Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
Thư gửi em trai

Ảnh minh họa
Cứ tự nhiên như thế, Trường Đại học Kinh tế đi vào cuộc sống của chị, dõi theo những bước đi, những thăng trầm của thời sinh viên, để rồi cuộc sống trở nên thú vị hơn, đẹp hơn lên đối với chị.


Em trai à!
Học hành quả thực vất vả lắm đúng không? Đặc biệt trong giai đoạn “nước rút” thế này, chị hiểu rất rõ sự mệt mỏi, áp lực cũng như cảm giác của em khi chuẩn bị đương đầu với kỳ thi đại học sắp tới - bước chuyển biến hết sức quan trọng đối với tất cả chúng ta. Và trong e-mail lần này, chị sẽ không áp đặt em phải học tập thế này hay thế khác nữa mà chị muốn dành một khoảng nhỏ để tâm sự, chia sẻ những suy nghĩ chân thành của chị để cho em một số lời khuyên mà chị cho là hữu ích với em, giúp em có định hướng nhất định trong việc chọn trường đại học cho mình.
Em cũng biết rồi đấy, chị đang là sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hai năm theo học với chị không phải là quá dài nhưng nếu nói ngắn ngủi cũng không chính xác, bởi lẽ chị đã có những cái nhìn khá đa dạng về ngôi trường này.
Đại học Kinh tế - một cái tên chỉ ngẫu nhiên đến với chị trong những năm tháng cuối cùng của đời học sinh vừa miệt mài học tập, ôn thi, vừa canh cánh nỗi lo tìm một trường đại học phù hợp với mình, giống hệt em bây giờ. Và chị đã đăng ký thi vào ngôi trường này chỉ vì thấy khả năng của mình có thể thi đỗ vào trường, một phần cũng vì kinh tế là ngành mà chị đã luôn yêu thích.
Không nằm ngoài dự đoán, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, chỉ mấy tháng sau kỳ thi đại học cam go chị đã có thể đường đường chính chính trở thành một sinh viên thực sự của Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Vui có, tự hào đương nhiên cũng có, nhưng giấc mơ về giảng đường đại học trong chị từ những năm tháng còn là học sinh dần tan biến theo thực tại của những ngày đầu năm thứ nhất. Giống như những bong bóng xà phòng dễ xuất hiện và cũng bất chợt vỡ òa; mơ mộng viển vông khi trước dần được thay thế bởi những suy nghĩ đầy thực tế: học đại học không giống như trung học, không giống như trong hình dung trước kia của mình chút nào.
Ban đầu, chị buồn và thất vọng nhiều lắm. Bởi lẽ bài vở tuy không quá nặng nề nhưng toàn những môn học xa lạ khác hẳn hồi cấp ba, cách thức học cũng hoàn toàn khác; rồi thì bạn bè xung quanh đến từ rất nhiều vùng quê khác nhau, lạ lẫm, không quen biết ai, cộng thêm bản tính vốn nhút nhát của chị khiến việc kết bạn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Vậy nên mãi đến khi hết học kỳ một của năm thứ nhất mà chị vẫn chưa tìm được một người bạn để nói chuyện, tâm sự. Thêm nữa, trường lại tuyển số lượng rất ít sinh viên mỗi năm, cảm giác thua thiệt so với những trường đại học lớn khác dần phát sinh từ đó.
Nhưng chị đã nhầm em ạ. Càng học, càng đi sâu vào cuộc sống sinh viên của Đại học Kinh tế, chị càng thông suốt hơn những suy nghĩ của mình đều là nhầm lẫn. Nếu như trước kia cảm giác hơi chạnh lòng mỗi khi so sánh trường mình với trường khác khi mà mỗi kỳ tuyển sinh, trong khi một số trường lớn đều tuyển số lượng rất đông sinh viên với con số lên đến hàng nghìn thì trường Đại học Kinh tế chỉ đưa ra con số hết sức khiêm tốn, chỉ là vài trăm sinh viên mà thôi.
Tuyển ít sinh viên thế, phải chăng chỉ tiêu đầu vào của trường có vấn đề? Câu trả lời là không hề mà hoàn toàn ngược lại. Em biết không? Lượng thí sinh dự thì vào trường không ít, hơn nữa điểm đầu vào cũng không hề thấp, song Đại học Kinh tế không quá chú trọng vào số lượng mà cái trường quan tâm chính là chất lượng, vậy nên dù không được đến hàng nghìn nhưng quy mô tuyển sinh với chỉ vài trăm sinh viên đã đem lại một hiệu quả nhất định cho công tác đào tạo đại học của trường.
Nhìn lại, có rất nhiều yếu tố khiến trường Đại học Kinh tế đẹp hơn trong mắt chị, những điều mà càng học chị càng khám phá ra, để rồi càng khám phá càng thấy yêu ngôi trường này hơn.
