Chương trình R-Talk 2 có sự tham gia của TS. Lê Trung Thành - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển; anh Ngô Minh Nam - Chủ tịch Hội Sinh viên. Diễn giả của chương trình R-Talk 2 là TS. Trần Thị Lan Hương - Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, giảng viên môn "Phương pháp nghiên cứu kinh tế" Trường ĐHKT - ĐHQGHN; và anh Vũ Văn Đức - Giải Nhất Nghiên cứu khoa học sinh viên (NCKHSV) Trường ĐHKT năm học 2014 - 2015, Giải Nhất NCKHSV Khoa Tài chính - Ngân hàng năm học 2014-2015, Giải Nhì NCKHSV Khoa Tài chính - Ngân hàng năm học 2013-2014.
Trong chương trình, TS. Trần Thị Lan Hương đã có những chia sẻ cởi mở và vô cùng thú vị về phương pháp đọc tài liệu, tầm quan trọng của thông tin, những bất lợi của sử dụng thông tin và cách phân loại thông tin trong quá trình NCKH. Bên cạnh đó, diễn giả hướng dẫn sinh viên một cách chi tiết, nhiều ví dụ minh họa về phương pháp, nguyên tắc đọc tài liệu, cách ghi nhớ, xử lý tài liệu vênh, lưu ý thái độ cần có khi đọc, những nội dung cần đọc và ghi chú. Đặc biệt, TS. Trần Thị Lan Hương hướng dẫn sinh viên cách tìm tài liệu trên internet, những nguồn tài liệu uy tín và cách trích dẫn nguồn tài liệu vào bài nghiên cứu.
Chia sẻ kinh nghiệm NCKH với các sinh viên tham dự chương trình, anh Vũ Văn Đức đã mang đến những thông tin bổ ích về cách xây dựng đề cương nghiên cứu hoàn chỉnh, mục đích, vai trò, nội dung và tiêu chí để đánh giá đề cương nghiên cứu. Theo anh Đức, việc xây dựng đề cương rất quan trọng vì nó giúp tác giả xác định lại vấn đề nghiên cứu, cung cấp dàn ý thực hiện các bước tiếp theo, sắp xếp ý tưởng một cách rõ ràng, cho phép người hướng dẫn/đơn vị quản lý hiểu, giúp tìm người đồng hành và đặc biệt là có thể làm bộ hồ sơ xin cấp phép hoặc tài liệu nghiên cứu từ tổ chức phi chính phủ.
Anh lưu ý các bạn sinh viên khi viết về kế hoạch dự định trong tương lai không nên quá đơn giản hoặc viển vông, nên gắn với thực tế cũng như năng lực của người viết. Ngoài ra, anh nhấn mạnh yêu cầu phần giới thiệu phương pháp nghiên cứu và những tiêu chí cụ thể để đánh giá đề cương; đặc biệt là những lỗi sinh viên thường gặp khi đặt tên đề tài và những sai lầm khi viết phần tính cấp thiết.
Những chia sẻ của hai vị khách mời đều là những góp ý rất thiết thực, định hướng cho sinh viên trong giai đoạn nghiên cứu sắp tới.
Phần không thể thiếu trong các chương trình R-Talk là phần trao đổi, thảo luận. Cũng giống như các chương trình trước, câu hỏi của sinh viên thường xoay quanh chủ đề của chương trình như cách đọc tài liệu, cách tìm nguồn tài liệu phù hợp với đề tài đã chọn.... và đã được khách mời giải đáp rất chi tiết. Do thời lượng chương trình có hạn nên các câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp trong chương trình sẽ được RCES trả lời trực tiếp thông qua hòm thư trực tuyến đồng hành cùng mùa nghiên cứu năm nay (
rces.info@gmail.com).