Khoa Kinh tế Chính trị
 
Hội thảo “Lượng giá tác động của biến đổi khí hậu với kinh tế biển và ngành thủy sản”

Các chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo
Ngày 2/8/2012, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo “Lượng giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) với kinh tế biển và ngành thủy sản” dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường.


Buổi hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, địa lý, sinh học, thủy sản, nông nghiệp, biến đổi khí hậu; đại diện các viện nghiên cứu, các trung tâm trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức phi chính phủ và các cán bộ, giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển.
Hội thảo nhằm cung cấp cho người tham dự tổng quan các nghiên cứu về lượng giá thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với kinh tế biển nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên thế giới và tại Việt Nam. Đồng thời cung cấp những kiến thức liên quan đến phương pháp lượng giá thiệt hại, tạo diễn đàn để những người tham dự có cơ hội giao lưu, thảo luận về hợp tác nghiên cứu các vấn đề liên quan đến chủ đề này.
Từ mục đích đó, các báo cáo được trình bày tại hội thảo đều tập trung vào nội dung chính là các phương pháp nghiên cứu về: (1) Lượng giá: lượng giá tác động của biến đổi khí hậu, lượng giá thiệt hại kinh tế tài nguyên môi trường do sự cố, lượng giá nhanh tổn thất kinh tế do tai biến, sự cố và (2) Đánh giá: đánh giá rủi ro, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối, đánh giá kinh tế của hoạt động thích ứng BĐKH.


PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh chủ trì hội thảo

Bài tham luận “Lượng giá tác động của biến đổi khí hậu đối với nghề cá biển” do TS. Nguyễn Viết Thành nêu lên một vấn đề rất mới mẻ vì việc nghiên cứu tác động của BĐKH với nghề cá là lĩnh vực mới, số lượng nghiên cứu còn rất ít, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu tương tự trước đây. Tham luận đã đưa ra những phân tích tổng quan về tác động của biến đổi khí hậu đối với các đại dương, lượng giá tác động của biến đổi khí hậu với nghề cá biển thế giới, đề xuất lượng giá tác động của biến đổi khí hậu đối với nghề cá các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Đặc biệt bài tham luận chỉ ra có thể sử dụng phương pháp thay đổi năng suất để lượng giá tác động của BĐKH đối với nghề cá.

Bài tham luận “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp Cà Mau” của TS. Ngô Thọ Hùng cũng nhận được nhiều sự quan tâm khi đưa ra phương pháp hệ thống hóa việc phân tích tính dễ bị tổn thương của ngành nông nghiệp và việc có thể sử dụng phương pháp này áp dụng cho các tỉnh hoặc các ngành khác trong cả nước.
Các bài tham luận còn lại trình bày một số kinh nghiệm trong nghiên cứu thực tiễn, cung cấp các thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và đánh giá các giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác các bài tham luận cũng khẳng định việc lượng giá tổn thất là hoạt động liên ngành và cần có sự gắn bó mật thiết giữa các chuyên ngành liên quan, cũng như cần có một hệ thống thu thập số liệu hiệu quả hơn.
Trao đổi về tham luận của các chuyên gia, các đại biểu đều cho rằng các báo cáo tại hội thảo đều có chất lượng cao và rất đáng ghi nhận, góp phần cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết và gợi mở các hướng tiếp cận về lượng giá thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với kinh tế biển và ngành thủy sản Việt Nam, giúp người tham dự có cái nhìn tổng quan về các phương pháp nghiên cứu đã triển khai. Việc cần làm hiện nay là cần chuẩn hóa được bộ công cụ, xây dựng hệ số và nhân rộng theo quy mô vùng, phải có phương pháp luận tốt, dữ liệu và công cụ tốt. Ngoài ra, theo ý kiến của PGS.TS Phạm Văn Cự - Giám đốc Trung tâm quốc tế Nghiên cứu Biến đổi khí hậu toàn cầu (ĐHQGHN): “Cần phải lồng ghép nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu vào bài toán kinh tế vĩ mô cụ thể đối với Việt Nam”.

Các đại biểu đánh giá cao chất lượng hội thảo và hy vọng Trường ĐHKT sẽ tổ chức nhiều hơn nữa những hội thảo khoa học về vấn đề biến đổi khí hậu

Một số ý kiến cũng trao đổi về kinh nghiệm bản địa hóa phương pháp luận của quốc tế như: phương pháp đánh giá tính nhạy cảm, phương pháp đánh giá rủi ro, cách tiếp cận về đồng quản lý, quy hoạch không gian biển…

Sau nửa ngày làm việc nghiêm túc và tích cực, hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với nhiều thông tin và kinh nghiệm hữu ích về lượng giá tác động của biến đổi khí hậu với kinh tế biển và ngành thủy sản. Hội thảo cũng đi đến thống nhất những nội dung nghiên cứu và thỏa thuận nghiên cứu tiềm năng của các bên liên quan đối với vấn đề lượng giá thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đối với kinh tế biển và ngành thủy sản Việt Nam - góp phần phát triển quan hệ hợp tác giữa Khoa Kinh tế Phát triển nói riêng và Trường ĐHKT - ĐHQGHN nói chung với các cơ quan nghiên cứu trong nước.
Phát biểu tổng kết hội thảo, thay mặt lãnh đạo Trường ĐHKT và Ban tổ chức hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh cảm ơn các chuyên gia, các đại biểu đã có báo cáo tham luận và thảo luận về chủ đề rất thiết thực này. Ông mong rằng, hội thảo sẽ là cầu nối cho mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả hơn nữa giữa Trường ĐHKT - ĐHQGHN và các viện, các trung tâm nghiên cứu; cũng như tiến tới xây dựng lộ trình cho việc đấu thầu và triển khai các dự án nghiên cứu chung về chủ đề này.


Hội thảo sẽ là cầu nối cho mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa nhà trường và các chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu

_________________________
CÁC THAM LUẬN TẠI HỘI THẢO:

Tin: Hoa Hạnh (Khoa KTPT) - Ảnh: Văn Chung