Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Thực trạng lao động nông thôn ở Ninh Bình: Nhiều vướng mắc cần được giải quyết

Kết thúc chuyến làm việc học tập kinh nghiệm tại Quảng Ninh trong khuôn khổ đề tài “Nâng cao hiệu quả mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với doanh nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến 2020”, ngày 14/07, đoàn nghiên cứu liên Khoa Tài chính – Ngân hàng (TCNH) và Kế toán – Kiểm toán (KTKT) do TS. Trần Thế Nữ, Phó chủ nhiệm khoa KTKT, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN dẫn đầu đã trực tiếp xuống từng địa bàn nông thôn của tỉnh Ninh Bình khảo sát thực tế tình hình đào tạo lao động nông thôn của địa phương.


Tham dự cùng đoàn có Ông Đinh Xuân Trường – Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Sở Khoa học Công nghệ, Ông Trịnh Văn Thể - Chuyên viên Phòng dạy nghề - Sở Lao động Thương binh xã hội tỉnh Ninh Bình cùng các cán bộ Phòng lao động TP. Tam Điệp, Tỉnh Ninh Bình.

Cuộc khảo sát lần này được mở rộng ra nhiều nhóm đối tượng bao gồm: người lao động nông thôn; cán bộ, giáo viên tại các trung tâm, cơ sở đào tạo; và lãnh đạo các cơ quan quản lý về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Tam Điệp, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Phỏng vấn người lao động tại xã Yên Sơn, Ninh Bình

Sử dụng phương pháp phỏng vấn nhóm tập trung (focus group), đoàn đã thu thập được những thông tin cần thiết về mặt được và chưa được của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ người lao động tại xã Yên Sơn. Dựa trên kết quả thu thập được, có thể thấy sự triển khai kém đồng bộ và hiệu quả của địa phương. Cụ thể, hoạt động tuyên truyền còn yếu, bà con nông dân chưa hiểu cũng như chưa nắm rõ chủ trương của đề án theo quyết định 1956/QĐ-Ttg của Thủ tướng chính phủ. Bên cạnh đó, việc trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp cam kết đầu ra và bao tiêu sản phẩm còn kém hiệu quả đã khiến bà con “mất niềm tin” vào đề án, không tích cực tham gia vào các lớp học, thậm chí bỏ nghề đã được đào tạo.

Cùng với đó là chế độ dành cho giáo viên chưa được quan tâm một cách đúng mực. Theo thông tin từ buổi phỏng vấn sâu các cán bộ, giảng viên, mặc dù đều là những cán bộ có tay nghề, được các học viên đánh giá cao tuy nhiên nguồn nhân lực này lại đang không thuộc bất kỳ một tổ chức nào dù chịu sự quản lý của Huyện Tam Điệp. Hơn nữa, lại không được hưởng bất kỳ chế độ bảo hiểm nào cùng với mức lương thiếu ổn định.

Đoàn làm việc với bà con nông dân tại huyện Tam Điệp, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình

Mặc dù còn tồn tại nhiều mặt chưa được, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa bàn cũng đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể đề án đã tạo cơ hội việc làm cho bà con nông dân trong khoảng thời gian nông nhàn, nội dung chương trình đào tạo đã được xây dựng đầy đủ và phù hợp, giúp bà con có khả năng làm việc ngay sau khi được đào tạo...

Như vậy qua chuyến khảo sát lần này, có thể thấy rõ sự rời rạc và thiếu hiệu quả của đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” tại địa phương. Nhóm sẽ tiến hành mở rộng địa bàn khảo sát ra nhiều thôn, xã, huyện của tỉnh Ninh Bình để thu thập thêm những thông tin, căn cứ thực tế cần thiết giúp nhóm nghiên cứu đưa ra những định hướng và giải pháp phù hợp cho tỉnh Ninh Bình.


Hoài Thơ