TS. Enzo Dia thuyết trình tại tọa đàm
Ngày 26/3/2014, các giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có cơ hội giao lưu với TS. Enzo Dia - giảng viên, chuyên gia Trường Đại học Milano Bicocca, Italia tại tọa đàm có chủ đề “Chính sách ứng phó với khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ và Châu Âu” (The policy responses to the financial crisis in the United States and Europe).
TS. Enzo Dia tới Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) theo lời mời của TS. Marion Fischer - Giám đốc dự án Ngoại giao và Tiếp cận công chúng của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. Tại buổi giao lưu, TS. Marion Fischer cùng các cán bộ dự án đã tham dự và chia sẻ: mong muốn của dự án là mang đến những thông tin, hiểu biết nhiều hơn về Liên minh Châu Âu đến các nước trên thế giới. Và đoàn rất vui khi được giới thiệu TS. Enzo Dia đến Trường ĐHKT để nói chuyện với các giảng viên và sinh viên của trường về chủ đề này.
Trong buổi giao lưu, các giảng viên và sinh viên Trường ĐHKT đã được nghe bài thuyết trình rất sâu sắc của TS. Enzo Dia về vấn đề khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ và châu Âu, cũng như sự quản lý của các nhà nước này đối với hệ thống ngân hàng nhằm giải quyết khủng hoảng.
TS. Marion Fischer -Giám đốc dự án Ngoại giao và Tiếp cận công chúng của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam
Trên cơ sở so sánh hoạt động của hệ thống ngân hàng tại một số quốc gia và khu vực đại diện như: Hoa Kỳ, Khu vực đồng tiền chung Châu Âu, Nhật Bản, Châu Á…, bài thuyết trình phân tích sự khác biệt trong khủng hoảng diễn ra ở Hoa Kỳ, Châu Âu và các khu vực khác.
Phân tích nguyên nhân xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ và Châu Âu, TS. Enzo Dia cho rằng chính do việc huy động cũng như quản lý vốn sai lầm của hệ thống ngân hàng thương mại. Trong đó, các ngân hàng thúc đẩy người dân vay vốn mua nhà trong khi khả năng tài chính của họ không đủ mạnh; bản thân ngân hàng cũng cho vay nhiều hơn vốn mà họ có từ tiền gửi của người dân. Nói cách khác, những khoản tiền đó đáng lẽ nên được tập trung vào khu vực sản xuất mang lại hiệu quả thì lại bị đổ vào thị trường bất động sản. Và trong giai đoạn đó, chính nhà nước của các quốc gia này cũng mắc sai lầm khi tạo sự an toàn cho các ngân hàng thương mại thúc đẩy người dân vay nợ.
Khủng hoảng tài chính do đó đã ảnh hưởng rất mạnh đến thương mại toàn cầu và làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế vốn đã tồn tại.
TS. Enzo Dia tiếp tục phân tích và đánh giá chính sách ứng phó của các nhà nước đối với cuộc khủng hoảng. Tại Hoa Kỳ, khủng hoảng được giải quyết một cách nhanh chóng với việc Nhà nước tiến hành quốc hữu hóa một số ngân hàng và để cho những ngân hàng hoạt động không hiệu quả phải phá sản. Tại Châu Âu, cuộc khủng hoảng diễn ra phức tạp và được giải quyết lâu hơn do sự can thiệp của Ngân hàng Trung tâm Châu Âu (ECB) ít hơn và đòi hỏi sự tự chủ của chính phủ mỗi quốc gia trong khu vực.
Cho đến hiện nay, với những tác động của ECB, cùng sự thay đổi trong hoạt động của chính các ngân hàng thương mại, tình hình tại Châu Âu đã có nhiều tiến triển. Việc cải cách trong hệ thống ngân hàng vẫn đang tiếp tục diễn ra tại cả Hoa Kỳ và Châu Âu nhằm giải quyết triệt để hơn cuộc khủng hoảng.
Kết lại bài thuyết trình của mình, TS. Enzo Dia đưa ra một số bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Ông nhấn mạnh, chắc chắn có những công cụ chính sách và thể chế để đối phó với khủng hoảng; và việc sử dụng bất kỳ công cụ nào đều có thể gây nên những tổn thất nhất định. Bên cạnh đó, rất cần thiết sử dụng công cụ luật pháp để ngăn chặn việc các ngân hàng cho vay quá nhiều, tạo ra những nguồn nợ lớn và tạo sự tăng trưởng quá nhanh cho ngân hàng. TS. Enzo cũng cho rằng, mỗi nhà nước không nên có quá nhiều khoản nợ công. Việc giảm những khoản nợ công cần thực hiện ngay khi nền kinh tế đang được vận hành tốt vì đến khi khủng hoảng mới tìm cách giải quyết thì đã quá muộn.
Chia sẻ sau bài thuyết trình của TS. Enzo Dia, các giảng viên và sinh viên Trường ĐHKT đã trao đổi và đặt ra các câu hỏi để hiểu thêm về việc giải quyết khủng hoảng tài chính tại Châu Âu và Hoa Kỳ, đồng thời liên hệ tới những vấn đề đang diễn ra tại Việt Nam hiện nay.