Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KÍCH CẦU DU LỊCH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19

Du lịch Việt Nam nhiều tiềm năng và là ngành kinh tế mũi nhọn.
Du lịch là ngành quan trọng, phát triển với tốc độ nhanh chóng và mạnh mẽ trên quy mô toàn thế giới. Đảng và Nhà nước ta đã xác định rõ chiến lược phát triển du lịch với chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, du lịch lại là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đồng thời cũng là ngành có khả năng phục hồi nhanh nếu như các quốc gia biết nắm bắt những cơ hội và có những chính sách phù hợp.


Thực trạng này đã đặt ra vấn đề cấp thiết về quản lý nhà nước (QLNN) đối với hoạt động kích cầu du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trên cơ sở những kiến thức lý luận cơ bản được học tập trong chương trình đào tạo của Ngành Kinh tế liên quan đến vai trò của du lịch, các nhân tố ảnh hưởng đến du lịch và QLNN về hoạt động kích cầu du lịch, tác giả đã tìm hiểu thực tế, thu thập các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện niên luận dưới sự hướng dẫn của cô giáo TS. Nguyễn Thị Hương Lan. Trong bài viết sau tác giả xin được trích dẫn một số nội dung cơ bản của niên luận về thực trạng du lịch Việt Nam, thực trạng QLNN đối với hoạt động kích cầu du lịch Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường QLNN đối với hoạt động kích cầu du lịch Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, đại dịch Covid-19 bùng nổ và lan nhanh một cách khó kiểm soát tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này đã gây ra nhiều biến động lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong số các tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, du lịch là ngành phải đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng và rõ nét nhất. Theo nhiều nghiên cứu, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đồng thời cũng là ngành có khả năng phục hồi nhanh nếu như các quốc gia biết nắm bắt những cơ hội và có những chính sách phù hợp. Chính vì vậy, quản lý nhà nước về du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19 càng trở nên quan trọng đối với ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đối với hoạt động kích cầu du lịch, quản lý nhà nước thể hiện ở việc thông qua các công cụ và phương thức quản lý mang bản chất quyền lực nhà nước, nhà nước điều chỉnh và định hướng du lịch theo hướng tăng nhu cầu du lịch và sử dụng dịch vụ du lịch của du khách, thu hút khách du lịch, từ đó góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng nền kinh tế quốc dân.

2. Thực trạng du lịch Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Vài nét về du lịch Việt Nam trước đại dịch Covid-19

Trước khi diễn ra đại dịch Covid-19, du lịch nước ta đã có bước phát triển đột phá và tăng trưởng theo chiều hướng tích cực. Giai đoạn từ năm 2015-2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 22,7% mỗi năm. Việt Nam liên tục nằm trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới. Năm 2019, ngành Du lịch Việt Nam lập kỳ tích lần đầu tiên đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018) và phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng trên 6% so với năm 2018). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng 17,1 %).

Năm 2019, Việt Nam được vinh danh với nhiều danh hiệu danh giá, giải thưởng du lịch toàn cầu: Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019 (World Golf Awards); Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới (World Travel Awards 2019)… Cùng với đó, World Travel Awards cũng vinh danh Việt Nam là Điểm đến hàng đầu châu Á trong hai năm liên tiếp 2018-2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với vị trí 63/140 nền kinh tế.

Tình hình du lịch Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Lượng khách quốc tế sụt giảm: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 ước đạt 449.923 lượt, giảm 63,8% so với tháng 2/2020 và giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 3 tháng năm 2020 ước đạt 3.686.779 lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Doanh nghiệp, cơ sở lưu trú và thất nghiệp rơi vào tình trạng giải thể: Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống quý I/2020 tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Các chuyên gia kinh tế dự tính rằng, 80-90% số doanh nghiệp lữ hành nhỏ và vừa có thể đã tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng tại hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh. Công suất hoạt động các cơ sở lưu trú giai đoạn này chỉ đạt 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khách sạn trên khắp các tỉnh, thành cả nước lần lượt đã đóng cửa ít nhất đến hết 30/4/2020. Điều này đã khiến nhân lực ngành du lịch bị mất việc làm. Các công ty, khách sạn, nhà hàng lần lượt phải cắt giảm biên chế đến 60%. Đối với các công ty đa quốc gia, số lượng nhân viên còn giảm tới 4/5. Tình trạng này đã dẫn đến hơn 80% nhân sự ngành du lịch không có việc làm đến hết tháng 6/2020.

