Một thách thức lớn và cũng là thách thức có tính thường
trực mà các quốc gia đang phải đối mặt chính là các mối đe dọa an ninh truyền
thống và phi truyền thống khi hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế
thế giới, trong đó nổi lên hàng đầu là vấn đề an ninh kinh tế quốc gia. Đây là
một trong những mục tiêu và nhiệm vụ có tầm chiến lược quan trọng nhất của mọi
quốc gia trong tất cả các giai đoạn phát triển kinh tế.
Đối với Việt Nam, đảm bảo an ninh
kinh tế quốc gia đang đặt ra những yêu cầu mới, những mục tiêu mới đòi hỏi Nhà
nước phải xử lý để đảm bảo tính độc lập tự chủ đồng thời tận dụng thời cơ, vượt
qua thách thức của hội nhập. Trên cơ sở hệ thống hóa các vấn đề lý thuyết về
đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia trong bối cảnh hội nhập, khảo cứu kinh nghiệm
của một số quốc gia khu vực châu Á về đảm bảo an ninh kinh tế, phân tích và
đánh giá thực trạng đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia của Việt Nam, cuốn sách
Đảm bảo an ninh kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập đã đưa ra một số
quan điểm và giải pháp nhằm đảm bảo an ninh kinh tế Việt Nam trong tiến trình
tiếp tục hội nhập kinh tế thế giới ở các giai đoạn tiếp theo.
Những
quan điểm cơ bản về đảm bảo an ninh kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế
quốc tế:
Thứ nhất, đảm bảo an
ninh kinh tế phải đặt trong mối liên hệ gắn bó mật thiết với việc đảm bảo an
ninh quốc gia trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ
hai, đảm bảo an ninh kinh tế trong bối cảnh hội nhập phải gắn liền với
nâng cao nội lực của nền kinh tế.
Thứ
ba, đảm bảo an ninh kinh tế phải dựa trên cơ sở phát huy tối đa nội lực
và khai thác tốt ngoại lực trong bối cảnh hội nhập.
Giải pháp đảm bảo an ninh kinh tế trong
quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đến năm 2025:
Thứ nhất, tăng cường nhận thức về
an ninh kinh tế, định dạng rủi ro kinh tế để có đối sách xử lý phù hợp
Cần nâng cao nhận thức về các thách thức, tác động, ảnh hưởng của bất ổn an
ninh kinh tế thông qua các hình thức truyền thông để tác động đến nhận thức cho
cộng đồng xã hội; lồng ghép các biện pháp giáo dục, nâng cao nhận thức cho
người dân, doanh nghiệp trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế.
Cần định dạng từng loại rủi ro kinh tế để xác định phương thức xử lý phù hợp.
Rủi ro phát sinh từ thị trường và yếu kém nội tại của nền kinh tế thì cần hoàn
thiện thể chế kinh tế thị trường, tăng cường vai trò nhà nước để giảm thiểu mặt
trái của kinh tế thị trường; rủi ro phát sinh từ mặt trái của toàn cầu hóa thì
phải thúc đẩy hợp tác quốc tế để phòng ngừa, ứng phó ngay từ gốc rễ vấn đề; rủi
ro từ mặt trái của việc sử dụng thành tựu khoa học công nghệ thì cần chủ động
xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, đủ năng lực phòng ngừa và ứng phó
hiệu quả; rủi ro phát sinh từ việc tranh chấp tài nguyên thì cần định hình
chiến lược thay thế hoặc hạn chế khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên,
nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực này, đàm phán với các đối tác trong chia
sẻ, khai thác và sử dụng.
Thứ
hai, xây dựng thể chế kinh tế, khuôn khổ pháp luật đáp ứng yêu cầu của
hội nhập và gắn với đảm bảo an ninh kinh tế
Cần tiếp tục đổi mới kịp thời và thường xuyên các thiết chế kinh tế, chính trị,
chủ động, tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao tính tương thích của
pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế về phòng ngừa và ứng phó với thách
thức an ninh kinh tế. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế kinh tế để vận
hành tốt cơ chế thị trường, bổ sung thiết chế xử lý những vấn đề mới xuất hiện,
gây áp lực và nguy cơ cho nền kinh tế như an ninh tài chính, an ninh thông tin,
an ninh nguồn nước...
Thứ
ba, chủ động phòng ngừa những bất ổn đe doạ các yếu tố nguồn lực thiết
yếu của nền kinh tế và bất ổn trong hệ thống tài chính tiền tệ:
-
Về đảm bảo an ninh năng lượng: Tiết
kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Đa dạng hóa các nguồn năng lượng;
hình thành và phát triển thị trường năng lượng, Nhà nước chỉ điều tiết thông
qua chính sách thuế và các công cụ quản lý khác.
-
Về đảm bảo an ninh lương thực: Cần
tái cơ cấu nông nghiệp; Có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa
học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất và
quản lý nông nghiệp; Tích cực chủ động tham gia vào chương trình an ninh lương
thực thế giới.
-
Về đảm bảo an ninh nguồn nước: Cần
xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên nước bền vững; áp dụng khoa học - công
nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên nước quốc gia; Tích cực hợp tác
quốc tế và khu vực trong việc quản lý, khai thác tài nguyên nước, chú trọng đặc
biệt tới hợp tác giữa các đối tác có chung nguồn nước xuyên biên giới.
-
Về đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài
chính tiền tệ: Cần tiếp tục hoàn thiện bộ khung pháp lý tạo điều kiện nền
tảng để xây dựng mô hình giám sát tài chính nói chung và giám sát ngân hàng nói
riêng; xây dựng mô hình giám sát phù hợp và hiệu quả; thực hiện các biện pháp
nhằm tăng cường minh bạch tài chính, nâng cao độ tin cậy của hệ thống thông tin
tài chính.
Thứ
tư, xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế
Nhà nước cần đổi mới phương thức quản lý nền kinh tế thông qua việc giảm tối đa
các can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường và doanh nghiệp. Cần tiếp
tục nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu tổ chức Chính phủ, các bộ, ngành thuộc khối
đối ngoại, an ninh, quốc phòng, nội chính. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công
chức và chế độ công vụ chuyên nghiệp. Không ngừng nâng cao trình độ, năng lực
quản lý nhà nước về kinh tế cho phù hợp với yêu cầu của toàn cầu hóa và kinh tế
tri thức; hoàn thiện chế độ chính sách để đội ngũ cán bộ, công chức quản lý
kinh tế an tâm công tác và không ngừng trau dồi đạo đức nghề nghiệp.
Thứ
năm, tăng cường hợp tác quốc tế về đảm bảo an ninh kinh tế
Chủ động tham gia thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế hợp tác với các
nước trong khu vực và quốc tế để đối phó với các đe dọa bất ổn kinh tế từ bên
ngoài, đặc biệt trong phòng chống tội phạm kinh tế xuyên quốc gia, đối phó với
tình trạng biến đổi khí hậu, khai thác nước ngọt sông Mekong. Những bước đi cụ
thể bao gồm: tăng cường đối thoại, hợp tác song phương và đa phương, phát huy
hiệu quả của các kênh hợp tác trong giải quyết các thách thức an ninh kinh tế;
tăng cường hợp tác nâng cao năng lực dự báo thách thức an ninh kinh tế; tăng
cường hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ để ứng phó với các thách thức an
ninh đang nổi lên.
Thông tin cuốn sách:
Tên sách: Đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia ở Việt
Nam trong bối cảnh hội nhập
Thể loại: Sách chuyên khảo
Tác giả: Nguyễn Bạch Đằng, Phạm Thị
Hồng Điệp, Nguyễn Trúc Lê (đồng chủ biên)
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Đại học
Quốc gia Hà Nội
Khổ sách: 16x24cm
Thời gian xuất bản: Năm 2018
ISBN:
978-640-961-687-7
Về tác giả
của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN:
| PGS.TS Nguyễn Trúc Lê hiện đang giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà
Nội. Ông có bằng Tiến sĩ, chuyên ngành kinh tế tại Đại học Kingston, London,
Vương quốc Anh năm 2006.
PGS.TS Trúc Lê từng là nhà tư vấn tài chính trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng
và từng làm việc tại Ngân hàng Trung ương Ba Lan, BIG Bank Gdank, nay là
Deutsche Bank. PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cũng là cố vấn nghiên cứu của Chính phủ trong các
lĩnh vực an ninh phi truyền thống và cải cách hành chính công. |
| PGS.TS
Phạm Thị Hồng Điệp hiện
là giảng viên cao cấp, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý kinh tế, Phó
trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. PGS.TS
Phạm Thị Hồng Điệp là chủ biên và đồng chủ biên 2 sách chuyên khảo, đồng tác giả
của 6 giáo trình, và chuyên khảo khác, đã chủ trì và tham gia 12 đề tài nghiên
cứu khoa học các cấp, tác giả của gần 50 công trình nghiên cứu được công bố
trên tạp chí chuyên ngành và các kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế thuộc
các lĩnh vực Quản lý kinh tế, Kinh tế chính trị, và các vấn đề Kinh tế Việt Nam… |