Sáng nay, ngày 3/8/2015, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam: Các tác động vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi” do VEPR chủ trì thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Nghiên cứu kết hợp sử dụng các mô hình định lượng (mô hình cân bằng tổng thể GTAP và mô hình cân bằng bán phần GSIM) cùng với thực địa, phỏng vấn chuyên sâu để phác họa bức tranh thay đổi của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng sau khi gia nhập TPP và AEC.
Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của nhiều lãnh đạo và đại diện các đơn vị quản lý, viện nghiên cứu và tư vấn chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu, các hội và hiệp hội, các doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã trình bày kết quả nghiên cứu, trong đó đề cập đến: bối cảnh hội nhập và tổng quan ngành chăn nuôi Việt Nam, kết quả mô hình mô phỏng tác động của TPP và AEC lên ngành chăn nuôi và những thảo luận chính sách.
TS. Nguyễn Đức Thành trình bày kết quả nghiên cứu
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số kết luận về nền kinh tế vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi Việt Nam. Dưới tác động của việc dỡ bỏ hoàn toàn các hàng rào thuế quan và cắt giảm hàng rào phi thuế quan giữa các nước trong TPP và AEC, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự thay đổi. Các ngành kém lợi thế hoặc lợi thế đang suy giảm (như thịt lơn, gà, sữa, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng, công nghiệp) sẽ bị thu hẹp, trong khi đó nền kinh tế sẽ có sự mở rộng cả về sản lượng lẫn lao động trong các ngành có lợi thế và ít thương mại (đặc biệt là dệt, may, da giầy, dịch vụ công và xây dựng).
Trong các kịch bản mô phỏng đánh giá tác động sau khi TPP có hiệu lực, thương mại của Việt Nam với các nước TPP tăng lên. Trong khi đó, đối với các nước ngoài TPP, Việt Nam có xu hướng tăng cường nhập khẩu và giảm nhẹ xuất khẩu. Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu có thể là do sản lượng trong nước giảm ở một loạt các ngành do cạnh tranh từ nước ngoài, cạnh tranh về nguồn lực sản xuất và do sự dịch chuyển thị trường xuất khẩu từ ngoài TPP vào TPP.
Kết quả mô phỏng cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo phần trăm. Tuy nhiên, phân tích mức tăng GDP này theo thành phần tổng cầu, mức tăng trưởng có được nhờ tự do hóa thương mại chủ yếu đến từ thay đổi trong chi tiêu và đầu tư lớn hơn so với mức tăng nhập khẩu sau khi thuế quan được cắt giảm.
Đối với ngành chăn nuôi, nghiên cứu chỉ ra sức cạnh tranh thấp của ngành với các đặc điểm: hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài, tình trạng bệnh tật còn phổ biến, khả năng và ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường yếu kém… Kết quả mô phỏng chỉ ra trong bối cảnh tự do hóa thương mại, sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm, ngoại trừ nhóm động vật sống. Trong đó, sản lượng phân ngành thịt các động vật khác (lợn, gia cẩm…) bị thiệt hại mạnh nhất về phần trăm và giá trị. Toàn bộ ngành được dự đoán sẽ thu hẹp sau khi tham gia TPP, ở mức độ thấp hơn khi gia nhập AEC.
Tại hội thảo, báo cáo nhận được nhiều ý kiến đóng góp đến từ các đại biểu tham dự là các chuyên gia kinh tế, đại diện các đơn vị quản lý, doanh nghiệp và các nhà báo. Các ý kiến đều đánh giá rất cao nỗ lực của nhóm tác giả trong việc nghiên cứu định lượng ảnh hưởng của TPP và AEC lên Việt Nam, sử dụng cơ sở dữ liệu cập nhật của Dự án Phân tích Thương mại Toàn cầu (GTAP). Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bổ sung và trao đổi thêm những ý kiến đóng góp về độ chính xác trong sử dụng mô hình đánh giá GTAP, ảnh hưởng của TPP và AEC nhìn từ khía cạnh doanh nghiệp và người dân hay khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh hội nhập…
Sau đây là một số hình ảnh của hội thảo:
Ông Fumihiko Okiura – Phó Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phát biểu khai mạc hội thảo
Nhóm nghiên cứu (từ trái sang: CN. Nguyễn Thanh Tùng , TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, TS. Nguyễn Đức Thành, TS. Ken Itakura, CN. Nguyễn Thị Linh Nga) thảo luận tại hội thảo
TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đóng góp ý kiến cho sản phẩm nghiên cứu.
______________________
Tin bài liên quan: