Ngày 19/11/2019 tại khách sạn Movenpick Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Tọa đàm "Tình hình kinh tế nền tảng tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và thảo luận".
Hệ sinh thái của các nền tảng (Platform) và ứng dụng đi kèm đã và đang phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam và ảnh hưởng của nó đã được chính phủ và các cơ quan chức năng nhận thức. Vào ngày 4/5/2017, việc ban hành chỉ thị số 16/CT-TOT đã thể hiện ý chí tăng cường năng lực của đất nước để bắt kịp với các xu thế của Công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh Công nghệ kỹ thuật số mới nổi và trở thành xu hướng dẫn dắt có khả năng tạo ra tác động lớn nhất đối với nền kinh tế kỹ thuật số tương lai của Việt Nam, mức độ mà chính phủ, ngành công nghiệp và cộng đồng của Việt Nam áp dụng và thích nghi với công nghệ mới trở nên vô cùng quan trọng. Giải quyết các vấn đề này và đảm bảo chuyển đổi kỹ thuật số được củng cố bởi một hệ sinh thái đổi mới mạnh mẽ sẽ giúp Việt Nam nắm bắt thành công các cơ hội do công nghệ kỹ thuật số mang lại và quản lý các thách thức đi kèm.
Tọa đàm “Tình hình kinh tế nền tảng tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và Thảo luận” được tổ chức nhằm thảo luận và đưa ra những góc nhìn thực trạng về nền kinh tế số tại Việt Nam. Trên có sở đó, những tọa đàm tiếp theo sẽ được tổ chức để đi sâu hơn về chủ đề này.
Mở đầu toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành đã có bài phát biểu chào đón các khách mời tham dự tọa đàm. Ông nhận định rằng kinh tế nền tảng là xu thế toàn cầu và đang “ngấm sâu” vào Việt Nam ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Đây là cơ hội lớn, nhưng song hành với đó là những thách thức, rủi ro. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng nội tại để tạo ra “bước nhảy vọt” về kinh tế.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR phát biểu khai mạc sự kiện
Tiếp theo, ThS. Bùi Hà Linh - Nghiên cứu viên nhóm Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách điều hành phiên thảo luận của tọa đàm. Theo ThS. Bùi Hà Linh, hiện nay, trên thế giới mô hình kinh tế nền tảng đang “ăn sâu” và tác động mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực từ tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận tải và du lịch hay cung ứng lao động,… của nền kinh tế của các quốc gia. Có thể hiểu kinh tế nền tảng (Platform Economy) là hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên các hạ tầng nhất định và thường được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số. Mô hình kinh tế này cũng không quá xa lạ với người Việt, ngày càng nhiều người làm giàu từ nó.
ThS. Bùi Hà Linh trong phiên thảo luận
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành nhận định khi khoa học công nghệ phát triển, thì các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc liên kết kinh tế và con người. Những vấn đề như hạn chế về giao thông, logistics... sẽ được giải quyết tốt hơn. Hơn nữa, khi các mô hình kinh tế mới xuất hiện thì cơ hội và dư địa cho các doanh nghiệp Việt tận dụng các yếu tố sẵn có để phát triển sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra: để phát huy tối đa các điều kiện nội tại cũng như lợi thế của kinh tế nền tảng để phát triển nền kinh tế một cách bền vững điều đầu tiên cần là thay đổi về mặt chính sách. Theo đó, điều đầu tiên là khơi thông “điểm nghẽn” quan trọng nhất trong sự phát triển của kinh tế nền tảng tại Việt Nam là về hành lang pháp lý. Việc cải cách thể chế sẽ thu hút đầu tư công nghệ số trong nhiều lĩnh vực và tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động phát triển doanh nghiệp công nghệ số...
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành trong phiên thảo luận
Ngoài ra, TS. Nguyễn Trí Hiếu trực tiếp chỉ ra những hạn chế, tồn tại cũng như rủi ro của mô hình kinh tế nền tảng có thể mang lại. “Mặc dù những năm qua Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực để thích nghi với sự phát triển của kinh tế thế giới, khoa học công nghệ như: chuyển đổi số, mở rộng hành lang pháp lý, cải cách các thủ tục hành chính.... Tuy nhiên, sự chuyển đổi này vẫn quá chậm chạp. Điều này sẽ khiến những vấn đề tiêu cực nảy sinh nhiều hơn, quyền lợi của con người, xã hội và nền kinh tế đều chậm phát triển.”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu trong phiên thảo luận
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TDT Group Nguyễn Thế Trung phân tích thêm: Dựa trên mục đích sử dụng có thể chia kinh tế nền tảng thành hai loại gồm: nền tảng giao dịch (transaction platform) được sử dụng để tối ưu hóa giao dịch giữa những người tiêu dùng và người bán (Amazon, Ebay, Lazada…); nền tảng sáng tạo (innovation platform) thực hiện vai trò là nền móng phát triển nên các nền tảng kinh doanh và hình thành hệ sinh thái giữa các nền tảng thế hệ sau đó (Apple App Store, Google Play…). Kinh tế số, kinh tế nền tảng đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia. Khi các mô hình kinh tế mới xuất hiện sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp... Sự chuyển đổi này tạo cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Mặc dù, các nước đã phát triển đang nắm được phần nhiều nền tảng của thế giới. Nhưng Việt Nam có thể tạo ưu thế riêng từ việc tiếp thu kinh nghiệm, tri thức, dữ liệu từ các nước phát triển, đồng thời tận dụng những điều kiện tự nhiên, con người để phát triển nền tảng riêng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TDT Group Nguyễn Thế Trung nhận định.
Ông Nguyễn Thế Trung trong phiên thảo luận
Ngoài ra có những ý kiến trao đổi trong tọa đàm cho rằng thực tế, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế nền tảng với sự xuất hiện của các hình thức sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới khiến đang đưa các hoạch định chính sách vào một thế khó. “Họ lúng túng trong việc định danh và quản lý những hoạt động kinh tế này. Sự ra đời của của hình thức vận tải mới là Grab và Uber khiến các cơ quan quản lý không khỏi bối rối và “đau đầu”, PGS.TS. Lê Cao Đoàn (Viện Kinh tế Việt Nam) chỉ ra.