Doanh thu ngành du lịch sụt giảm: Tổng cục Du lịch ước tính thiệt hại du lịch Việt Nam do dịch Covid-19, riêng trong các tháng 2, 3 và 4 sẽ vào khoảng 5,9-7 tỷ USD. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch lữ hành giảm rất mạnh, doanh thu ngành hàng dịch vụ ăn uống và lưu trú lần lượt giảm 9,6% và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống Quý I/2020 ước tính đạt 126,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 11,3%). Doanh thu du lịch lữ hành Quý I ước tính đạt 7,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 13,2%). Nhiều địa điểm tham quan du lịch phải ngừng hoạt động, một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đã hủy tour du lịch do lo ngại dịch bệnh.

Dự báo về tình hình du lịch Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19

Kịch bản 1: Dịch kết thúc cuối tháng 6

Lượng khách quốc tế sẽ ở đáy từ tháng 4 đến tháng 6. Số lượng khách sẽ hồi phục dần vào cuối năm nhưng còn thấp, chưa thể tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2019. Sau khi dịch được khống chế, hoạt động du lịch công vụ có thể phục hồi trước do nhu cầu trên toàn thế giới khẩn trương khôi phục các hoạt động giao dịch, trao đổi thương mại, sản xuất... Tuy nhiên, độ mở về đi lại chưa hoàn toàn như trước khi có dịch do các nước vẫn còn đề phòng sự quay lại của Covid19. Thị trường gần (trong khu vực châu Á) có khả năng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường xa (như châu Âu, Bắc Mỹ, Úc...). Theo kịch bản này, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2020 có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt.

Kịch bản 2: Dịch kết thúc cuối tháng 9 hoặc tháng 12 

Thời gian ngưng trệ gần như không có khách du lịch quốc tế sẽ kéo dài hơn trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 9, chỉ có thể bắt đầu hồi phục rất hạn chế từ cuối năm với các hoạt động đi lại du lịch công vụ, giao thương. Theo kịch bản này, lượng khách du lịch quốc tế đến năm 2020 sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt. Ngoài ra, nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12 mà dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, từ tháng 4 đến tháng 12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 sẽ dừng lại ở con số 3,7 triệu lượt trong 3 tháng đầu năm, giảm khoảng 80% so với năm 2019.

3. Thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động kích cầu du lịch Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật: Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch đã ban hành Quyết định 473/QĐ-TCDL ngày 24/9/2020 Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch và Quyết định 474/QĐ/TCDL sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Hướng dẫn trên. Ngoài ra, sau văn bản số 1156 trình Thủ tướng Chính phủ ngày 19/3/2020 đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) tiếp tục có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bao gồm: Đề xuất hỗ trợ gói tài chính cho các doanh nghiệp du lịch trong việc hoàn hủy tour thay vì thực hiện hủy tour; đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh…

Công tác tổ chức bộ máy quản lý du lịch và việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch: Chính phủ đã có những buổi làm việc với bộ ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch Covid-19. Trong đó, Bộ VHTT&DL là cơ quan dẫn đầu, chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị sẵn sàng để có thể mở cửa du lịch quốc tế ngay khi đủ điều kiện với quan điểm “kiên quyết ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài để giữ ổn định cho bên trong phát triển”, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn bằng những giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực và kịp thời.

Quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp du lịch: Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là cần phải tận dụng tối đa các điều kiện thúc đẩy du lịch nội địa để các doanh nghiệp không bị giải thể, phá sản; Các cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ, du lịch cộng đồng không phải dừng hoạt động, chuyển mục đích sử dụng. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp lựa chọn những điểm đến, địa phương hoặc chuỗi điểm đến trọng điểm, có tính lan toả và phù hợp với nhu cầu của du khách trong vùng và tăng cường giám sát, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch có cơ chế hợp tác, thống nhất mức giảm giá, thời gian giảm giá chung, công khai, minh bạch, không gây nhiễu loạn thị trường, đảm bảo chất lượng và ổn định tài chính của mỗi doanh nghiệp...

Nhiều hoạt động kích cầu du lịch tầm quốc gia đã được tổ chức tại Việt Nam.

