Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Phát triển nền kinh tế số: Việt Nam có nhiều lợi thế

Phiên thảo luận "Việt Nam và nền kinh tế số" do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị Kinh tế trẻ Châu Á 2019, phiên thảo luận “Nền kinh tế số” đã diễn ra sáng ngày 14/8 do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì.


Tham dự phiên thảo luận có sự hiện diện của GS Andrew Sheng - Thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Fung (FGI) tại Hồng Kông, Cố vấn trưởng của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc, và là thành viên của Khazanah Nasional Berhad - Quỹ Đầu tư quốc gia Malaysia. Ông cũng là cố vấn cho Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc về Thiết kế Hệ thống Tài chính Bền vững. Ông là giáo sư kiêm nhiệm tại ĐH Thanh Hoa - Trung Quốc và ĐH Malaya - Malaysia; PGS. Christopher Balding - Trường Kinh doanh HSBC thuộc ĐH Bắc Kinh - Trung Quốc; Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB); Ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ DTT, Thành viên Tổ công tác Chính phủ điện tử của Thủ tướng Chính phủ; TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia Kinh tế, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; Về phía ĐHKT có PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách.

Nhiều nhà khoa học trẻ từ 38 nước trên thế giới và cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng đã có mặt tại phiên thảo luận này.
 
 6 diễn giả tham dự phiên thảo luận "Việt Nam và nền kinh tế số"
Cuộc thảo luận bàn tròn tập trung vào các vấn đề như xu hướng chuyển đổi số trong phạm vi toàn cầu, tương lai nền kinh tế số của Việt Nam, ảnh hưởng của xu hướng chuyển đổi số đến sự phát triển của các ngành/lĩnh vực ở Việt Nam và những hàm ý cho chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.

 GS. Andrew Sheng phát biểu tại phiên thảo luận

GS. GS Andrew Sheng cho rằng Việt Nam là một quốc gia năng động, lực lượng lao động dồi dào và chất lượng đang tăng mạnh vì vậy là quốc gia có lợi thế hàng đầu tại châu Á khi tham gia vào nền kinh tế số. Những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam rất phát triển, nhiều ứng dụng tiện ích ra đời, tích hợp vào đó là sự gia tăng về nhiều loại dịch vụ khiến kinh tế số dần dần có chỗ đứng trong nền kinh tế nói chung. Tuy vậy, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức như nạn tấn công mạng còn nhiều, việc kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý còn hạn chế và hệ thống cơ sở dữ liệu chưa thực sự bền vững… Việt Nam cần học tập các bài học của các nước có quy mô và trình độ phát triển tương tự để có chiến lược phát triển phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành thì cho rằng quy mô nền kinh tế Việt Nam đang ở quy mô nhỏ, còn Mỹ, Trung Quốc đã phát triển ở quy mô lớn, nên học từ các nước có quy mô tương tự, đặc biệt là các nước ở châu Á. Ông cũng cho rằng, trong thời gian qua nền kinh tế số Việt Nam mới cơ bản phát triển tự phát tuy vậy vẫn phát triển khá nhanh, nguyên nhân là do có nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tốt, phủ sóng khắp nơi với mật độ người sử dụng cao, người dân Việt Nam lại ưa thích sử dụng công nghệ nên làm cho tốc độ phát triển lại càng thêm nhanh.
 PGS.TS Nguyễn Đức Thành phát biểu tại phiên thảo luận

“Cùng với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, dân số trẻ Việt Nam sẽ được tiếp cận với nhiều thông tin hơn và do đó, là động lực để chính phủ đưa ra những biện pháp quản trị tốt hơn. Ứng dụng công nghệ số vào quản trị sẽ là xu hướng tất yếu để hỗ trợ chính phủ trong việc quản lý và đáp ứng với thế hệ công dân mới. Thế hệ trẻ với những nhóm nhu cầu tiêu dùng thiên về các sản phẩm công nghệ, thiết bị di động sẽ là nhóm khách hàng lớn cho thời kỳ công nghệ số” PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.

Đồng tình với PGS.TS Nguyễn Đức Thành, PGS.TS Nguyễn Anh Thu cho rằng với các lợi thế như vậy cộng với dân số trẻ, sẵn sàng tiếp thu công nghệ mới nền kinh tế số Việt Nam sẽ bùng nổ trong tương lai gần, về phía cơ quan quản lý, việc hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng sẽ tạo hành lang quan trọng để kinh tế số phát triển, tránh xảy ra các vụ kiện tương tự như ứng dụng gọi xe trong thời gian qua.

 PGS.TS Nguyễn Anh Thu phát biểu tại phiên thảo luận

Ông Nguyễn Thế Trung thì cho rằng “20 năm tới hứa hẹn cơ hội để Việt Nam chuyển mình sang một nền kinh tế số và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Sự thành công và tốc độ của việc chuyển đổi này phụ thuộc phần lớn vào năng lực của lực lượng lao động Việt Nam hiện nay và lực lượng này đang bị già hóa nhanh chóng. Chính sách lãnh đạo quốc gia, thể chế và chính sách cần đào tạo nên lực lượng lao động có kỹ năng, là yếu tố then chốt cho việc chuyển đổi và thành công của thời đại số”.

 Ông Phạm Thế Trung (áo kẻ) phát biểu tại phiên thảo luận
 Các đại biểu tham dự đặt câu hỏi cho diễn giả
Kết thúc phiên thảo luận, các đại biểu đều nhất trí rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nền kinh tế số, nhưng cũng phải hết sức thận trọng tránh phát triển ồ ạt khó quản lý, điều này rất cần cơ quan quản lý có một cơ chế, văn bản hướng dẫn chung tạo nền tảng pháp lý để kinh tế số phát triển và hội nhập với kinh tế số trên thế giới.
Trong ngày làm việc thứ 3 tại Hội trường, diễn giả Naomi Klein đã có bài thuyết trình qua Skype. Bài thuyết trình của bà Naomi Klein, nội dung thuyết trình “Xây dựng một thế giới mới bền vững với dự luật mới về môi trường Green New Deal” (Building a Sustainable New World in the Context of Green New Deal).
 
Bà Naomi Klein làm việc qua Skype với các học giả trẻ

Bà Naomi Klein là nhà báo Canada nổi tiếng đã đạt rất nhiều giải thưởng lớn. Bà là tiến sĩ danh dự ngành Luật dân sự của University of King's College, Nova Scotia (Canada). Bà được xếp hạng 11 trong một cuộc bầu chọn 100 nhà trí thức hàng đầu thế giới trên Internet do hai tạp chí Prospect và Foreign Policy phối hợp tổ chức năm 2005. Sau No Logo, một cuốn sách bán chạy nhất xuất bản năm 2007 của Naomi Klein là The shock doctrine: The rise of disaster capitalism (Học thuyết sốc: sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản thảm họa), với cuốn sách này bà đoạt Giải thưởng Warwick Prize for Writing 2009 của Đại học Warwick (Anh). Bà đồng thời là người đi đầu trong nghiên cứu truyền thông, văn hóa và nữ quyền tại Đại học Rutgers (Hoa Kỳ)

Nội dung của Green New Deal tập trung vào việc “giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua một sự chuyển dịch công bằng và chính đáng cho tất cả các cộng đồng và người lao động”. Đồng thời, tạo công ăn việc làm, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đảm bảo đủ nước sạch, thức ăn hợp vệ sinh và môi trường bền vững. Dự luật đề nghị cũng đề nghi nâng cấp những công trình hiện có để đáp ứng hiệu quả năng lượng, an toàn, giá cả phải chăng, bền vững và tiện nghi, đồng thời ủng hộ việc xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc để giảm lượng khí thải carbon.

Bà Namio đưa ra luận điểm rằng, để dự luật này có thể được hiện thực hóa, cần có một sự huy động toàn thể đối với tất cả lực lượng lao động, tất cả các ngành, tất cả các cuộc vận động. Với niềm tin vững chắc từ phía người lao động rằng Green new deal sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn cho tất cả, và các nhà chính trị vận động ở tất cả các cấp sẽ mới có thể hiện thực hóa dự luật này.

Với mục tiêu quá tham vọng như vậy, Green New Deal nhận được nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng, chúng ta nên tập trung vào các vấn đề có thể giải quyết ở hiện tại như sản xuất điện năng xanh, hay các biện pháp môi trường cụ thể khác.

Đối với những ý kiến này, bà Namio đưa những dẫn chứng về sự thất bại của các dự thảo luật bảo vệ môi trường trước đây. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thường xuyên trong thời đại chúng ta, môi trường thường được xếp sau chăm sóc y tế và việc làm. Thường thì đó sẽ là vấn đề được quan tâm cuối cùng của các nhà chính trị. Do đó, việc xây dựng một dự thảo toàn diện để bảo vệ môi trường, phát triển việc làm, hệ thống y tế như Green New Deal mới có thể giải quyết những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt.

 ______________________
TIN LIÊN QUAN:
- Truyền hình Hà Nội HTV1:  Khai mạc Hội nghị kinh tế trẻ châu Á
- Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai: Khai mạc Hội nghị kinh tế trẻ khu vực châu Á 

Website Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN:

Thanh Tú - Văn Công