Không như một số trường khác, ở Đại học Kinh tế, chị nhận thấy một đặc điểm đó là các sinh viên của trường có trình độ rất đồng đều, bên cạnh đó mọi người đối xử với nhau hết sức thân thiện, cởi mở, vui vẻ hòa đồng khiến chị từ một con người khá nhút nhát trong việc kết giao với bạn bè nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã có thể quen được rất nhiều bạn. Cái tính nhút nhát cũng từ đó mà mờ nhạt dần, để rồi một cách hết sức tự nhiên, chị thấy sự tự tin đã tăng lên rất nhiều và chị có thể làm quen với những người bạn mới mà không một chút ngại ngùng, lúng túng. Rất tuyệt đúng không?
Tuy nhiên, bấy nhiêu đây vẫn chưa đủ để tạo nên một sức hút diệu kỳ cho ngôi trường này. Nếu như trước kia khi mới chập chững bước chân vào trường, chị có phần hơi thất vọng vì giảng đường khác xa với tưởng tượng của chị. Giảng đường dù không to, rộng, hoành tráng nhưng giờ đây đó không còn là vấn đề quá lớn đối với chị. Chị hoàn toàn có thể tự hào về một ngôi trường với những giảng đường được trang bị đầy đủ trang thiết bị học tập không thua kém bất cứ trường nào, từ máy chiếu, đèn học cho đến bàn ghế, thậm chí là cả điều hòa cho những ngày thời tiết nóng nực. Và chính vì giảng đường không quá rộng nên sinh viên có thể thường xuyên gặp nhau, thường xuyên trò chuyện, bàn luận bài vở hơn. Tình bạn cũng từ đó mà thân thiết hơn!
Chị yêu khu giảng đường của chị - giảng đường NTC với những ghế đá, phòng học nhỏ xinh; yêu những người bạn dù ở những phương trời khác nhau nhưng luôn cho chị một cảm giác thân thiết, một thái độ học tập nghiêm túc; yêu cả CSS book - canteen nho nhỏ nhưng là nơi không thể thiếu để sinh viên tụ tập cùng nhau ăn uống, trò chuyện, ôn bài… Yêu cả những buổi hội thảo hữu ích mà trường rất hay tổ chức để sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn về việc hướng nghiệp, cũng như trau dồi cho mình rất nhiều kỹ năng sống có ích.
Những hoạt động ngoại khóa của trường cũng thực sự phong phú và mang cho chị những kỷ niệm khó quên. Một trong những hoạt động mà chị hết sức yêu thích và đã được tham gia đó là đợt tình nguyện “Mùa hè xanh Yên Bái 2011” vừa qua. Điều đó khiến chị càng ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn, sống hòa nhập hơn với môi trường đại học và mọi thứ đều tốt hơn lên rất nhiều.
Cứ tự nhiên như thế, Trường Đại học Kinh tế đi vào cuộc sống của chị, dõi theo những bước đi, những thăng trầm của thời sinh viên để rồi cuộc sống trở nên thú vị hơn, đẹp hơn lên đối với chị.
Mỗi khi ra đường, có ai hỏi chị học trường gì chị đều trả lời một cách đầy tự hào: “Mình học Đại học Kinh tế - ĐHQGHN”. Có thể trong nước, cái tên Đại học Kinh tế còn chưa thực sự được nhiều người biết đến bởi trường mới chỉ thành lập được cách đây chưa lâu, nhưng chỉ cần phóng tầm mắt ra xa, nhìn nhận một cách toàn diện mới thấy được hết tầm cỡ của trường.
Thông qua các buổi hội thảo, các diễn đàn tầm cỡ quốc tế và khu vực, thông qua rất nhiều phương tiện truyền thông, chị càng ngưỡng mộ ngôi trường của mình hơn vì những thành tích trường đạt được, những nỗ lực không ngừng nghỉ rất đáng khâm phục mà cả thầy và trò của trường đã bỏ ra để khiến cái tên Đại học Kinh tế ngày một mang tầm vóc lớn hơn, ngày một gần gũi hơn với bạn bè quốc tế.  
Em trai à, trên đây là những tâm sự, những suy nghĩ rất thật của chị về ngôi trường thân yêu mà chị đang theo học và em có thể coi đây như là một lời gợi ý cho “công cuộc” chọn trường đại học cho mình. Tại sao không? Em cũng yêu thích kinh tế như chị, với khả năng của em cộng thêm chút nỗ lực thì hoàn toàn có thể trở thành thế hệ tương lai của trường. Vì vậy chị thật lòng muốn khuyên em hãy nghiêm túc suy nghĩ về Đại học Kinh tế như một trong những lựa chọn tốt nhất của em.
Em thấy đấy, trước kia chị vốn là một đứa khó thích nghi với sự thay đổi môi trường đột ngột, nhưng chỉ hai năm trở thành sinh viên, Đại học Kinh tế đã thay đổi con người chị rất nhiều. Chị tự tin hơn, hoạt bát hơn, sống trách nhiệm hơn. Thật tốt đúng không? Đây thực sự là một ngôi trường rất đáng để theo học, dù chị biết sẽ còn có những trường khác tốt hơn và em sẽ còn phải cân nhắc rất nhiều trong những lựa chọn của mình.
Hãy nghĩ kỹ nhé, Đại học Kinh tế luôn dang rộng cánh tay chào đón và tạo cơ hội cho mọi người!

Phạm Thị Tú Anh (QH-2010-E KTPT) Giải Khuyến khích cuộc thi viết “Trường Đại học Kinh tế và tôi"