Liên quan đến vấn đề kiểm định chất lượng đại học của Mỹ, để các cơ quan, tổ chức ở VN có thêm thông tin và cẩn trọng với các văn bằng và chương trình đào tạo liên kết, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS. Đỗ Huy Thịnh - tiến sĩ ngành Quản lý giáo dục đại học tại University of Southern California - Hoa Kỳ, hiện là Giám đốc Trung tâm đào tạo khu vực SEAMEO - thuộc tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Đông Nam Á
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thị trường giáo dục mỗi nước mở rộng với sự tham gia của các trường bên ngoài là việc bình thường. Tuy nhiên, không phải trường nước ngoài nào cũng đều có chất lượng.
Tôi đồng quan điểm với TS Nguyễn Xuân Thu (Báo Tuổi Trẻ, 6-1-2007) là sau khi gia nhập WTO, chưa chắc là có các "lâu đài đại học" xuất hiện ở Việt Nam mà nhiều khi đó chỉ là những "mái hiên".
Do đặc thù đa dạng và linh hoạt của mình cùng với sự phát triển vượt bậc đi trước của khoa học công nghệ, hệ thống giáo dục của Mỹ có quy mô lớn với gần 7.000 trường sau trung học với hơn 17 triệu sinh viên.
Việc được phép hoạt động (state approved/licensed) là do nhà trường đáp ứng các yêu cầu về thành lập trường theo quy định từng tiểu bang như cơ sở vật chất, tính an toàn, tiền ký quỹ, thuế... Còn việc kiểm định (accreditation) lại liên quan đến chất lượng của các chương trình đào tạo (academic quality). Được thành lập không có nghĩa là đạt kiểm định.
Do vậy, theo các nhà giáo dục Mỹ, cần phân biệt giữa các trường được kiểm định (accredited universities) và các lò sản xuất bằng cấp (degree/diploma mills). Bà Judith Eaton, Chủ tịch Hội đồng (HĐ) kiểm định giáo dục đại học Hoa Kỳ (CHEA), trong thư ngỏ tháng 10-2006 ( http://www.chea.org/ ), bày tỏ sự quan ngại đối với các lò sản xuất bằng cấp này vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hệ thống đại học Mỹ. Không chỉ bức xúc về hoạt động của các lò sản xuất văn bằng này, các nhà giáo dục Mỹ còn cảnh báo về các lò kiểm định "ma" (accreditation mills), không được thừa nhận.
Ở Mỹ, có hai cơ quan công nhận (accrediting agencies) các tổ chức kiểm định là Bộ Giáo dục liên bang (USDE) và CHEA, trong đó USDE là cơ quan nhà nước và CHEA là cơ quan độc lập được các trường và các tổ chức kiểm định thừa nhận. Như vậy, hai cơ quan này không trực tiếp kiểm định các trường mà các trường kiểm định thông qua các tổ chức kiểm định.
Uy tín nhất là tám tổ chức kiểm định ở sáu vùng địa lý như vùng đông bắc, vùng phía nam, vùng phía tây; rồi đến 11 tổ chức cấp quốc gia như HĐ kiểm định giáo dục và đào tạo từ xa, HĐ kiểm định các trường cao đẳng và trung học dạy nghề; và 66 tổ chức chuyên môn nghề nghiệp như HĐ kiểm định về điều dưỡng đại học, HĐ kiểm định về đào tạo giáo viên, Ủy ban Kiểm định nha khoa Hoa Kỳ. Các tổ chức này được hoặc USDE, CHEA hay cả hai cơ quan này đồng công nhận. Cấp tiểu bang không ủy quyền hay cấp phép cho các tổ chức kiểm định.
Tính đến thời điểm này, cả hai cơ quan này đều xây dựng cơ sở dữ liệu về các trường sau trung học (khoảng 60% là đại học) được kiểm định với khoảng 7.000 trường và 18.000 chương trình đào tạo (và có cả danh sách các lò sản xuất bằng cấp). Xin xem www.ope.edu.gov/accreditation/ và www.chea.org/degreemills/default.htm để tìm chi tiết về các trường quan tâm.
Ngoài ra, các trang web đều có thông báo về các dấu hiệu nhận biết về các lò sản xuất bằng cấp, thậm chí có cả danh sách các trường bị đưa ra tòa do vi phạm luật (như không đảm bảo các yêu cầu theo quy định, lừa đảo, hay không thông báo công khai cho mọi người biết về việc không được kiểm định).
Được kiểm định dưới mắt công chúng có nghĩa là chất lượng được đảm bảo, có thể tiếp cận với ngân sách chính phủ (hỗ trợ tài chính và dự án nghiên cứu), sinh viên trong các trường được kiểm định có thể chuyển đổi lẫn nhau, và tạo được niềm tin nơi các nhà tuyển dụng. Như vậy, trường không được kiểm định sẽ không liên thông với các trường được kiểm định và sinh viên từ các trường không được kiểm định sẽ không có lợi thế khi tìm việc.
Với ý thức vấn đề này tuy cũ nhưng lại là hiểm họa mới, sắp tới các tổ chức kiểm định Mỹ sẽ tập trung vào việc nâng cao ý thức của công chúng về các lò sản xuất bằng cấp, siết chặt các quy định kể cả việc thông qua cơ quan lập pháp để trở thành luật, và tăng cường việc hợp tác với các nước để nhằm hạn chế các tác hại phát sinh từ các lò bằng cấp này.
Ở nước ta, cần từ nhiều nguồn để xác định tình trạng chất lượng của các trường bên ngoài, nhất là khi liên kết mở các chương trình đào tạo, để thông báo cho người học. Nhiều khi người học không biết được đâu là trường không kiểm định và có trường lại nhập nhèm trong việc trưng ra các tổ chức kiểm định “ma” hoặc mượn danh.
Một khi văn bằng từ các lò sản xuất này không được công nhận ngay ở đất nước của nó, thì không có lý gì lại có thể hoạt động hợp pháp ở nước khác được, nhất là đối với chúng ta hiện nay, trong ý nghĩa và quyết tâm của cuộc vận động Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục.