Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Trường ĐH Kinh tế tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Pháp quyền ở châu Á: Việt Nam và TPP”

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu tại hội thảo
Trong hai ngày 8 và 9/6/2015, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp cùng Quỹ Maureen và Mansfield (Hoa Kỳ) tổ chức Hội thảo quốc tế “Pháp quyền ở Châu Á: Việt Nam và TPP”.


Tham dự hội thảo về phía các đơn vị tổ chức có ông Frank Jannuzi - Chủ tịch Qũy Maureen và Mansfield, ông Ryan Shaffer - Giám đốc chương trình Maureen và Mansfield, GS. Anselmo Trinidad Reyes, thẩm phán, giảng viên Đại học Hồng Kông; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và nhiều lãnh đạo, đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước và quốc tế; lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu; đại diện của các sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc tại lễ công bố, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP và những lợi ích mà Việt Nam được hưởng không chỉ giới hạn trong phạm vi các lợi ích về thương mại và đầu tư. TPP còn giúp Việt Nam điều chỉnh và điều tiết khung khổ pháp luật cũng như đẩy mạnh cải cách kinh tế nhằm hướng tới phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể hấp thụ được những lợi ích đó ở mức cao nhất, Việt Nam cần hiểu rõ về TPP, đặc biệt là khía cạnh pháp lý của hiệp định này và sẵn sàng cho việc thực hiện các cam kết một khi hiệp định có hiệu lực”.

Vì vậy, hội thảo này được tổ chức nhằm chia sẻ các kiến thức, quan điểm nhằm thúc đẩy việc triển khai hiệu quả Hiệp định TPP tại Việt Nam cũng như tăng cường hiểu biết của Hoa Kỳ nói riêng và các nước khác trên thế giới nói chung về tình hình phát triển của Việt Nam nhằm tham gia hiệu quả, tích cực vào quan hệ đối ngoại với Việt Nam.

Ông Frank Jannuzi - Chủ tịch Qũy Maureen và Mansfield

Cùng chia sẻ với PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, ông Frank Jannuzi - CEO của Qũy Maureen & Mansfield - đồng tổ chức hội thảo cũng nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã đến tham dự sự kiện; đồng thời khẳng định rằng, hội thảo được tổ chức nhằm hướng tới tương lai gần về việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý TPP tại Việt Nam. Hội thảo sẽ tăng cường hiểu biết của các chuyên gia nước ngoài về tình hình Việt Nam đồng thời chia sẻ các quan điểm quốc tế với cộng đồng thương mại và lập pháp ở Việt Nam.

GS. Anselmo Trinidad Reyes, thẩm phán, giảng viên Đại học Hồng Kông


Phiên hội thảo ngày 8/6/2016 tập trung trao đổi về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh Việt Nam đang tiến gần tới Hiệp định TPP. Hai diễn giả đặc biệt của phiên này là bà Susan Sutton - Phó đại sứ của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và TS. Cù Chí Lợi - Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ.

Bà Susan Sutton chia sẻ tại hội thảo rằng rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã đặt cho bà câu hỏi quen thuộc: “Những lợi ích và khó khăn của Việt Nam khi gia nhập TPP là gì?”. Theo bà Susan, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là tăng cường đầu tư và thương mại quốc tế, TPP sẽ là cầu nối để Việt Nam đạt được những mục tiêu đặt ra đến năm 2035 trong đó bao gồm nâng cao thu nhập trung bình của người Việt Nam. Bên cạnh đó, một trong những thách thức đáng lo ngại nhất khi Việt Nam thực thi TPP là đáp ứng các cam kết trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Theo bà Phó Đại sứ, 81% phần mềm Việt Nam đang được sử dụng là không có giấy phép, đây là trở ngại để các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần chấn chỉnh và thắt chặt trong lĩnh vực này nhằm tránh việc vi phạm các cam kết TPP. Tuy nhiên, bà Susan khẳng định Hoa Kỳ sẽ luôn sát cánh với Việt Nam để tận dụng được triệt để các cơ hội cũng như vượt qua những thách thức do TPP mang lại.

Bà Susan Sutton - Phó đại sứ của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và TS. Cù Chí Lợi - Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ trong phiên hội thảo ngày 8/6



Đồng quan điểm với bà Susan Sutton, ông Cù Chí Lợi cũng cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đang ngày càng tiến triển thuận lợi. Hoa Kỳ vẫn luôn là đối tác chiến lược dài hạn của Việt Nam. Thống kê năm 2015 cho thấy Hoa Kỳ luôn là đối tác ưu tiên nhất của Việt Nam, sau đó lần lượt là Nhật Bản, Nga, Trung Quốc. Trong đó, lĩnh vực hợp tác chiếm tỷ trọng lớn nhất giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là kinh tế.

Ngày 9/6/2016, phiên hội thảo thứ 2 tập trung thảo luận các vấn đề xung quanh TPP và Cộng đồng kinh tế Đông Á. Hội thảo vinh dự được lắng nghe những chia sẻ, quan điểm của một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam: TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

Phiên trình bày tham luận của TS. Võ Trí Thành



Theo TS.Võ Trí Thành, mô hình AEC gồm có 4 cột trụ: Tự do hóa hàng hóa, dịch vụ và đầu tư (tạo ra nhiều cơ hội); Thúc đầy và kết nối (giảm chi phí giao dịch liên quan đến các mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị); Hợp tác (tiếp cận dễ dàng hơn với các cơ hội mới, tăng cường năng lực thể chế và quản trị nhân sự) và Khu vực mở. Ngoài ra, đề cập đến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, TS. Võ Trí Thành cho rằng RCEP và AEC có mô hình tương tự nhau; tiến trình của Cộng đồng kinh tế AEC và RCEP cho thấy việc đàm phán thương mại giữa một nhóm nhỏ các nền kinh tế có “chung ý tưởng” tương đối dễ dàng hơn so với các vòng đàm phán thương mại đa phương.

Bên cạnh đó, tại hội thảo còn rất nhiều các bình luận, chia sẻ khác từ các chuyên gia, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng như các giảng viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu trong nước và quốc tế


Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn thay mặt Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cảm ơn sự tham dự nhiệt tình và đóng góp ý kiến quý báu của các chuyên gia. Ông cho rằng sau 2 ngày tích cực trao đổi thông tin, hội thảo đã đạt được mục tiêu đặt ra, đó là tạo dựng diễn đàn kết nối các chuyên gia, các học giả trong nước và quốc tế nhằm chia sẻ các thông tin, quan điểm xung quanh việc triển khai Hiệp định TPP nói chung cũng như thực hiện các nghĩa vụ pháp lý trong khuôn khổ Hiệp định.

Đại diện Qũy Maureen và Mansfield, ông Frank Jannuzi bày tỏ hy vọng tiếp tục hợp tác với Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong các sự kiện tương tự hoặc các lĩnh vực hợp tác khác mà hai bên quan tâm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Tin: Bình Minh (Phòng NCKH&HTPT) Ảnh: Đỗ Chiêm