Trang Đào tạo sau đại học
 
Thông tin luận án tiến sĩ của NCS Trần Quốc Tuấn

Tên luận án: Phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Việt Nam.


1.  Giới thiệu chung
- Tên tác giả: Trần Quốc Tuấn

- Tên luận án: Phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại Việt Nam

- Ngành khoa học của luận án: Kinh tế

- Chuyên ngành: Kinh tế chính trị. Mã số 62.31.01.01

- Giảng viên hướng dẫn:  PGS. TS Trịnh Thị Hoa Mai

- Tên đơn vị đào tạo sau đại học: Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Nội dung        

2.1. Mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án

  • Mục đích nghiên cứu:

Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TCĐLCL) tại Việt Nam thời gian qua, đồng thời, đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

  • Đối tượng nghiên cứu của luận án:

Nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL tại Việt Nam, cụ thể là: Thực trạng phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL tại Việt Nam; Các chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL tại Việt Nam.

2.2. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng

Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu; điều tra, khảo sát trên cơ sở các bảng câu hỏi và phỏng vấn sâu; phân tích, tổng hợp; toạ đàm, hội thảo và xin ý kiến chuyên gia.

2.3. Các kết quả chính và kết luận

- Tác giả đã tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước về phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL, xây dựng các tiêu chí đánh giá phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL với các nội dung đánh giá về số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực, công tác quản lý, tạo lập môi trường phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL.

- Đánh giá thực trạng phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL tại Việt Nam hiện nay trên cơ sở các tiêu chí đã xây dựng.

- Đề xuất các giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL tại Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.

Tác giả đã đề xuất 3 nhóm giải pháp:
  • Nhóm giải pháp phát triển về số lượng và đảm bảo cơ cấu hợp lý;
  • Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
  • Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL với 10 giải pháp cụ thể.

Trong các giải pháp nêu trên, trước hết, cần ưu tiên thực hiện giải pháp về quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL; tiếp theo là giải pháp rà soát sắp xếp, thực hiện luân chuyển và cơ cấu lại nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL giữa khu vực quản lý nhà nước và sự nghiệp, dịch vụ kỹ thuật; và cuối cùng là giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về TCĐLCL, coi đây là giải pháp thường xuyên cần quán triệt thực hiện.

Để các giải pháp này khả thi, cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước; bên cạnh đó cần phải có các điều kiện đảm bảo kinh phí cho việc triển khai các giải pháp thì mới thực sự phát triển được nguồn nhân lực quản lý nhà nước về TCĐLCL đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, đảm bảo công bằng xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.


Trường ĐHKT - ĐHQGHN