Hội thảo nhận được sự quan tâm tham dự của lãnh đạo và đại diện các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận - nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các trường đại học/ viện nghiên cứu, đại diện của nhiều đại sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam, các nhà tài trợ quốc tế, các hội và hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng, các nhà khoa học hàng đầu và nhiều hãng thông tấn báo chí.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, được xây dựng lần đầu tiên năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách phù hợp.
TS. Nguyễn Đức Thành - Chủ biên Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam thay mặt nhóm tác giả trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của báo cáo
Lãnh đạo và đại diện các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận, nghiên cứu... trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo
Tiếp nối những báo cáo năm trước, báo cáo năm 2014 với tựa đề “Những ràng buộc đối với tăng trưởng” chỉ ra những ràng buộc trong nhiều lĩnh vực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ngoài hai chương đánh giá và nhận định về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2013, nội dung của báo cáo năm nay được dành để phân tích về những vấn đề chuyên sâu về những ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bao gồm những ràng buộc đối với quá trình tái cơ cấu xét từ góc độ chẩn đoán tăng trưởng; những ràng buộc về mặt tài chính - tiền tệ được tiếp cận thông qua việc đánh giá hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bằng bộ chỉ số lành mạnh tài chính (FSIs); nhìn lại hành trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với những kỳ vọng ban đầu; ràng buộc về mặt năng lượng được phân tích thông qua lựa chọn chính sách năng lượng của Việt Nam.
Cuối cùng, báo cáo đưa ra những nhận định chung về viễn cảnh kinh tế năm 2014 và gợi ý các nhóm chính sách phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế đi liền với sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại hội thảo, báo cáo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, góp ý của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam như: TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đinh Văn Cương, GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài…
Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá cao các kết quả nghiên cứu chính của báo cáo và hy vọng báo cáo sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy được thương hiệu của mình. Trong đó, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng những nhận định của nhóm tác giả về một số vấn đề như: tăng trưởng giảm, tái cơ cấu còn chậm, những tác động của cải cách hiến pháp… là rất mạnh dạn. TS. Lê Đăng Doanh đánh giá cao báo cáo từ cách thức thực hiện, các thành viên tham gia cũng như độ tin cậy của báo cáo. Ngoài ra, TS. Lê Đăng Doanh cũng đồng tình về nhận định của báo cáo về sự phục hồi kinh tế còn mong manh, và cho rằng các phân tích về hội nhập quốc tế tại chương 5 rất tốt.
Các chuyên gia và đại biểu trao đổi về Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014
Bên cạnh đó, các chuyên gia và đại biểu cũng đưa ra nhiều góp ý hữu ích cho nhóm tác giả nhằm hoàn thiện hơn báo cáo. Trong đó, một số ý kiến cho rằng cần phân tích thêm những vấn đề kinh tế mới hiện nay như sáp nhập doanh nghiệp, xem xét và đánh giá tác động của thị trường chứng khoán. Ngoài ra, có ý kiến gợi ý nên cập nhật một số biến động kinh tế - xã hội lớn và ảnh hưởng của những biến động đó để bổ sung phần dự báo tình hình kinh tế năm nay. TS. Võ Trí Thành gợi ý báo cáo nên gắn chặt hơn những biến động của nền kinh tế thế giới với nền kinh tế Việt Nam, lưu ý thêm những diễn biến hội nhập trong khu vực, và chỉ rõ hơn những vấn đề đằng sau những kết quả nghiên cứu…
Có ý kiến cũng cho rằng báo cáo nên được công bố và xuất bản sớm hơn trong các năm tới.
Đoàn chủ tọa hội thảo
Kết thúc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đơn vị chủ trì báo cáo, cảm ơn sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các đại biểu tại hội thảo cũng như trong suốt quá trình thực hiện báo cáo; cảm ơn sự quan tâm và tạo điều kiện của ĐHQGHN, sự tài trợ của Đại sứ quán Australia... và bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các chuyên gia, các tổ chức trong các báo cáo tiếp theo.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 bản tiếng Việt đầy đủ gồm hơn 400 trang sách sẽ được xuất bản dự kiến vào đầu tháng 7 năm 2014. Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12 năm 2013, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết quý I/2014.
Nhóm tác giả thực hiện Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014
Mọi ý kiến trao đổi và góp ý về nội dung chuyên môn của xin được gửi tới Chủ biên, TS. Nguyễn Đức Thành, tại địa chỉ email: nguyen.ducthanh@vepr.org.vn.
Để biết thêm thông tin về Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam hoặc các sự kiện có liên quan xin truy cập website của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường ĐHKT tại địa chỉ http://vepr.ueb.edu.vn.vn hoặc liên hệ: ThS. Phạm Tuyết Mai, email: pham.tuyetmai@vepr.org.vn
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là sản phẩm khoa học chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 cũng là một phần trong bộ sản phẩm “Đánh giá độc lập về kinh tế vĩ mô của Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ cho Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường ĐHKT (VEPR) thực hiện trong giai đoạn 3 năm, từ 2014 đến 2016.
Bà Nadia Krivetz phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, bà Nadia Krivetz - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Hà Nội cho biết: “Hỗ trợ cho việc thực hiện Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là một phần trong chương trình hợp tác của chúng tôi với Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam nhằm hướng tới việc tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế. Australia mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong giải quyết các thách thức gặp phải trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đồng thời tránh được vấn đề bẫy thu nhập trung bình mà nhiều quốc gia khác đã gặp phải”.
|
__________________
THÔNG TIN LIÊN QUAN: