Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
UEB - Điểm tựa của những đam mê, khát vọng chinh phục!

Lý Đại Hùng (phải) trong lễ trao thưởng cho sinh viên đạt giải nhất NCKH của Trường ĐHKT
Trường ĐHKT luôn tái hiện trong trí tưởng tượng của các thế hệ sinh viên là hình ảnh của một môi trường học tập xứng tầm, một không gian cởi mở và tự do cho khám phá khoa học, một không khí ấm áp, thân thiện của sự hợp tác và chia sẻ tận tâm. Gắn liền với hình ảnh đó, bài viết này xin được gửi gắm như một lời cảm ơn trân trọng và sâu sắc tới mái trường mà bao sinh viên như tôi đã trải nghiệm và trưởng thành.


Từ xưa đến nay, ước mơ và dám thực hiện ước mơ là chìa khóa cho những thành công không ngừng của loài người trong suốt quá trình khuất phục tự nhiên. Nhưng, ước mơ chỉ được hiện thực hóa khi được chắp cánh bởi niềm đam mê và khát vọng chinh phục. Nếu niềm đam mê tạo động lực cho mỗi con người khai phá thế giới này theo cách thức riêng thì chính khát vọng làm hiện thực hóa niềm đam mê bằng những bước đi, hành động cụ thể trong những nỗ lực không ngừng nghỉ. Đam mê và khát vọng cũng chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt biết bao thế hệ sinh viên đă từng được rèn luyện dưới mái trường Trường ĐHKT mà chúng tôi vẫn thường gọi bằng cái tên rất thân thương - UEB. Sợi chỉ đó được ươm dệt và gìn giữ vẹn nguyên theo năm tháng và trở thành một trong bốn giá trị cốt lõi của UEB trên chặng đường phấn đấu trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế.

Cho đến nay, mỗi lần nhắc đến UEB không thể không nhắc đến hoạt động nghiên cứu khoa học bởi nó như một dấu ấn đậm nét đối với các thế hệ sinh viên - nơi họ được hoàn thiện phương pháp luận và khả năng tiếp cận, khai thác các vấn đề một cách rất hệ thống và đa chiều. Dưới sự hỗ trợ tối đa về nhiều mặt của Nhà trường, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên diễn ra sôi nổi và đã thực sự trở thành một người bạn thân thiết không thể tách rời quá trình học tập nghiêm túc của các bạn sinh viên. Nhà trường thường xuyên tổ chức các chuỗi sự kiện để hỗ trợ cũng như định hướng cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Chuỗi sự kiện này thường bao gồm các hội thảo giới thiệu về phương pháp nghiên cứu khoa học, lựa chọn đề tài và gồm cả các hội thảo chuyên môn do chính các bạn sinh viên thuyết trình. Các sự kiện luôn được Ban Giám hiệu và các thầy cô quan tâm tham dự đánh giá và góp ý. Trong 4 năm học tập, tôi vẫn còn nhớ những hội thảo tại hội trường 801 bị lấp kín bởi các bạn sinh viên, có nhiều bạn còn ngồi luôn quanh bục thuyết trình để tiện theo dõi nội dung trình bày. Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Trường tạo ấn tượng bởi kiến thức bao trùm nhiều lĩnh vực, đã gửi gắm tư tưởng của sự tự do khoa học, tính độc lập và sáng tạo trong nghiên cứu cho các bạn sinh viên. Thầy Võ Trí Thành, Viện phó Viện Kinh tế Trung ương cũng có những dịp đến chia sẻ với sinh viên trong Trường về cách tiếp cận và thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Lời nhắn của thầy mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ mãi, đó là “Không có đúng và sai trong kinh tế học, mà chỉ có hợp lý hay không hợp lý mà thôi”.

Khả năng nghiên cứu khoa học, được Nhà trường hỗ trợ chu đáo, đã trở thành một lợi thế khác biệt của sinh viên UEB so với mặt bằng chung của các sinh viên hiện nay. Và điểm mạnh đó thể hiện rất rõ ràng bằng những giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Bộ, cấp ĐHQG mà các sinh viên UEB đã gặt hái trong nhiều năm qua. Nhưng chắc chắn, chính khả năng tư duy và làm chủ thực tiễn còn là một bằng chứng mạnh mẽ hơn cho dấu ấn về phương pháp khoa học mà những sinh viên đã may mắn được trau dồi dưới mái trường này. Đầu tiên, chúng tôi được học trở nên độc lập và tự do trong tư duy khoa học. Tất cả các bài tập, bài tiểu luận, cho đến báo cáo nghiên cứu khoa học và khóa luận tốt nghiệp đều bắt buộc phải thể hiện được những quan điểm, đánh giá chất lượng dựa trên những luận cứ khoa học tin cậy và bị nghiêm cấm tuyệt đối sự sao chép hay ăn cắp bản quyền. Tinh thần khoa học nghiêm túc đó đã hun đúc ra đời những bộ óc có khả năng tư duy độc lập và đặc biệt là tôn trọng sự tự chủ hay “tự lực cánh sinh” trong chính những hoạt động hàng ngày. Mặc dù còn non trẻ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, song sinh viên chúng tôi được Nhà trường hướng đến việc khai phá khoa học này theo cách tiếp cận riêng biệt và theo chính bản chất tự nhiên, vốn có của những sự kiện trong bức tranh kinh tế sinh động đầy màu sắc đương đại. Tôi vẫn nhớ thầy Vũ Quốc Huy đã kiên quyết yêu cầu chúng tôi phải tiếp cận đề tài theo cách khác biệt với các bài nghiên cứu trước đây, bởi như thầy đă nói: “Làm lại của người khác là không có ý nghĩa, chỉ tổn phí công sức”. Rồi UEB cũng có thầy Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Chủ biên Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, luôn khắt khe trong khoa học và yêu cầu sinh viên cần tự do trong tư duy, phải viết những gì mà chính bản thân mình biết, hiểu và nắm được - tuyệt đối tránh nói những điều lặp lại của người khác. Những điều này đi cùng với tinh thần thượng tôn khoa học và là vũ khí hiệu quả nhất chống lại sự không trung thực, hành vi cố ý bóp méo sự thật khách quan và sự cóp nhặt tầm thường trong khoa học. Những điều đó không phải là khẩu hiệu, mà đã ăn sâu, trở thành nếp suy nghĩ bám rễ sâu rộng vào tư duy của sinh viên UEB không chỉ trong nghiên cứu khoa học mà còn trong chính những hành động thực tế hàng ngày.

