Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 “Hiểu thị trường để tăng năng suất lao động”

Ban chủ tọa và các đại biểu tham dự
Sáng ngày 8/5/2018, tại Khách sạn Pan Pacific Hà Nội, đơn vị trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB – VNU) là Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) và Quỹ Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018.


Tham dự Hội thảo, về phía ĐHQGHN có: PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN; PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN; PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế - ĐHQGHN; PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR); về phía FNF có Ngài Mark Stanitzki - Giám đốc Quốc gia Viện FNF Việt Nam; về phía nhóm phản biện có PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore; PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội); TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, nhà quản lý nổi tiếng trong nước và quốc tế khác.

 
 
Toàn cảnh hội thảo

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã phát biểu khai mạc hội thảo. Bài phát biểu nêu rõ: Nghiên cứu khoa học và đào tạo chất lượng cao được coi là một trong những chức năng chính của Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Bên cạnh chất lượng đào tạo, thì kết quả ứng dụng sau nghiên cứu là một tiêu chí quan trọng khi đánh giá về uy tín của Trường… Trường đã hình thành và phát triển 12 nhóm nghiên cứu, trong đó có 4 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN. Trong số đó, Nhóm nghiên cứu mạnh về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế” mà nòng cốt là Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. Suốt 10 năm qua, nhóm này đã liên tục cho ra mắt nhiều sản phẩm khoa học mang tính ứng dụng cao. Một trong những sản phẩm chính của nhóm là chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2009, được xuất bản đều đặn hàng năm về những vấn đề rất trọng tâm và cập nhật của nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo được công bố hôm nay là kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà kinh tế đang ở độ tuổi sung sức nhất, với sự hỗ trợ của một hội đồng tư vấn và phản biện gồm các nhà kinh tế và quản lý giàu kinh nghiệm. Với tư cách là đơn vị chủ quản, thay mặt cho ĐHQGHN, tôi xin đuợc bày tỏ niềm trân trọng với các nhà khoa học, các đối tác, các nhà tài trợ đã đồng hành cùng Chương trình nghiên cứu này trong suốt những năm qua.
 
 
Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu khai mạc 

Sau đó, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN phát biểu chào mừng, chúc cho hội thảo thành công tốt đẹp cũng như chúc mừng sự cố gắng không biết mệt mỏi của đội ngũ tác giả để có được những công trình nghiên cứu khoa học giá trị như Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam.

 
Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Kim Sơn phát biểu chào mừng 

 

Ngài Mark Stanitzki phát biểu tại hội nghị
Thay mặt cho nhóm tác giả, PGS.TS Nguyễn Đức Thành đã trình bày tóm tắt Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2018 trước hội nghị.
 
PGS.TS Nguyễn Đức Thành trình bày Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2018 - “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất” - tập trung vào chủ đề năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế, với quan điểm cho rằng cần phải hiểu rõ hơn thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và năng suất tại Việt Nam. Vì lý do đó, bên cạnh việc xem xét, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, báo cáo đi sâu đánh giá một số khía cạnh trên thị trường lao động cũng như năng suất của Việt Nam, xu hướng tham gia thị trường lao động, thực trạng và động lực của các bên tham gia trong các chương trình đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đồng thời đưa ra hai kịch bản dự báo viễn cảnh kinh tế Việt Nam cũng như đưa ra các khuyến nghị chính sách cả trong ngắn hạn lẫn trung và dài hạn.

 
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu 

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 bao gồm 7 Chương và 2 Phụ lục.

Chương 1, “Tổng quan kinh tế thế giới 2017” tóm lược bức tranh kinh tế toàn cầu trong năm 2017, cung cấp cho độc giả một cái nhìn tổng thể về kinh tế thế giới với nhiều yếu tố tích cực như: (i) tăng trưởng trên diện rộng của hơn 2/3 các nước trên thế giới; (ii) sự hồi phục mạnh mẽ của thương mại toàn cầu và xu hướng giảm các biện pháp hạn chế thương mại mới; (iii) tốc độ mở rộng sản xuất toàn cầu nhanh nhất kể từ năm 2011; và (iv) bối cảnh chính trị ổn định hơn ở Châu Âu. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực này, kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với các yếu tố khó lường được cho là có tác động rất lớn đối với FDI toàn cầu năm 2017 như tiến trình đàm phán Brexit; Hoa Kỳ rút khỏi nhiều cam kết toàn cầu và khởi động chiến tranh thương mại; gia tăng chủ nghĩa dân túy và bảo hộ ở nhiều quốc gia; căng thẳng và xung đột giữa các quốc gia leo thang, đặc biệt ở Trung Đông.