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển du lịch: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Nhà nước xác định kích cầu du lịch nội địa là phương án khả thi và hợp lý. Bộ VHTT&DL chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu du lịch nội địa; Khẩn trương đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động ngay đầu Quý III năm 2020; Chuẩn bị tốt nội dung với trọng tâm là triển khai ngay các giải pháp cơ cấu lại thị trường, sản phẩm du lịch, phù hợp với điều kiện, tình hình mới để tổ chức Hội nghị Du lịch Toàn quốc vào cuối tháng 9/2020. Khi Việt Nam công bố hết dịch, tập trung kích cầu thị trường nội địa, phối hợp với các hãng hàng không, vận chuyển và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan; Đẩy mạnh truyền thông tập trung vào “Việt Nam an toàn và hấp dẫn” với nội dung khẳng định Việt Nam thành công đẩy lùi Covid-19, tiếp tục là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại, công bố gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi.

Quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch: Do tác động của dịch bệnh, nguồn nhân lực của ngành du lịch bị giảm sút, rơi vào tình trạng thất nghiệp. Chính phủ đã có chủ trương dồn lực đào tạo lại nguồn nhân lực trong thời gian dịch bệnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, nghiên cứu xây dựng sản phẩm mới, nhất là các gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa ngay khi công bố hết dịch. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng phối hợp các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp du lịch để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp và hiệp hội địa phương.

Quản lý nhà nước về công tác quảng bá, hợp tác quốc tế và xúc tiến du lịch: Đảng và Nhà nước chỉ đạo Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch phối hợp với các địa phương, hiệp hội du lịch tập trung thực hiện hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu theo điểm, tránh trường hợp để doanh nghiệp phải tự làm riêng lẻ; Chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế nhưng chỉ mở ra khi thực sự an toàn và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Để thực hiện chủ trương đó, cần theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch ở các thị trường lớn, cùng bàn bạc, thống nhất, khi điều kiện cho phép sẽ chọn những địa bàn, thị trường thực sự an toàn. Bên cạnh đó, để hoạt động xúc tiến du lịch đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh, cần chọn trước một số điểm đến ở Việt Nam; Có quy trình chặt chẽ từ cho phép nhập cảnh đến vận chuyển đưa đón và phải quản lý du khách theo tour. Bên cạnh khai thác thị trường nội địa, du lịch Việt Nam cũng đẩy mạnh khai thác các thị trường gần có kết nối đường bay thuận tiện và đang có mức tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), ASEAN; Tập trung khai thác thị trường tiềm năng như Ấn Độ; Đồng thời tăng cường thu hút khách từ Bắc Mỹ, Tây Âu, Bắc Âu...

Việt Nam ngày càng khẳng định là điểm đến an toàn và hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

4. Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kích cầu du lịch Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Thứ nhất, giải pháp đối với Chính phủ: Chính phủ cần khẳng định hơn nữa vai trò trong việc kiểm soát dịch bệnh và tăng cường hiệu quả quản lý gắn với thông tin, tình hình tái Covid-19. Việc tồn tại các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam dẫn đến nguồn lây nhiễm dịch bệnh đa dạng. Do đó, chính phủ cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời hơn nữa để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây nhiễm dịch bệnh cũng như xử lý nghiêm trường hợp giấu bệnh. Trước tình hình tái dịch Covid-19, Chính phủ cần căn cứ vào thông tin và tình hình dịch bệnh để đề ra các giải pháp thiết thực trong công cuộc kích cầu du lịch ở giai đoạn sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chính sách thiết thực hỗ trợ phục hồi ngành du lịch: miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế, giảm tiền điện nước, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT... Để phục hồi mạnh mẽ hơn du lịch trong nước và quốc tế, cần hiểu rõ hơn sự phát triển của lĩnh vực này bằng cách thu thập dữ liệu có tần suất cao thông qua các khảo sát nhanh. Chính phủ cần đưa ra các phương án phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội tư nhân đánh giá tình hình tài chính của ngành du lịch. Đánh giá này cần xem xét sự khác biệt giữa các khu vực và đặc điểm của từng nhóm doanh nghiệp dịch vụ du lịch về quy mô, nội địa, quốc tế, công lập, tư nhân… để có thể hoạch định được những chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp.

