Khoa Kinh tế Chính trị
 
Lĩnh vực công: Mấu chốt là thay đổi tư duy dùng người!

TS. Hans Norgren
“Lĩnh vực công của Việt Nam hiện nay có rất nhiều những người trẻ, có năng lực, có nhiệt huyết và có nhiều động lực mạnh mẽ để làm việc, tuy nhiên họ sẽ thất vọng và chán nản nếu lãnh đạo của họ không biết dùng người”.


Đó là chia sẻ của TS. Hans Norgren - Giám đốc tổ chức và quản lý, Viện quản trị công Thụy Điển (SIPU International), Giáo sư Đại học Uppsala.

50 năm trước, Chính phủ Thụy Điển bị lạm chi ngân sách và đã phải cắt giảm 15-20% nhân sự để tiết kiệm và làm cho chất lượng thực thi công việc trở nên hiệu quả hơn. Mới đây, Chính phủ Anh cũng đã tuyên bố cắt giảm 500.000 việc làm trong các cơ quan nhà nước. Nhiều nước Châu Âu khác như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ailen cũng đang gặp vấn đề tương tự. Việc cải cách hệ thống nhân sự trong khu vực công ở các nước phát triển và đang phát triển là xu hướng tất yếu. Với nền kinh tế phát triển mạnh trong những năm gần đây, Việt Nam tuy chưa ở trong tình trạng khủng hoảng nhưng cũng đang phải đối mặt với những khó khăn lớn về việc phải nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong lĩnh vực công.

Làm thế nào để tăng cường nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nhằm đáp ứng được những nhiệm vụ ngày càng nặng nề của công cuộc phát triển kinh tế đất nước, Tiến sỹ Hans Norgren, chuyên gia quản trị nhân sự trong lĩnh vực công đến từ Thụy Điển chia sẻ: Lần đầu tôi đến Việt Nam là vào năm 1997 để đào tạo cán bộ cho Ban tổ chức trung ương. Khi được yêu cầu nêu ra những vấn đề bất cập của địa phương mình, tôi rất ngạc nhiên khi thấy học viên đến từ các tỉnh khác nhau đều đưa ra một vấn đề y hệt nhau, và đề xuất giải pháp cũng giống nhau, rất chung chung. Nguyên nhân là họ chưa có tư duy phản biện, tư duy phê phán để tìm ra các giải pháp thực tiễn. Còn ngày nay, tôi thấy rằng lĩnh vực công của Việt Nam đã có rất nhiều những người trẻ, có năng lực, có tư duy hiện đại, có tâm huyết và sẵn sàng nhận trọng trách. Tôi thấy rõ điều này qua các học viên khóa 2 của chương trình đào tạo Thạc sỹ quản lý công liên kết giữa Đại học Uppsala và Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Những học viên này là công chức, cán bộ quản lý ở các cơ quan trung ương và 29 tỉnh thành trong cả nước, theo học trong Đề án 165 của Ban Tổ chức trung ương. Bản thân họ có động lực mạnh mẽ để làm việc, tuy nhiên họ sẽ thất vọng và chán nản nếu lãnh đạo của họ không động viên khuyến khích và tạo môi trường tốt. Vì thế, theo tôi, vấn đề then chốt ở lĩnh vực công của Việt Nam là thay đổi tư duy dùng người của lãnh đạo. 


TS. Hans Norgren trao đổi với các học viên.

Biện pháp nào để thay đổi được tư duy này của người lãnh đạo? TheoTS. Hans Norgren, có 2 cách quan trọng để thay đổi tư duy của cán bộ lãnh đạo: Thứ nhất người lãnh đạo phải được sàng lọc thường xuyên.Tư tưởng “sống lâu lên lão làng” hay “cứ giỏi chuyên môn nhất thì làm lãnh đạo” rất phổ biến ở Việt Nam. Nhưng không phải ai giỏi chuyên môn cũng có tố chất làm lãnh đạo. Phải kiên quyết cho nghỉ việc hoặc chuyển vị trí những người không có năng lực lãnh đạo sang những vị trí phù hợp với chuyên môn của họ. Triết lý quản trị nhân sự hiện đại coi “làm việc đúng” không quan trọng bằng “làm đúng việc”, tức là đặt con người vào đúng vị trí phù hợp với năng lực và sở trường chuyên môn của họ.

Cách thứ hai là phải đào tạo cán bộ trong các chương trình đặc thù, dài hạn và có tính thực tiễn cao mới có thể thay đổi tư duy của đối tượng học viên là công chức. Chương trình đào tạo cần áp dụng phương pháp hiện đại, lấy học viên làm trung tâm giúp học viên tự giải quyết các vấn đề trong chính tổ chức của họ, và kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy của giảng viên phải tạo ra những ấn tượng rất mạnh mới bẻ lái được nếp nghĩ cũ đã thành đường mòn trong tâm trí học viên.

Trong Chương trình Thạc sĩ Quản lý công liên kết đào tạo giữa Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và Đại học Uppsala, Thụy Điển, toàn bộ học viên khóa 2 của chương trình là cán bộ được cử đi học theo đề án 165 của Ban Tổ chức TƯ để đào tạo cán bộ quản lý.

Dưới đây là trao đổi của một số học viên khóa 2 về Chương trình Thạc sĩ Quản lý công liên kết đào tạo giữa Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và Đại học Uppsala, Thụy Điển:

Anh Vũ Quang Thắng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang, cho biết: “Khi làm phong trào ở địa phương , trước đây tôi chưa thực sự để ý đến tính hiệu quả, với hạn chế về thời gian, kinh phí, con người, thì các bộ phận phối hợp như thế nào để có phương án tốt nhất tham mưu cho lãnh đạo. Một lần được trải nghiệm trò chơi xây tháp trong môn học Kỹ năng lãnh đạo và phát triển tổ chức, tôi mới vỡ ra tầm quan trọng của việc lập kế hoạch chi tiết với mục tiêu rõ ràng và phân công cụ thể để kiểm soát đánh giá tốt hơn hiệu quả công việc”.

Anh Phạm Thanh Nam, Trưởng phòng Công nghệ sinh học, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN, Sở KHCN, tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: “Tôi vốn là người làm chuyên môn, được bổ nhiệm làm quản lý nhưng chưa có kỹ năng và kinh nghiệm. Bản thân tôi chỉ tập trung vào chuyên môn, có những việc cơ bản của người làm quản lý như phỏng vấn nhân viên mà 10 năm nay chưa bao giờ mình thực hiện. Khi được các thầy hướng dẫn, tôi mới giật mình nhận ra tầm quan trọng của việc lắng nghe, giúp tháo gỡ những vấn đề mà nhân viên gặp phải. Quan niệm về quản lý của tôi đã thay đổi nhiều sau vài tháng tham gia khóa học.”