Trang Nghiên cứu
 
Cải cách kế toán công và quản lý thuế: hướng tới sự minh bạch

Cải cách quản lý thuế luôn là một cấu phần quan trọng của cải cách quản lý tài chính công nhằm cải thiện số thu thuế cho ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả chính sách tài chính quốc gia và tăng cường tính minh bạch tài khóa, giảm thiểu sự bất công bằng trong phân phối thu nhập xã hội. Với cách tiếp cận cải cách kế toán công và quản lý thuế là các công cụ hỗ trợ cho việc minh bạch tài khóa của quốc gia, cuốn sách chuyên khảo “Cải cách kế toán công và quản lý thuế hướng tới sự minh bạch” hướng tới cung cấp thông tin tài chính quốc gia cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan nhằm hỗ trợ việc đưa ra các chính sách về quản lý nhà nước, giám sát...


Minh bạch tài khóa được hiểu là một phạm trù tổng quát bao gồm sự toàn diện, mức độ công khai và đáng tin cậy, tính phù hợp của các báo cáo định kỳ về tài chính công do mỗi nhà nước ban hành. Minh bạch tài khóa có tác động tích cực đến hiệu quả quản lý tài chính và nâng cao trách nhiệm giải trình, giúp chính phủ có một bức tranh chân thực, chính xác về tình hình tài chính quốc gia trước khi thông qua các chương trình hành động cụ thể. Hai trong số các công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ việc minh bạch thông tin tài khóa của chính phủ đó là kế toán công và thuế.

Kế toán công, mà cụ thể là báo cáo tài chính nhà nước, là một công cụ hữu hiệu giúp cho công tác quản lý tài chính của nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn; đồng thời giúp cho nhân dân và các cơ quan, tổ chức có thể kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động tài chính của nhà nước trong từng năm tài chính. Trong bối cảnh nỗ lực tăng cường sự minh bạch, năm 2017 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính nhà nước, trong đó quy định nội dung báo cáo tài chính nhà nước; việc tổ chức thực hiện lập, công khai báo cáo tài chính nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc lập báo cáo tài chính nhà nước. Để chuyển đổi hệ thống kế toán công cũ mà nòng cốt là theo dõi việc thu chi ngân sách sang việc tổng hợp, theo dõi các tài sản công và hoạt động tài chính của nhà nước cần có sự cải cách lớn. Để thực hiện được điều này thì việc lập và trình bày báo cáo tài chính theo một chuẩn mực kế toán chung và tiệm cận với chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS) là một giải pháp hữu hiệu. Hệ thống Chuẩn mực kế toán công đưa ra những tiêu chuẩn cho việc ghi nhận, trình bày và báo cáo thông tin với chất lượng cao của các đơn vị công nhằm phục vụ lợi ích công cộng và sự giám sát của Chính phủ.

Tác giả: PGS.TS. Lê Trung Thành, TS. Trần Thế Nữ (Chủ biên)

Loại bìa: Bìa mềm

Khổ sách: 16 x 24 cm

Số trang: 236

Giá bìa: 145.000 đồng

Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật

ISBN: 978-604-670-916-9

Bên cạnh việc cải cách hệ thống kế toán công, việc cải cách chính sách quản lý thuế nhằm hướng tới một hệ thống thuế mạnh không chỉ củng cố nguồn lực tài chính cho Chính phủ, kích thích tăng trưởng kinh tế của quốc gia mà còn góp phần tăng cường khả năng cạnh tranh của quốc gia đó trong hội nhập kinh tế quốc tế. Cải cách quản lý thuế luôn là một cấu phần quan trọng của cải cách quản lý tài chính công nhằm cải thiện số thu thuế cho ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả chính sách tài chính quốc gia và tăng cường tính minh bạch tài khóa, giảm thiểu sự bất công bằng trong phân phối thu nhập xã hội.

