Tập thể tác giả:

1. PGS.TS. Hoàng Văn Hải - Viện QTKD, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN

2. TS. Nguyễn Phương Mai - Khoa Quốc tế, ĐHQGHN

3. TS. Lưu Thị Minh Ngọc - Viện QTKD, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN

4. TS. Vũ Thị Minh Hiền - Viện QTKD, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN

- Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:

 

PGS.TS. Hoàng Văn Hải: Nguyên Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Đến nay, ông đã chủ trì và tham gia nghiên cứu hơn 15 đề tài khoa học các cấp, tham gia và đồng chủ biên hơn 10 cuốn sách về quản trị kinh doanh, đồng thời là tác giả của nhiều bài báo trong nước và quốc tế về lĩnh vực này. Ông là chuyên gia tư vấn chương trình và giảng viên cao cấp cho các khóa học bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành (CEO); tư vấn về quản trị cho nhiều công ty, tập đoàn kinh tế, công ty và tổ chức hành chính công, Trên các cương vị khác nhau, PGS.TS. Hoàng Văn Hải đã từng bước vận dụng tư duy quản trị hài hòa Đông - Tây vào điều hành công việc, dẫn đầu nhóm nghiên cứu về quản trị hài hòa Đông Tây của Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

 

TS. Lưu Thị Minh Ngọc hiện là Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị nguồn nhân lực, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Bà có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực quản trị kinh doanh. Đến nay, TS. Lưu Thị Minh Ngọc đã chủ trì và tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học các cấp, tham gia và đồng chủ biên hơn 5 cuốn sách về quản trị kinh doanh, đồng thời là tác giả của nhiều bài báo trong nước và quốc tế về lĩnh vực này. TS. Lưu Thị Minh Ngọc nghiên cứu chuyên sâu về hành vi, quản trị, quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh mới và có nhiều năm giảng dạy về quản trị chiến lược, quản trị nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, quản trị công ty.

 

TS. Vũ Thị Minh Hiền hiện là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Marketing, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN. Với 21 năm tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tư vấn trong lĩnh vực quản trị kinh doanh và markeing, bà đã đạt được nhiều thành tích đáng kể: Chủ biên và đồng chủ biên 03 giáo trình, gần 30 bài báo khoa học và hội thảo trong nước và quốc tế, tham gia đề tài KX và các đề tài cấp cơ sở, đạt giải Nhất bài viết khoa học về thương mại điện tử… TS. Vũ Thị Minh Hiền nghiên cứu chuyên sâu về thương hiệu, marketing số, hành vi người tiêu dùng, truyền thông marketing tích hợp…

 



Các tin khác

<123>