Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Việt Nam tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á

Ngày 29/6, được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đại diện cho Việt Nam cùng đại diện các nước thành viên sáng lập khác của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) ký Điều lệ Hoạt động của ngân hàng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc.


AIIB được thành lập sẽ là một định chế tài chính đa phương, trụ sở chính đặt tại Bắc Kinh và có mức vốn điều lệ 100 tỷ USD. AIIB hiện có 57 thành viên sáng lập, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Mục tiêu hoạt động của AIIB là thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực, tập trung vào các dự án trong lĩnh vực: giao thông, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp, môi trường, phát triển đô thị...
Trong tiến trình xây dựng các văn bản pháp lý và khung chính sách hoạt động của AIIB vừa qua, Việt Nam cùng các thành viên sáng lập tiềm năng khác, đặc biệt là các quốc gia phát triển đã nỗ lực xây dựng AIIB theo hướng minh bạch, hiệu quả và trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế.
Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam tại Bắc Kinh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: "Việc Việt Nam tham gia làm thành viên sáng lập của AIIB là phù hợp với chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về việc Việt Nam chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thành lập AIIB là sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 10 năm 2013. Việt Nam cùng với các nước ASEAN là những nước đầu tiên đã ủng hộ, đàm phán để có thể ký kết hôm nay. Điều đó thể hiện thiện chí, mong muốn của Việt Nam trong việc xây dựng, duy trì, vun đắp môi trường thuận lợi cho việc hợp tác mọi mặt về kinh tế, thương mại, đầu tư với Trung Quốc. Về mặt kinh tế, Việt Nam trong quá trình phát triển từ nay đến năm 2020, nhu cầu đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn. Mặc dù rất tích cực nhưng các nguồn vốn trong nước không thể đáp ứng đủ, do vậy cần huy động các nguồn vốn nước ngoài".
"Trong thời gian vừa qua, các tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chính phủ các nước cũng đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong lĩnh vực này, tuy nhiên, theo quy định của WB và ADB, nguồn vốn ưu đãi dành cho Việt Nam thời gian tới sẽ ngày càng hạn hẹp vì Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Do vậy, với việc tham gia làm cổ đông của AIIB, chúng ta bổ sung được một nguồn quan trọng để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng lưu ý để trong quá trình xây dựng các dự án, lựa chọn các dự án thiết thực, hiệu quả, đảm bảo cho quá trình phát triển kinh tế bền vững của đất nước trong thời gian tới."
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tham gia AIIB với tư cách là cổ đông sáng lập, Việt Nam có thêm nhiều quyền ưu đãi, bao gồm quyền tham gia việc hoạch định và xây dựng chính sách của ngân hàng này ngay từ đầu và trong suốt quá trình hoạt động của ngân hàng, từ đó thể hiện được tiếng nói của Việt Nam cũng như các cổ đông có quy mô nhỏ khác trong ngân hàng này. Hơn nữa, với tư cách cổ đông sáng lập, có số vốn được phân bổ, Việt Nam cũng có điều kiện để tham gia các vị trí điều hành của Ngân hàng, như Giám đốc điều hành, Giám đốc điều hành phụ khuyết trong thời gian tới.
Thông qua việc trực tiếp tham gia điều hành ngân hàng như vậy, vai trò và vị thế của Việt Nam tại Ngân hàng cũng được nâng cao. Như vậy, việc tham gia AIIB vừa mang lại những cơ hội lớn để Việt Nam phát huy vai trò, vị thế của mình, nhưng cũng có những thách thức đòi hỏi phải cố gắng vươn lên để đáp ứng yêu cầu trong thời gian sắp tới.

Theo TTXVN