Với cách tiếp cận cải cách kế toán công và quản lý thuế là các công cụ hỗ trợ cho việc minh bạch tài khóa của quốc gia, cuốn sách tập trung vào các nội dung chính sau:

Thứ nhất, vận dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế: Qua nghiên cứu hệ thống kế toán công tại Đức và các nước thuộc Liên minh Châu Âu, có thể thấy sự đa dạng trong việc lựa chọn áp dụng các phương pháp kế toán khác nhau ở các quốc gia hoặc các cấp ngân sách trong cùng một quốc gia. Một số quốc gia (Pháp, Anh, Thụy Điển,...) lựa chọn chuyển đổi sang áp dụng kế toán dồn tích trong khi các quốc gia khác (Ý, Bỉ) vẫn theo đuổi phương pháp kế toán truyền thống dựa trên cơ sở tiền mặt. Về lý thuyết, kế toán dồn tích đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tính minh bạch của báo cáo tài chính, cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn cho việc ra quyết định và ràng buộc trách nhiệm cao hơn ở các cấp ngân sách. Bài học kinh nghiệm của các nước thuộc Liên minh Châu Âu cho thấy xu hướng dịch chuyển rõ ràng sang áp dụng kế toán theo cơ sở dồn tích. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của khu vực công với nhiều khác biệt so với khu vực tư nhân, cần thiết phải đánh giá cả lợi ích trước mắt và lâu dài của việc áp dụng kế toán dồn tích ở từng cấp ngân sách tại mỗi quốc gia.

Thứ hai, cải cách kế toán công hướng tới sự minh bạch: Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp áp dụng cho khu vực công Việt Nam mặc dù được xây dựng trên cơ sở Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các chính sách tài chính nhưng vẫn còn nhiều cách biệt so với kế toán khu vực công trên thế giới. Với sự phát triển nhanh chóng khu vực công trong thập niên vừa qua và định hướng cải cách quản lý tài chính công theo hướng tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực công của Việt Nam, đòi hỏi phải có cải cách kế toán khu vực công phù hợp với tình hình hiện nay nhằm tăng cường sự minh bạch thông tin tài chính của các đơn vị công, đặc biệt trong bối cảnh các đơn vị công sử dụng nhiều nguồn ngân sách hay tự chủ tài chính. Nội dung này tập trung vào kế toán công trong minh bạch tài khóa, cải cách kế toán công theo chuẩn mực kế toán quốc tế, các kinh nghiệm áp dụng chuẩn mực kế toán công quốc tế và kế toán di sản trong lĩnh vực công.

Thứ ba, chống chuyển giá và các vấn đề về quản lý nhà nước: Tăng cường hoạt động kiểm soát nội bộ (KSNB) trong quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập Việt Nam. Quản lý và sử dụng tài sản công là một trong những nội dung lớn của quản lý tài chính công, là thước đo hiệu quả quản lý kinh tế và quản lý nhà nước nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, tăng cường hoạt động KSNB về quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ của quản lý nhà nước về kinh tế để thực hiện kiểm tra, kiểm soát công tác sử dụng tài sản công nhằm bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực này.

Thứ tư, quản lý thuế hướng tới nền kinh tế minh bạch: Sau hơn hai thập kỷ tiến hành cải cách, Việt Nam đã có nhiều điều chỉnh theo hướng kinh tế thị trường, hội nhập với nền kinh tế thế giới. Cũng trong xu thế cải cách đó, hệ thống thuế ở Việt Nam cũng đã có những cải cách sâu rộng từ thập niên 90 trở lại đây. Cơ cấu thuế được hiện đại hóa, hướng đến tính phổ quát trong quản lý, đồng thời các chính sách cũng chú trọng nhiều hơn đến khu vực kinh tế tư nhân năng động, có mức tăng trưởng nhanh. Cùng với đó, việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia vào các tổ chức kinh tế - xã hội - thương mại, các hiệp định kinh tế cũng dẫn đến những sự thay đổi chính sách thuế theo hướng mở, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài và tăng cường trao đổi thương mại. Tuy nhiên, những gian lận và hạn chế về quản lý thuế vẫn còn tồn tại. Vì vậy, các nội dung về cải cách thuế như dự báo thuế, ảnh hưởng của chênh lệch thuế trong tính giá cơ sở, kinh nghiệm quốc tế về cải cách quản lý thuế đã mang lại nhiều bài học giá trị cho Việt Nam./.