 
PGS.TS Vũ Minh Khương phản biện 

Chương 2, “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2017” cung cấp một cái nhìn và đánh giá toàn cảnh về kinh tế Việt Nam trong năm 2017. Cùng với xu hướng chung, kinh tế Việt Nam cũng có sự cải thiện đáng kể về mặt tăng trưởng. Khu vực sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp tục là động lực tăng trưởng chủ đạo. Lạm phát được duy trì ở mức tương đối thấp nhờ chính sách điều tiết cung tiền thận trọng của Ngân hàng nhà nước. Kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018. Tuy nhiên, nhiều vấn đề nội tại cố hữu, trong đó có vấn đề năng suất lao động, nợ công và thâm hụt ngân sách và việc kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố bên ngoài, vẫn là lực cản với nền kinh tế khi chưa có biện pháp triệt để.

 
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương phản biện 

Chương 3, “Đặc điểm của năng suất lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, phân tích đặc điểm phát triển của năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam từ cấp độ tổng thể nền kinh tế đến cấp độ ngành, sau đó xem xét vị trí của Việt Nam trong tương quan so sánh với một số quốc gia Đông Bắc Á và ASEAN ở cả hai cấp độ trên. Kết quả cho thấy, tới 2015, NSLĐ của 09 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên, đặc biệt là ở các ngành “công nghiệp chế biến chế tạo”, “xây dựng” và “vận tải, kho bãi, truyền thông”. Để cải thiện NSLĐ của Việt Nam, cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng TFP, nâng cao chất lượng đào tạo cho người lao động, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến. Một số nhóm ngành, đặc biệt là “ Công nghiệp, chế biến chế tạo” và Dịch vụ cần được chú trọng hơn nữa về cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi công nghệ nhằm tạo động lực bền vững cho sự cải thiện năng suất chung.

 
Đại biểu nước ngoài đặt câu hỏi cho nhóm tác giả 

Chương 4, “Mức độ tăng lương và năng suất lao động tại Việt Nam”, phân tích chính sách lương tối thiểu hiện tại Việt Nam, mối quan hệ giữa lương tối thiểu, lương trung bình và năng suất lao động; cũng như đánh giá tác động của việc điều chỉnh liên tục lương tối thiểu đối với nền kinh tế. Phân tích thực nghiệm cho thấy, tốc độ tăng tiền lương có liên quan đến sự điều chỉnh tăng lên nhanh của lương tối thiểu. Điều này dẫn tới làm giảm mức tăng trưởng việc làm và giảm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Cần lưu ý rằng, có sự khác biệt đáng kể về mức độ tác động với các thành phần kinh tế, phản ánh sự khác biệt về quy mô thị trường lao động và khả năng công nghệ và tài chính của doanh nghiệp trong việc đối phó với chi phí lao động gia tăng. Nói chung doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức (có đóng bảo hiểm) để đối phó khi lương tối thiểu tăng. Đồng thời, có bằng chứng về hiện tượng cơ giới hóa ở các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, sản phẩm gỗ và đồ nội thất thất dưới sức ép tăng lương.

Chương 5, Quyết định tham gia thị trường lao động và lựa chọn nghề của lao động trẻ”, khai thác hai bộ số liệu có tính đại diện toàn quốc là Điều tra lao động việc làm trong 10 năm từ 2007 đến 2016 và Điều tra chuyển tiếp từ trường học tới việc làm trong hai năm 2012 và 2015, nhằm phát hiện xu hướng tham gia thị trường lao động, loại việc làm và các nhân tố tác động tới hành vi của lao động trẻ. Kết quả cho thấy một tỷ lệ lớn lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực hộ gia đình hoặc phi chính thức hoặc không đúng với chuyên môn được đào tạo, đồng nghĩa với việc họ ít có điều kiện tích lũy kỹ năng. Họ cũng có khuynh hướng ít được hưởng bảo hiểm xã hội hơn. Điều này cho thấy nguy cơ năng suất sẽ bị cản trở trong tương lai đi liền với rủi ro hơn. Thêm vào đó, sự tìm kiếm việc làm thường qua các quan hệ cá nhân chứ không phải qua các trung gian chuyên nghiệp trên thị trường, cho thấy một thị trường lao động thực thụ chưa phát triển. Kết quả là, các chính sách thúc đẩy lao động việc làm của Nhà nước thường ít phát huy tác dụng.

