Ông Jimmy Greer trình bày tại tọa đàm
Chiều ngày 20/9, Khoa Kế toán Kiểm toán và khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp tổ chức Tọa đàm chuyên môn với chủ đề Báo cáo tích hợp. Tọa đàm là hoạt động khoa học thuộc đề tài cấp nhà nước “Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam” mã số KX.01.27/16.20 do nhóm nghiên cứu mạnh của trường ĐHKT - ĐHQGHN thực hiện. Tọa đàm thu hút nhiều học giả nổi tiếng.
Tham dự tọa đàm, về phía Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc ACCA
có bà Nguyễn Thụy Minh Châu - Giám đốc ACCA khu vực Mekong; ông Jimmy Geer -
Trưởng Bộ phận Bền vững, ACCA toàn cầu; bà Lê Thị Hậu - Giám đốc đào tạo ACCA
khu vực Mekong; bà Nguyễn Mai Chi - Trưởng đại diện VP Hà Nội, ACCA Việt Nam;
bà Lê Thị Mỹ Hạnh - Trưởng Ban Quan hệ khách hàng, ACCA Việt Nam; ông Nguyễn
Viết Thịnh - Phó Chủ tịch, Ủy ban hội viên ACCA tại Việt Nam; Giám đốc Điều
hành, Doanh nghiệp xã hội Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam VIOD...;
về phía Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có PGS.TS.
Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo Phòng NCKH&HTPT, Khoa
Tài chính Ngân hàng và Khoa Kế toán Kiểm toán
Mở đầu tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Hương Liên, phó chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán, ĐHKT, ĐHQGHN đồng thời là thành viên của đề tài đã có bài trình bày về “Vận dụng báo cáo tích hợp tại Việt Nam". Theo TS. Hương Liên báo cáo tích hợp là chủ đề nghiên cứu còn khá mới mẻ tại Việt Nam cả về lý thuyết và thực tiễn. Tuy nhiên, xu hướng hiện nay, nhà đầu tư và các bên liên quan có nhu cầu xem xét bao quát và toàn diện các thông tin, gồm cả thông tin tài chính và những thông tin phi tài chính như chiến lược phát triển, chất lượng quản trị DN và các hoạt động của DN liên quan đến môi trường, xã hội. Điều này đỏi hỏi các báo cáo mà DN cung cấp cho các bên liên quan cần được mở rộng hơn và toàn diện hơn so với báo cáo thường niên và báo cáo tài chính mà DN vẫn cung cấp trước đây.
TS. Hương Liên trình bày bài báo cáo
Tiếp sau bài trình bày của TS. Nguyễn Thị Hương Liên, ông Jimmy Geer đã chia sẻ tại hội thảo góc nhìn của chuyên gia quốc tế với chủ đề “Khuôn khổ báo cáo tích hợp theo chuẩn mực quốc tế- thực tiễn áp dụng trên thế giới”. Theo ông Jimmy, quản trị tốt và hướng đến phát triển bền vững là xu thế toàn cầu tất yếu của các DN. Nhà đầu tư và các bên liên quan ngày càng quan tâm đến tương lai phát triển và tính bền vững của doanh nghiệp thông qua sự tích hợp các chỉ số phi tài chính, như môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát triển tầm nhìn dài hạn, tích hợp các vấn đề trọng yếu này vào trong chiến lược phát triển, áp dụng các thông lệ tốt nhất của quốc tế, không chỉ giúp các doanh nghiệp quản trị tốt các rủi ro, mà còn tạo sự khác biệt và nâng cao tính cạnh tranh trong khả năng tiếp cận nhà đầu tư và thu hút nguồn vốn mới.
Sau hai bài trình bày, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi dưới sự điều hành của TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, Chủ nhiệm khoa Kế toán Kiểm toán, ĐHKT, ĐHQGHN, với sự tham gia TS. Nguyễn Thị Hương Liên, ông Nguyễn Viết Thịnh và ông Jimmy Geer. Những câu hỏi và bình luận được đưa ra từ phía các giảng viên, sinh viên và đại diện các doanh nghiệp làm không khí trong phiên thảo luận nóng lên với các quan điểm và cách tiếp cận đa chiều. Đây là lúc kiến thức và cách tiếp cận lý thuyết va chạm trực tiếp với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, nhiều vấn đề khúc mắc đã được giải đáp , đồng thời gợi mở những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong tương lai về việc vận dụng báo cáo tích hợp tại Việt Nam.
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của gần 100 sinh viên đến từ hai khoa Kế toán Kiểm toán và Khoa Tài chính - Ngân hàng, đem lại cơ hội học tập và cập nhật tri thức mới mẻ cho sinh viên. Qua tọa đàm, nhiều sinh viên đã đặt ra những câu hỏi cho Ban soạn thảo thể hiện sự tương tác nhanh, thông suốt giữa người học - giảng viên và doanh nghiệp.
Nội dung và cách thức tổ chức Tọa đàm một cách chuyên nghiệp và nghiêm túc phản ánh sự nỗ lực trong hoạt động chuyên môn và nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên hai khoa nói riêng và toàn trường ĐHKT nói chung, đồng thời khẳng định thương hiệu trường ĐHKT về tính hội nhập sâu và rộng trên cả phương diện nghiên cứu và giảng dạy.