Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Bàn về chủ đề tham nhũng, loại hình tham nhũng và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp

TS. Trần Quang Tuyến cùng các giảng viên và người học trao đổi tại hội thảo
Sáng 14/4/2016, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Tham nhũng, loại hình tham nhũng và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp: Bằng chứng mới từ một nước chuyển đổi”.


Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài nhóm A cấp Đại học Quốc gia Hà Nội mã số QG 15.40 do TS. Trần Quang Tuyến làm chủ nhiệm. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí quốc tế trong danh mục ISI (SSCI) và Scopus có tên Journal of Ethnic Business được xuất bản bởi nhà xuất bản uy tín Springer, Netherland. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết tại đây

Tại hội thảo, TS. Trần Quang Tuyến đã trình bày nội dung nghiên cứu về tác động của tham nhũng, loại hình tham nhũng tới hiệu quả tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tham nhũng là hiện tượng khá phổ biến với nhiều dạng thức khác nhau ở Việt Nam. Các nghiên cứu trước đây chỉ dừng lại ở mức độ thống kê mô tả hoặc nghiên cứu tác động của tham nhũng với một biến duy nhất (doanh nghiệp có hối lộ hay không). Cách tiếp cận này không chỉ ra được tác động đa dạng và khác nhau của các loại hình tham nhũng tới hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Hơn nữa, các nghiên cứu trước đó cũng không xem xét tác động của mức độ tham nhũng tới hiệu quả công ty.

Quan trọng hơn, trong các nghiên cứu trước đó thì biến số tham nhũng thường là nội sinh, do vậy nếu không có phương pháp ước lượng phù hợp sẽ dẫn tới những sai lệch trong kết quả nghiên cứu, dẫn đếncác hàm ý chính sách rút ra có thể sai lầm hoặc thiếu chính xác.

TS. Trần Quang Tuyến và các cộng sự đã sử dụng bộ dữ liệu điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa các năm 2005-2011, kết hợp với dữ liệu về chất lượng thể chế và tham nhũng từ điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI các năm tương ứng để tạo thành bộ dữ liệu mảng với cấp độ doanh nghiệp và cấp độ tỉnh.

Sử dụng phương pháp ước lượng moment tổng quát hai bước (system GMM) của Blundell và Bond (1998) để phân tích tác động của tham nhũng, nghiên cứu của nhóm tác giả đã khắc phục được đặc tính nhiễu không quan sát được và đặc điểm không biến đổi theo thời gian của các công ty, tính đồng thời và tính nội sinh động của mô hình nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, biến số quan tâm là có hay không hối lộ (biến giả) không có tác động tới hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi sử dụng biến số mức độ tham nhũng (phần trăm giá trị hối lộ trên doanh thu) cho thấy mức độ tham nhũng có tác động tiêu cực tới hiệu quả tài chính của công ty. Điều đó cho thấy nếu chỉ sử dụng biến giả tham nhũng sẽ là một thiếu sót vì nó không chỉ ra được tác động của tham nhũng ở các cấp độ khác nhau.

Hơn nữa, nghiên cứu của TS. Trần Quang Tuyến và các cộng sự còn chỉ ra phần lớn các loại hình tham nhũng (hối lộ cho các thủ tục hành chính, thuế,…) cũng có tác động tiêu cực tới hiệu quả công ty. Các phát hiện nghiên cứu trên hàm ý rằng các chính sách giảm thiểu tham nhũng có thể tạo ra những tác động tích cực tới hiệu quả tài chính của doanh nghiệp ở Việt Nam.

Tại hội thảo, các giảng viên và nghiên cứu sinh tham dự  đã đặt ra các câu hỏi và cùng  trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan tới chất lượng thể chế, tác động nhiều chiều của tham nhũng tới hiệu quả doanh nghiệp.

Vân Anh (Khoa KTCT)