PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh chủ trì hội thảo
Ngày 4/7/2013, nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Lượng giá kinh tế do biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với thủy sản miền Bắc và đề xuất giải pháp giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu”, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức hội thảo nhằm tạo diễn đàn giao lưu, thảo luận về các vấn đề liên quan cũng như thống nhất được những nội dung trong quá trình triển khai đề tài.
Hội thảo có sự tham dự của các thành viên Ban chủ nhiệm đề tài; các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Viện Kinh tế quy hoạch thủy sản, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu hải sản, cùng các giảng viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT, chủ nhiệm đề tài đã có bài trình bày giới thiệu và tổng quan về đề tài “Lượng giá kinh tế do BĐKH đối với thủy sản miền Bắc và đề xuất giải pháp giảm thiểu thiệt hại do BĐKH”. Trong đó nêu rõ, mục tiêu cụ thể mà nhóm nghiên cứu mong muốn đạt được là xây dựng được cơ sở khoa học và thực tiễn phương pháp và mô hình lượng giá kinh tế do BĐKH đối với thủy sản; đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với thủy sản tại các tỉnh miền Bắc theo các kịch bản khác nhau và ước lượng được tác động kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra đối với thủy sản ở các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất theo các kịch bản BĐKH khác nhau.
Trên cơ sở đánh giá định lượng được mức độ ảnh hưởng và các tác động về mặt kinh tế do BĐKH gây ra đối với thủy sản, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng bộ cơ sở dữ liệu và bản đồ lượng giá thiệt hại kinh tế do BĐKH đối với thủy sản miền Bắc; đề xuất các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra đối với ngành thủy sản ở miền Bắc.
Từ đó, nhóm nghiên cứu cũng đề ra phạm vi nghiên cứu và cách tiếp cận rất cụ thể, chi tiết. Nội dung nghiên cứu được chia nhỏ thành các mục tiêu, nhóm chuyên đề, chuyên đề cụ thể nhằm tối ưu hóa những mục tiêu đã đề ra. Về phương pháp nghiên cứu, đề tài sẽ áp dụng cả phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Ngoài việc thu thập các dữ liệu thứ cấp, đề tài còn sử dụng phương pháp tiếp cận điều tra, sử dụng kỹ thuật chọn mẫu, xây dựng bộ số liệu tiêu chuẩn… Ngoài ra, đề tài còn sẽ áp dụng các phương pháp đặc thù như: đánh giá tổn thương (Vulnerability Assessment), phương pháp thay đổi năng suất (Change in Productivity), phương pháp chuyển giao lợi ích (Benefits Transfer).
TS. Nguyễn Quốc Việt trình bày về đề tài tại hội thảo
Tiếp đó, TS. Nguyễn Quốc Việt - thành viên Ban chủ nhiệm đề tài đã có bài trình bày về kế hoạch thực hiện đề tài gồm: nội dung công việc cụ thể, yêu cầu chất lượng, thời hạn hoàn thành. Từ việc lập kế hoạch này, đề tài sẽ được thực hiện một cách bài bản và đúng tiến độ.
Liên quan đến phần trình bày của Ban chủ nhiệm đề tài, các đại biểu tham dự đã có những câu hỏi liên quan đến việc triển khai và thực hiện đề tài như: dự kiến và phân bổ phiếu điều tra như thế nào, việc phân bố mẫu như thế nào ở những tỉnh có sản lượng khai thác thủy sản và nuôi trồng thủy sản khác nhau, đặc biệt các tỉnh có sản lượng thủy sản cao... Cùng với đó, các đại biểu tham dự cũng có những ý kiến góp ý rất thiết thực liên quan đến mô hình và việc thu thập thông tin, chọn mẫu báo cáo…
Các đại biểu cũng đã chia sẻ với nhóm nghiên cứu những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các dự án trước đây, cách thu thập thông tin và quá trình thu thập thông tin, nội dung điều tra, số lượng mẫu lựa chọn cũng như phân bố mẫu điều tra tại các tỉnh và mô hình được sử dụng để phân tích mẫu điều tra.
Sau nửa ngày làm việc nghiêm túc và tích cực, hội thảo đã kết thúc tốt đẹp với nhiều thông tin và kinh nghiệm hữu ích liên quan đến đề tài được chia sẻ. Hội thảo cũng đi đến thống nhất những nội dung nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và lịch làm việc với các chuyên gia trong thời gian tới.
Thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh cảm ơn những ý kiến thảo luận của các chuyên gia, các đại biểu. Ông mong rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được những đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu để đề tài thật sự có chất lượng, thỏa mãn những yêu cầu và mục tiêu đặt ra. Mặt khác, ông bày tỏ hy vọng, việc hợp tác trong thực hiện đề tài cũng sẽ góp phần là cầu nối cho mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả hơn nữa giữa Trường ĐHKT với các viện, các trung tâm nghiên cứu và các nhà khoa học.