Trang Nghiên cứu
 
Ước tính chi phí đơn vị cho đào tạo đại học công lập ở Việt Nam

Chi phí đơn vị (CPĐV) được coi là một chỉ số quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo các trường đại học tham khảo khi ra quyết định phân bổ ngân sách nhà nước, học phí hoặc tự chủ tài chính. Trong bối cảnh nhiều tranh luận đang diễn ra về cải cách giáo dục đại học trong nước, việc có một phương pháp tiếp cận phù hợp và dữ liệu hợp lý để ước tính CPĐV chính xác càng trở nên cần thiết.


Nghiên cứu của tác giả Phạm Vũ Thắng (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) và Trần Nam Bình (Đại học New South Wales, Úc) đã tập trung vào yếu tố tài chính của giáo dục đại học công lập với mục đích xác định mức độ CPĐV (hay chi phí đào tạo trung bình cho mỗi sinh viên) của các trường đại học công lập ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu được công bố trong bài báo “Estimating unit cost of public university education in Vietnam” đăng trên tạp chí Educational Research for Policy and Practice (Q2 Scopus).

Trên cơ sở cân nhắc giữa các phương pháp tính toán đã và đang được sử dụng phổ biến hiện nay, nhóm tác giả đã chọn cách tiếp cận Definitional Approach để ước tính CPĐV lấy tổng chi phí chia cho sản phẩm đầu ra. Phương pháp này không đòi hỏi quá nhiều dữ liệu và không cần đến giả định về một thị trường giáo dục cạnh tranh tự do, do đó phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam và cho phép việc so sánh giữa các ngành đào tạo. Tổng chi phí và tổng sản lượng giáo dục được tính riêng biệt, trong đó chi phí được đo lường theo chi phí cơ hội gồm cả chi phí thuê đất. Để tính đầu ra đào tạo, số lượng sinh viên các chương trình trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ được quy đổi chung về số lượng sinh viên đại học chính quy dựa trên hệ số được quy định trong Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Dữ liệu được lấy từ nhiều nguồn dữ liệu thứ cấp được công bố bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thế giới và thông qua khảo sát bảng hỏi với 60 trường đại học năm 2010. Mẫu nghiên cứu thể hiện được sự đa dạng về nhóm ngành, cơ quan quản lý, tuổi đời, quy mô và vị trí địa lý.

Có sự khác biệt đáng kể về CPĐV giữa các ngành, thấp nhất thuộc về ngành Kinh tế và ngành Luật với chi phí dịch vụ thực tế hàng năm là 4,85 triệu đồng (không tính chi phí đất) hoặc 6,29 triệu đồng (tính chi phí đất) vì khối ngành này có thể được dạy với quy mô lớp học lớn mà không đòi hỏi nhiều trang thiết bị và phòng thí nghiệm. Trong khi đó,  khi ngành đắt nhất là ngành Y - Dược với phí dịch vụ hàng năm là 18,09 triệu đồng (không tính chi phí đất) hoặc 34,75 triệu đồng (tính chi phí đất), gấp ba lần so với khối ngành Kinh tế và Luật.

Rất khó để đặt Việt Nam lên bàn cân so sánh một cách chặt chẽ với các nước khác, chủ yếu là do thiếu dữ liệu. Nhóm tác giả sử dụng số liệu năm 2010 về chi tiêu công cho mỗi sinh viên đại học ở một số quốc gia Đông Á và Thái Bình Dương (cần lưu ý rằng số liệu này của chung bậc đại học chứ không riêng các trường công lập, và chi tiêu công cho mỗi sinh viên thường thấp hơn rất nhiều so với CPĐV). Mặc dù thế, rõ ràng đơn giá tổng thể của các trường đại học công lập ở Việt Nam dường như rất thấp theo tiêu chuẩn quốc tế, chỉ cao hơn Campuchia (218 USD) nhưng chưa bằng một nửa các nước tương đương như Thái Lan (814 USD), Indonesia (682 USD); và chỉ bằng khoảng 3% chi phí ở Singapore (10.557 USD) hay Úc (11.101 USD).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu cũng như xếp hạng quốc tế, Việt Nam cần phân bổ một lượng đáng kể các nguồn lực bổ sung cho các trường đại học công lập. Trong điều kiện Nhà nước khó duy trì đóng góp từ ngân sách, điều này ngụ ý rằng các hộ gia đình được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc chia sẻ chi phí đào tạo đại học.

 

>> Thông tin bài báo:
Vu Thang Pham & Binh Tran Nam (2020), “Estimating unit cost of public university education in Vietnam,” Educational Research for Policy and Practice, 20, 279-305. http://link.springer.com/article/10.1007/s10671-020-09280-8

 

- Danh sách tác giả:

  • Phạm Vũ Thắng (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN)
  • Trần Nam Bình (Đại học New South Wales, Úc)

- Trong đó, tác giả thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN:

 

 
TS. Phạm Vũ Thắng: Nhận bằng Tiến sĩ kinh tế phát triển tại Trường Đại học East Anglia, Vương quốc Anh (2007). Từ năm 2007-2010, TS. Phạm Vũ Thắng công tác tại Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GDĐT, tham gia soạn thảo Đề án Đổi mới Cơ chế Tài chính Giáo dục 2009-2014 và Thông tư 09/2009 thực hiện 3 công khai trong các cơ sở giáo dục và đào tạo do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GS. Nguyễn Thiện Nhân chủ trì.

Hiện ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển,  Phó Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Các hướng nghiên cứu chính là: tài chính giáo dục, tăng trưởng xanh, trường đại học xanh, doanh nghiệp xã hội, phát triển kinh tế thể thao.





Các tin khác