Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Giảng viên Trường ĐHKT tham dự Hội thảo Vietnam Update 2018

Ngày 13/11 vừa qua, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham dự có bài trình bày cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong khuôn khổ Hội thảo Vietnam Update 2018 tại Đại học Quốc gia Australia (ANU).


Hội thảo được tổ chức với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia. Được xây dựng như một sự kiện tiếp nối chuỗi chương trình cập nhật tình hình Châu Á duy trì trong hơn 25 năm qua, sự kiện năm nay với chủ đề “Vietnam in the world” (Việt Nam trong bối cảnh thế giới) hướng tới mục tiêu xây dựng một bức tranh toàn cảnh nhất về tình hình Việt Nam trong nhiều mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội,…

Hơn 30 năm sau dấu mốc Đổi mới, Việt Nam hiện là một trong các quốc gia sở hữu nền kinh tế mở nhất trên thế giới, đồng thời đã và đang trở thành một nhân tố chủ chốt trong thị trường toàn cầu và các thể chế vùng. Mạng xã hội và công nghệ thông tin đang thâm nhập vào từng khía cạnh của cuộc sống đời thường và nền kinh tế. Các xu hướng tăng trưởng đang hàm ý nhiều thay đổi quan trọng trong xã hội Việt Nam, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Tại diễn đàn lần này, các cập nhật trải dài từ bối cảnh chính trị, tình hình kinh tế, các vấn đề nông nghiệp, đất đai, môi trường và công nghệ thông tin sẽ đưa ra một bộ mặt Việt Nam hiện đại đang được định hình và thay đổi một cách rõ nét nhất.​

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành trình bày cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam 2018

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đảm trách phần cập nhật về Kinh tế Việt Nam diễn ra trong phiên đầu tiên của Hội thảo.

TS. Nguyễn Đức Thành đã mang đến các nét nổi bật nhất về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2018: Tăng trưởng kinh tế hang năm đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại; dấu hiệu phục hồi trong ngành nông nghiệp và dịch vụ; Các ngành công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng 9,07% trong nửa đầu năm nay;… Công nghiệp chế tạo hiện vẫn là động lực thức đẩy nền kinh tế, tuy nhiên năng suất lao động thấp và sự phụ thuộc lớn và nguồn vốn FDI vẫn là vấn đề nan giải. TS. Thành cũng đề cập đến ảnh hưởng từ chính sách Vành đai Con đường của Trung Quốc và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và các kịch bản tưởng lai cho sự phát triển của Việt Nam.


VEPR