PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn trình bày báo cáo tổng hợp thảo luận tại Tiểu ban 3
Sáng ngày 28/11/2012, tại Hà Nội, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 với chủ đề: “Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển bền vững” đã bế mạc. Tại đây, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã trình bày báo cáo tổng hợp thảo luận tại Tiểu ban 3 “Kinh tế Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững”
Sau hai ngày làm việc với 15 tiểu ban, 400 tham luận đã được trình bày tại Hội thảo Việt Nam học năm nay (hơn 800 tham luận được chọn đăng kỷ yếu, trong đó có 200 tham luận của các học giả nước ngoài), tập trung thảo luận về tất cả lĩnh vực trong hội nhập và phát triển bền vững của Việt Nam như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quan hệ quốc tế và an ninh khu vực...
Thay mặt Tiểu ban 3, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT (đơn vị chủ trì Tiểu ban 3) đã trình bày báo cáo tổng hợp thảo luận tại tiểu ban. Theo đó, chủ đề “Kinh tế Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững” đã thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước. Tiểu ban đã nhận được 68 bài viết, trong đó có 11 bài viết của các tác giả từ nước ngoài (Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Nga) và 57 bài viết của các tác giả ở Việt Nam.
Trong số 68 bài viết kể trên, 24 bài đã được lựa chọn báo cáo và thảo luận tại tiểu ban. Các báo cáo đã tập trung thảo luận về phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập trên nhiều khía cạnh khác nhau, từ phát triển bền vững kinh tế (như các vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô: Tăng trưởng và cán cân thanh toán, kiều hối; Tiêu dùng bền vững; Hiện đại hóa nền kinh tế…); phát triển bền vững xã hội và môi trường (như tiêu dùng bền vững năng lượng); phát triển bền vững doanh nghiệp (như vấn đề văn hóa, vấn đề sáng tạo, vấn đề quản lý và nhân lực trong doanh nghiệp); phát triển bền vững ngành và lĩnh vực (như ngành dịch vụ, hệ thống ngân hàng) và phát triển bền vững địa phương (như Hà Nội, Tây Nguyên). Vai trò của các thể chế đa quốc gia và vai trò của nguồn lực địa kinh tế và địa chính trị đối với phát triển bền vững của Việt Nam cũng đã được thảo luận tại tiểu ban.
Các báo cáo kể trên đã tổng kết lại những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, phân tích những yếu kém mà nền kinh tế, ngành, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt như: sự tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chất lượng tăng trưởng thấp, mất cân đối lớn giữa tích lũy và đầu tư, thâm hụt cán cân thương mại và ngân sách kéo dài, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp…
Lãnh đạo Trường ĐHKT - ĐHQGHN chủ tọa nhiều phiên hội thảo
Để vượt qua những thách thức kể trên, các báo cáo và thảo luận tại tiểu ban đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh thuận lợi đối với doanh nghiệp, tầm quan trọng của đầu tư hiệu quả, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, tầm quan trọng của đồng thuận xã hội, của sự minh bạch thông tin, tầm quan trọng của sự sáng tạo, đổi mới cũng như của quản lý hiện đại, văn hóa doanh nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Gợi ý về chính sách kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, các báo cáo và thảo luận cho rằng Việt Nam cần đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, đặc biệt là đổi mới tư duy về thể chế kinh tế; đảm bảo tính hệ thống của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh; sử dụng hiệu quả nguồn lực địa kinh tế và địa chính trị... Đặc biệt, các báo cáo, thảo luận còn khuyến nghị cần tính đến các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam khi thực hiện các giải pháp cũng như cần xây dựng các điều kiện cần thiết để Việt Nam có thể phát triển một cách bền vững không chỉ về kinh tế mà còn cả về xã hội, môi trường và thể chế.
Một số hình ảnh các cán bộ, giảng viênĐHKT tham gia Hội thảo VN học năm nay
Thay mặt Tiểu ban “Kinh tế Việt Nam trong hội nhập và phát triển bền vững”, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cũng cám ơn sâu sắc các học giả Việt Nam và quốc tế đã gửi bài tham luận và tích cực tham gia thảo luận tại hội thảo; đồng thời cám ơn Ban tổ chức Hội thảo Việt Nam học lần thứ IV đã tạo cơ hội cho các học giả, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế được gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về những vấn đề đang rất được quan tâm về nền kinh tế Việt Nam.
Phiên làm việc của tiểu ban Kinh tế - xã hội
Tiểu ban kinh tế nói riêng và hội thảo Việt Nam học nói chung thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế
Ban tổ chức Hội thảo Việt Nam học lần thứ IV và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
__________________
TIN LIÊN QUAN:
Tin: Hồng Minh. Ảnh: Chiêm Đỗ - Bùi Tuấn và CTV