Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc Tế (Fibe)
 
Tập huấn công tác tổ chức và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường ĐHKT

Trong các ngày 20, 21, 22 và 26/10/2010, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó hiệu trưởng Trường ĐHKT, đại diện lãnh đạo Phòng NCKH&HTPT đã làm việc với các Khoa Tài chính – Ngân hàng, Quản trị Kinh doanh, Kinh tế Chính trị và Khoa Kinh tế Phát triển.


Nội dung chủ yếu trong các buổi làm việc bao gồm: Quán triệt kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm về NCKH năm 2011; Tọa đàm, trao đổi trực tiếp với Ban Chủ nhiệm khoa (BCN) và toàn thể cán bộ giảng viên (CBGV) các Khoa để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ NCKH; Phòng NCKH&HTPT tổ chức tập huấn/hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của ĐHQGHN mới ban hành năm 2010 về tổ chức và quản lý hoạt động NCKH;

Tại buổi làm việc với Khoa Tài chính Ngân hàng

Trong quá trình làm việc, BCN và CBGV các khoa đã nhất trí cao với chủ trương và định hướng NCKH trọng điểm của Nhà trường. PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn yêu cầu các đơn vị phát huy vai trò chủ động của Hội đồng Khoa học và Đào tạo, mỗi khoa đã có định hướng NCKH giai đoạn 2010-2015 theo chuyên ngành và chuyên môn sâu, Hội đồng KH&ĐT của khoa cần triển khai cụ thể định hướng nghiên cứu để mỗi CBGV có kế hoạch xây dựng các “module” nghiên cứu theo sở trường và chuyên môn nhằm tránh các nghiên cứu tự phát, đơn lẻ, không mang tính hệ thống và không theo đặc thù của khoa/tổ bộ môn.

Buổi làm việc giữa BGH, đại diện Phòng NCKH&HTPT với Khoa Quản trị Kinh doanh

Sau giai đoạn 2010-2015 nhìn lại, mỗi cá nhân/ mỗi khoa sẽ có một hệ thống sản phẩm NCKH mang đặc thù chuyên môn/chuyên ngành và tạo dựng trường phái nghiên cứu của khoa, Trên cơ sở đó, mỗi khoa tổ chức giới thiệu rộng rãi các chương trình nghiên cứu và hướng nghiên cứu của đơn vị và của CBGV để các học viên sau đại học và sinh viên có thể tiếp cận và tham gia hoạt động NCKH của CBGV nhằm gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa và các yêu cầu đối với việc thực hiện đề tài NCKH các cấp (mỗi đề tài cấp trường là một “case study” phục vụ nâng cao chất lượng bài giảng/môn học; các đề tài cấp ĐHQG do trường quản lý ngoài các yêu cầu như đề tài cấp trường cần có các nội dung thiết thực gắn với đào tạo học viên SĐH/Cử nhân và có các ấn phẩm nghiên cứu (bài báo/sách chuyên khảo) được phát hành) để sử dụng thiết thực, hiệu quả nguồn kinh phí được hỗ trợ. Nhà trường tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế hỗ trợ cho hoạt động NCKH như tạo điều kiện về cơ sở vật chất (phòng làm việc cho chuyên gia); hỗ trợ kinh phí, đầu tư ban đầu cho các giảng viên, các nhà nghiên cứu xây dựng proposal tham gia đấu thầu đề án/dự án lớn, viết bài báo khoa học đăng tạp chí trong nước và quốc tế, hướng tới các sản phẩm NCKH đỉnh cao trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.
Tại các buổi làm việc, Ban chủ nhiệm, CBGV các khoa đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Nhà trường, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ NCKH, Hội đồng KH&ĐT các khoa sẽ có kế hoạch chi tiết và lộ trình thực hiện định hướng NCKH của Khoa, nêu cao vai trò của Tổ bộ môn để khắc phục tình trạng nghiên cứu mang tính tự phát; Tổ chức triển khai giới thiệu các hướng NCKH của CBGV để thu hút học viên SĐH và SV tham gia NCKH.
BCN và CBGV các khoa có một số đề xuất kiến nghị với Nhà trường:
1. Nhà trường cần có kế hoạch xây dựng Tổ bộ môn hoặc Bộ phận chuyên môn về Phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung và phương pháp nghiên cứu khoa học kinh tế nói riêng để nâng cao năng lực nghiên cứu cho CBGV, học viên và sinh viên và nâng cao chất lượng các công trình NCKH, từng bước thực hiện định hướng chiến lược đưa ĐHKT trở thành đại học nghiên cứu.
2. Có lộ trình phân cấp quản lý hoạt động trong Nhà trường và từng bước trao quyền tự chủ cho Khoa trong sử dụng kinh phí trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
3. Đổi mới việc phân công giảng dạy và có kế hoạch lâu dài trong việc mời giảng viên thỉnh giảng/kiêm nhiệm để giảm tải trong giảng dạy cho CBGV (hiện nay còn nhiều CBGV giảng dạy quá nhiều giờ nên hạn chế thời gian giành cho NCKH, không hoàn thành nhiệm vụ NCKH).

Cán bộ Khoa Kinh tế Chính trị đã tham gia và đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của đơn vị và của Nhà trường

Qua trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa BGH, Phòng chức năng với các CBGV và qua việc tập huấn về hướng dẫn thực hiện các quy định về tổ chức, quản lý hoạt động NCKH cho thấy còn nhiều giảng viên (đặc biệt CBGV trẻ) chưa nắm bắt kịp thời chủ trương, quy định của nhà trường nói chung và hoạt động NCKH và ĐT nói riêng; chưa chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động giảng dạy và NCKH cá nhân dẫn đến hạn chế hiệu quả công việc và chưa đạt yêu cầu, nhiệm vụ Nhà trường đặt ra; Việc gắn kết NCKH của CBGV và  sinh viên, học viên chưa thật chặt chẽ, bài bản; Hội đồng KH&ĐT, các tổ bộ môn chưa thực sự là đòn xeo thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao sự đóng góp trí tuệ của Ban chủ nhiệm, CBGV các khoa qua chiến lược nghiên cứu, các công trình, các ấn phẩm NCKH đỉnh cao (các bài báo quốc tế) và bày tỏ sự tin tưởng vào trí tuệ, tư duy đổi mới, sự đoàn kết nhất trí cao của các Khoa để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược của Nhà trường đề ra trong giai đoạn 2010 - 2015.
Các đề xuất, kiến nghị hợp lý của CBGV và của các khoa sẽ được Ban Giám hiệu Trường ĐHKT xem xét và sớm có giải pháp hữu hiệu.
Ngày 3/11/2010, Ban Giám hiệu sẽ có buổi làm việc với Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế về nội dung trên.

Xuân Lê - Phòng NCKH&HTPT