Không chỉ vậy, những năm tháng học tập miệt mài dưới mái trường UEB còn là quãng thời gian đẹp nhất mà mỗi lần nhắc lại, chúng tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào xen lẫn với niềm lưu luyến những kỷ niệm ngọt ngào đã qua. Thật khó để nhận ra ranh giới giữa thầy cô và sinh viên dưới mái nhà chung UEB, nơi mà thầy cô luôn dành cho sinh viên sự quan tâm và chia sẻ tận tình bằng những bài giảng hấp dẫn, lôi cuốn. Tôi vẫn nhớ những giờ học sôi nổi nơi mà sinh viên được thỏa sức tranh luận bằng những phân tích mạch lạc, có căn cứ khoa học về các chủ đề gần gũi của bức tranh đời sống kinh tế, xã hội đương đại đầy sống động. Các thầy cô, với lượng kiến thức sâu rộng, luôn dẫn dắt sinh viên khám phá những chân trời rộng lớn hơn của khoa học kinh tế - nơi mà con người có thể giải thích các vấn đề phức tạp bằng các nguyên lý cơ bản, gần gũi. Từng bước một, chúng tôi được các thầy cô hướng dẫn khám phá cuộc sống này theo những góc nhìn đa chiều với những trải nghiệm ngày càng sâu sắc hơn. Các thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế rộng rãi mà đi kèm đó còn là ngọn lửa của lòng nhiệt huyết, tận tâm với công việc. Ấn tượng hơn cả là sự gần gũi, thân thiện mà các thầy cô luôn dành cho học trò của mình. Các thầy cô lôi cuốn sinh viên không những bởi bài giảng phong phú mà còn ở khả năng thể hiện thành công các bài hát trữ tình, nhẹ nhàng nhưng sâu đậm - nơi gửi gắm lòng yêu thương học trò vô bờ bến. Đồng thời, cũng phải kể đến các Chủ nhiệm Khoa, mặc dù công việc bận rộn nhưng vẫn luôn cố gắng dành thời gian đến lớp giảng bài và chia sẻ với sinh viên về cuộc sống, định hướng nghề nghiệp. Ở UEB, các thầy cô cầm tay dẫn dắt sinh viên vững bước dường như chuyện vô cùng tự nhiên vậy!

Hình ảnh của mái trường mến yêu này luôn gắn liền với mỗi sinh viên trong quá trình học tập và làm việc hàng ngày. Dù cảm nhận theo cách nào thì chắc chắn rằng, Trường ĐHKT đã, đang và sẽ là một mái nhà cho những bạn trẻ ấp ủ hoài bão, khát vọng chinh phục những đỉnh cao tri thức.

Nếu tri thức là một khoảng trời rộng lớn, thì các bạn sinh viên UEB hãy nỗ lực rèn luyện để trở thành những con chim có thể tung cánh bay trên bầu trời đó với đôi cánh của tinh thần tự do và khả năng tư duy độc lập. Quá trình đó sẽ vô cùng vất vả, nhưng chắc chắn rằng UEB mãi là điểm tựa vững vàng cho những ai dám ước mơ tung bay bằng đôi cánh của chính mình.

Lý Đại Hùng (Cựu sinh viên Khóa QH-2007-E):

Giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên 2010, Trường ĐHKT

Giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên 2010, ĐHQGHN

Giải ba nghiên cứu khoa học sinh viên 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giải bạc sinh viên nghiên cứu kinh tế và chính sách 2010, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐHKT

Giải thưởng nghiên cứu khoa học Vừ A Dính 2010

Bằng khen Tài năng trẻ Thủ đô 2010, dành cho 100 gương mặt tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội trong lĩnh vực học tập và nghiên cứu khoa học

Bằng khen đoàn viên có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm 2010

Bằng khen đoàn viên có thành tích xuất sắc, Thành đoàn Hà Nội 2010

Danh hiệu gương mặt sinh viên tiêu biểu (2008, 2009), Trường ĐHKT.

Lý Đại Hùng
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Khóa QH-2007-E


(Trích Kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)