Khoa Kinh tế Chính trị
 
Toạ đàm khoa học về “Bẫy thu nhập trung bình” và hàm ý cho Việt Nam

Giáo sư Kenichi Ohno thuyết trình tại tọa đàm
Sáng ngày 1/6/2012, tại Trường Đại học Kinh tế -ĐHQGHN đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học “Bẫy thu nhập trung bình” do diễn giả - giáo sư Kenichi Ohno, thuộc National Graduate Institute For Policy Studies (Nhật Bản), đồng Giám đốc Diễn đàn Phát triển Việt nam (VDF) trình bày.


Bẫy thu nhập trung bình (TNTB) là hiện tượng phần lớn các quốc gia sau khi đạt được mức thu nhập trung bình cao bị “bẫy” hay không thể tiếp tục chuyển thành nước có thu nhập cao. Đây là một đề tài đã thu hút sự chú ý của các học giả và các tổ chức kinh tế quốc tế trong khoảng 5 năm trở lại đây. Chính vì vậy, buổi tọa đàm đã nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều nhà khoa học trong và ngoài Trường ĐHKT. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường đã tham dự và trao đổi tại tọa đàm.
Bài thuyết trình của giáo sư Ohno gồm hai nội dung chính:
  1. Phân tích bẫy TNTB trên góc độ lý thuyết Kinh tế học Phát triển. Hoạch định chính sách và kinh nghiệm của các nước “thoát bẫy”.
  2. Sử dụng khung lý luận này để phân tích, khuyến nghị chính sách cho Việt Nam.

Theo đó, ông phân đoạn mô hình quá trình công nghiệp hoá thành 4 kỳ và cụ thể hoá vị trí của bẫy TNTB tại cuối giai đoạn 2 - giai đoạn TNTB cao. Trên cơ sở một số nguyên nhân chính dẫn đến sự sa “bẫy” như: các quốc gia giàu có về tài nguyên kiếm tiền dễ dàng từ việc bán tài nguyên thô nhưng hệ quả của nó là làm giảm nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và học hỏi, sáng tạo công nghệ; hay đầu tư nước ngoài quá mức dẫn đến việc thoái vốn nhanh và phi công nghiệp hoá do FDI tiếp tục chuyển sang nước có TNTB và nhân công rẻ hơn… giáo sư Ohno đã đưa ra các giải pháp chính để tránh bẫy TNTB: liên tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến chất lượng chính sách của chính phủ...
Qua đó, ông nhấn mạnh, Viêt Nam đang ở cuối giai đoạn thu nhập trung bình thấp nhưng tất cả các yếu tố dẫn đến bẫy TNTB thấp nói trên đều hiện diện rõ.  
Để có thể tạo ra các nhân tố thoát khỏi bẫy TNTB, bài thuyết trình nhấn mạnh, chính sách của chính phủ vẫn đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh cam kết hội nhập tự do thương mại quốc tế. Hệ thống chính sách tiên phong sẽ chủ yếu gồm: hỗ trợ sáng tạo ra các nguồn lực nội sinh của tăng trưởng; giải quyết các vấn đề xã hội trong quá trình tăng trưởng; đổi mới quản lý kinh tế vĩ mô để đối phó được các cú sốc từ bên ngoài.

Các nhà khoa học cùng trao đổi với giáo sư Ohno tại tọa đàm

Thực tế các nước tránh bẫy TNTB thành công cũng cho thấy, để tạo dựng được các chính sách này cần có cơ chế hoạch định chính sách tốt với sự chỉ đạo trực tiếp của chính phủ, cùng với đó là sự phối hợp ngay từ đầu giữa các bộ, sự tham gia thường xuyên của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học và địa phương. Tuy nhiên quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam vẫn còn khác xa với các đặc điểm trên nên rất cần học hỏi để có thể đạt được năng lực hoạch định chính sách có chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã trao đổi với giáo sư Ohno một số vấn đề chủ yếu về bẫy TNTB tại Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, chính sách công nghiệp theo kiểu “quả mít” - tức không có ưu tiên ngành rõ rệt tại Việt Nam đã hạn chế sự phát triển chung của nền công nghiệp. Các nhà khoa học cũng đặt vấn đề cần xác định thêm các giải pháp chính sách công nghiệp mới để tận dụng bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay với trường hợp các bên tham gia đều có lợi.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất: để tránh quan điểm cho nghiên cứu bẫy TNTB ở Việt Nam còn sớm do Việt Nam chưa bước vào giai đoạn “sát bẫy”, các học giả kinh tế Việt Nam và Nhật Bản sẽ cộng tác tạo thêm khái niệm bổ trợ (sub-concept) về bẫy TNTB thấp. Khái niệm này cũng phản ánh thực tế tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam đã chậm hẳn lại dưới 6% trong hai năm qua và nhiều khả năng trong năm nay, cũng như nhận định lý thuyết về xu hướng bẫy TNTB xuất hiện sớm tại Việt Nam như một vài học giả trong và ngoài nước.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT tặng giáo sư Kenichi Ohno món quà lưu niệm nhân chuyến thăm của giáo sư Ohno tại ĐHKT

Kết thúc hội thảo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường và TS. Nguyễn Đăng Minh - Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và Hợp tác phát triển đã cảm ơn giáo sư Ohno về bài thuyết trình thú vị với hàm lượng khoa học cao. Buổi tọa đàm khoa học của giáo sư đã đóng góp thiết thực cho việc nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển công nghiệp có hiệu lực ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Bài thuyết trình cũng làm phong phú thêm môi trường học thuật của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.



Đây là một trong những hoạt động hướng tới Lễ kỷ niệm 40 năm truyền thống và 5 năm thành lập Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Tin: Phạm Quỳnh Anh (Khoa KTPT) - Ảnh: Nguyễn Thanh