Trang Nghiên cứu
 
Bảo vệ tài sản trí tuệ và quyền tác giả trong lĩnh vực khoa học xã hội

Sở hữu trí tuệ nói chung và tài sản trí tuệ là một trụ cột quan trọng trong các cam kết của hội nhập. Quản lý tài sản trí tuệ hiệu quả sẽ kích thích sự đổi mới sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên nền tảng trí tuệ một cách vững bền. Đặc biệt hơn, trong môi trường giáo dục đại học, vấn đề bảo vệ tài sản trí tuệ và quyền tác giả ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, bởi đây là nơi hình thành rất nhiều sản phẩm chứa đựng sự sáng tạo cũng như là môi trường cần thiết tiếp cận các tài sản trí tuệ đó.


Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Monday Finance Series thường kỳ, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ tài sản trí tuệ và quyền tác giả trong lĩnh vực KHXH” vào ngày 12/7/2021, với diễn giả chính là TS. Phan Quốc Nguyên, giảng viên Khoa Luật - ĐHQGHN, Giám đốc Truyền thông và đại diện Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu Trí tuệ Thế giới tại Việt Nam.

Trong buổi chia sẻ, TS. Phan Quốc Nguyên đã làm rõ các khái niệm về tài sản trí tuệ, quyền tác giả, quyền nhân thân. Theo đó, ở nước ta, các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu được quản lý bởi ba đơn vị gồm Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Bản quyền Tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Quyền tác giả là một bộ phận của quyền sở hữu trí tuệ, là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu nhằm bảo vệ các quyền lợi cá nhân và lợi ích kinh tế của tác giả trong mối liên quan với tác phẩm của họ, ngăn chặn hành vi sao chép, hành vi mạo danh, phổ biến, chuyển nhượng bất hợp pháp tác phẩm. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm.

Đối với các giảng viên và cán bộ tại các cơ sở đào tạo đại học, giảng dạy và nghiên cứu là những công việc quen thuộc; và từ đây đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm trí tuệ như sản phẩm của đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ; chương trình đào tạo, bộ tiêu chí đánh giá, mô tả môn học, đề cương chi tiết môn học, đề cương bài giảng, tình huống nghiên cứu, đề thi tuyển sinh, ngân hàng đề thi; chương trình máy tính, hệ thống phần mềm quản lý; giáo trình, sách, báo cáo khoa học, các bài viết đã công bố trên website của trường và các đơn vị thuộc trường… Tuy nhiên, các giảng viên và nhà trường lại chưa hiểu biết đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình liên quan đến các sản phẩm đó. Thực trạng này rất dễ dẫn đến các hành vi xâm phạm, sao chép, sử dụng các tác phẩm đó mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền.

Hiện nay các tác phẩm được tạo ra trong cơ sở giáo dục đại học có thể chia thành hai nhóm: Một là tác phẩm được tạo ra từ nhiệm vụ được giao từ trường hoặc hưởng ngân sách nghiên cứu từ Nhà nước, trường, đơn vị trực thuộc trường; Hai là tác phẩm được tạo ra trực tiếp bởi cá nhân giảng viên, sinh viên... Luật xác định tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả tùy theo cách thức, nguồn gốc tạo ra các tác phẩm, đặc biệt trong các tình huống thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như vấn đề trích dẫn trong nghiên cứu khoa học, các sản phẩm do nhiều người đứng tên, đề tài do cơ quan đặt hàng…

Từ thực trạng trên, TS. Phan Quốc Nguyên đề xuất một số khuyến nghị sau để trường đại học tạo lập hành lang quy chế tác động vào nhận thức của mỗi người, nhất là giảng viên và sinh viên nhằm đảm bảo quyền tác giả:

  • Thứ nhất, nhà trường cần phổ biến và các giảng viên/cán bộ cần chủ động tìm hiểu để nắm rõ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở đại học.
  • Thứ hai, ở cấp độ trường và khoa đều nên có luật sư để tư vấn vấn đề pháp lý nói chung và vấn đề quyền sở hữu trí tuệ nói riêng, bởi các sản phẩm trí tuệ được tạo ra trong cơ sở giáo dục và đào tạo đại học ngày càng lớn.
  • Thứ ba, trong các hợp đồng giao khoán, cần làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ mỗi bên liên quan đến sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền sở hữu, quyền nhân thân…

Khoa Tài chính - Ngân hàng, ĐHKT