Thứ hai, giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Các bộ ngành cần phối hợp, thống nhất để đưa ra những phương án tối ưu và phù hợp nhất trước sự biến động của dịch bệnh ở Việt Nam cũng như trên thế giới; Đồng bộ các chính sách giữa các bộ ngành, địa phương trong hoạt động kích cầu du lịch như: kéo dài một số kỳ nghỉ lễ; miễn, giảm các khoản thu, phí tham quan; tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch… Các cơ quan quản lý nhà nước cần chỉ đạo các doanh nghiệp có những chính sách, gói sản phẩm dịch vụ khuyến mại, giảm giá kích cầu du lịch năm 2020 đi liền với nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng các quy định hướng dẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, phong phú và đa dạng từ du lịch biển, sinh thái, khám phá, văn hóa, lịch sử, ẩm thực... Hình thành chuỗi sản phẩm du lịch nhằm tăng thêm giá trị cho du khách khi trải nghiệm du lịch cũng cần được chú trọng. Các cơ quan quản lý cần có sự đánh giá, thống kê để xác định các hỗ trợ để doanh nghiệp có thể cơ cấu lại danh mục vay nợ và giải quyết những khó khăn về thanh khoản, đồng thời đảm bảo việc làm cho người lao động, hạn chế tình trạng thất nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch quan tâm bảo đảm an toàn và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và trấn an tâm lý du khách thông qua tăng cường các biện pháp y tế, phân bố nguồn lực để đảm bảo vệ sinh cho dịch vụ vận tải, cung cấp giấy chứng nhận y tế… nhằm đảm bảo tâm lý an toàn cho du khách khi có những chuyến tham quan tại Việt Nam.

Thứ ba, giải pháp đối với các doanh nghiệp du lịch: Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch kích cầu du lịch. Các chương trình kích cầu không đơn thuần là giảm giá mà doanh nghiệp phải cam kết tăng chất lượng dịch vụ, làm mới chính những sản phẩm đang có; đầu tư sản phẩm mới và đón đầu xu thế du lịch an toàn - sức khoẻ, không bỏ qua bất kỳ đối tượng du khách nào. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nước, thu hút đầu tư cho hoạt động kích cầu du lịch. Các doanh nghiệp vẫn cần có kế hoạch giữ gìn nhân sự thông qua các hoạt động như đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới công tác quản lý trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0 và tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá đối với các thị trường du lịch trọng điểm gắn với chương trình kích cầu du lịch, nghiên cứu mở rộng các thị trường mới. Bên cạnh việc thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp cần chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ tài nguyên môi trường.

5. Kết luận

Du lịch được Đảng và Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với phát triển nền kinh tế Việt Nam. Đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, với những phân tích liên quan đến thực trạng du lịch và quản lý nhà nước về kích cầu du lịch hiện nay tại Việt Nam đã cho thấy công tác quản lý nhà nước về hoạt động kích cầu du lịch của Việt Nam đã được tăng cường và đạt những hiệu quả nhất định. Những giải pháp quan trọng hướng tới ba chủ thể Chính phủ, Cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp nhằm hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với kích cầu du lịch, góp phần phục hồi ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trước những diễn biến căng thẳng và phức tạp của đại dịch Covid-19. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Hồng Chương (2020), Tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 274 tháng 4/2020.

2. Trần Thọ Đạt và Tô Trung Thành (2020), Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.

3. Nguyễn Hải Hà (2018), Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn Hà Nội, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

4. Phạm Trương Hoàng, Trần Huy Đức, Ngô Đức Anh (2020), Tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch Việt Nam và những giải pháp ứng phó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 274 tháng 4/2020.

5. Học viện Hành chính quốc gia (2008), Giáo trình Quản lý học đại cương, NXB Khoa học và Kỹ thuật, tr.14.

6. Hồ Thiện Thông Minh, Nguyễn Hoàng Tiến (2020), Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất chính sách thúc đẩy đà tăng trưởng cho năm 2020, Đại học Quốc tế Sài Gòn.

7. Tổng Cục Thống kê (2020), Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020.

8. Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu COVID-19, Báo Đảng Cộng Sản, http://dangcongsan.vn/kinh-te/thoi-diem-vang-kich-cau-du-lich-hau-covid-19-556749.html

9. Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 11/CT-TTg: về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, ngày 04/03/2020.

10. Thúc đẩy du lịch nội địa, phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19, Báo Chính phủ, http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Thuc-day-du-lich-noi-dia-phuc-hoi-du-lich-quoc-te-hau-COVID19/396166.vgp


Sinh viên Nguyễn Thùy Dương, Lớp QH-2017E-Kinh tế