 
Đại biểu trong nước nêu ý kiến 

Chương 6, Thúc đẩy năng suất thông qua hội nhập thị trường lao động quốc tế: Trường hợp lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản”, rà soát thực trạng và tìm hiểu động lực của các bên tham gia trong các chương trình đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, đi sâu phân tích trường hợp thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Kết quả cho thấy còn nhiều bất cập làm cản trở khả năng lan tỏa năng suất lao động. Một trong những vấn đề tồn tại cốt yếu hiện nay là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường. Đồng thời, cấu trúc thị trường chưa được hoàn thiện cũng dẫn tới việc chi phí tuyển dụng còn cao, tạo áp lực kinh tế lên thực tập sinh, dẫn tới hiệu quả cải thiện năng suất của lao động Việt Nam tại nước ngoài còn thấp.

Chương 7 của Báo cáo về “Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2018 và hàm ý chính sách” cung cấp hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2018. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra là tăng trưởng GDP đạt 6,83% năm 2018, với mức lạm phát cả năm 4,21%. Trong một kịch bản bất lợi hơn, tăng trưởng chỉ đạt mức 6,49% và lạm phát chỉ tương đối ổn định ở mức 3,86%.

 
Các đại biểu "lão thành" quen thuộc của Báo cáo  

Chương này còn tổng kết những hàm ý chính sách, chủ yếu tập trung vào thị trường lao động và các khía cạnh khác nhau liên quan đến năng suất nền kinh tế. Xét về trung và dài hạn, cần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tiếp thu KHCN; điều chỉnh mức tăng lương nói chung, lương tối thiểu nói riêng phù hợp với mức tăng NSLĐ; hiểu rõ xu hướng việc làm và lựa chọn nghề nghiệp của lao động trẻ Việt Nam nhằm có những cải cách thúc đẩy NSLĐ; thúc đẩy hiệu quả lan tỏa năng suất quốc tế thông qua lực lượng lao động Việt Nam trở về từ nước ngoài.

 
Những vấn đề về tiền lương tối thiểu được nhiều đại biểu quan tâm 

Qua phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Đức Thành, các chuyên gia phản biện và đại biểu tham dự đánh giá rất cao nghiên cứu của nhóm tác giả, cho đây là sự đầu tư tâm huyết, khách quan để có được công trình nghiên cứu khoa học giá trị. Tuy nhiên các chuyên gia cũng gợi ý nhóm tác giả cần làm rõ thêm một số vấn đề như: sự chuyển dịch cơ cấu lao động, tiền lương tối thiểu và chính sách tiền lương cho thị trường lao động, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng năng suất lao động.

 
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê làm chủ tọa hội nghị 

Tổng kết hội thảo, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã tổng kết các góp ý có ý nghĩa của hội thảo cho nhóm tác giả, cảm ơn sự tham dự và đóng góp ý kiến quý báu của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học để hoàn thiện hơn Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2018. Ông cũng nhấn mạnh, việc duy trì liên tục ấn phẩm trong 10 năm liên tiếp thể hiện sự nỗ lực rất lớn của nhóm tác giả nói riêng cũng như nhà trường nói chung.

Ông cũng cho biết thêm, khi báo cáo được công bố lần đầu năm 2009 đến nay, Báo cáo đều được chuyển giao cho Hội đồng Lý luận TW và được đưa vào ứng dụng trong thực tế.

 
Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 do Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tài trợ. Báo cáo năm nay do PGS.TS Nguyễn Đức Thành và GS.TS. Ohno Kenechi (Nhật Bản) đồng chủ biên. Báo cáo được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12/2017, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết Quý 1 năm 2018.

Báo cáo tiếng Việt đầy đủ được dự kiến xuất bản vào tháng 9/2018. Báo cáo tiếng

Anh dự kiến được xuất bản và phát hành rộng rãi trên thị trường quốc tế vào cuối tháng 12/2018.
 
>> Các tin tức liên quan:
- Đài truyền hình Việt Nam: Hai kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam năm 2018
- Đài truyền hình Việt Nam: Dự báo GDP Việt Nam năm 2018 đạt 6,83%
- Truyền hình Nhân dân: Công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam
- Báo điện tử Đảng CSVN: Công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018
- Dân trí: Năng suất lao động Việt Nam thua Campuchia ở cả "niềm tự hào xuất khẩu"
- Người lao động: Năng suất lao động của Việt Nam đội sổ trong khu vực
- VnEconomy: Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động: "Đáng lo ngại"
- VOV.vn: Năng suất lao động nhóm ngành nông nghiệp thấp nhất nền kinh tế
- Đại học Quốc gia Hà Nội: Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2018: Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất
- VEPR: Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 "Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất"

Nguyễn Công