Vai trò là “động lực quan trọng” của kinh tế tư nhân Việt Nam lần đầu tiên được khẳng định bằng một nghị quyết có tính đột phá - Nghị quyết 10-NQ/TW (ngày 3/6/2017). Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết này, kinh tế tư nhân đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế: Khu vực kinh tế tư nhân chiếm hơn 40% GDP tạo công ăn việc làm cho hơn 80% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước. Tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục được Đảng và Nhà nước ghi nhận khi khu vực kinh tế này được đánh giá là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thập kỉ mới (2021-2030).
Không ít khó khăn
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 toàn cầu trong năm 2020. Hơn 100.000 doanh nghiệp báo cáo ngừng hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Vẫn còn tồn tại khoảng cách rất lớn từ việc xây dựng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với khu vực kinh tế tư nhân đến việc thực thi những chính sách này, khiến hiệu quả chính sách chỉ đạt mức thấp. Vấn đề “thực sự cởi trói” nền kinh tế tư nhân lại một lần nữa trở nên cấp bách trong bối cảnh đất nước đứng trước vận hội mới và thời cơ mới trong năm 2021.
Chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam (Doing Business Vietnam) do Ngân hàng Thế giới công bố thường niên đã không ngừng được cải thiện trong những năm gần đây. Năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 70 trong 190 nền kinh tế được khảo sát. Điều đó ghi nhận những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam khi đã tạo điều kiện dễ dàng hơn trong các hoạt động của doanh nghiệp như việc thành lập doanh nghiệp, xin giấy phép xây dựng, nộp thuế, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, vay vốn... Tuy nhiên, trong khu vực ASEAN, thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém xa các quốc gia phát triển hơn trong khu vực như Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 12), Thái Lan (thứ 21). Đây cũng chính là nhóm quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có mức thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao và trung bình cao - mức thu nhập bình quân đầu người mà nước ta đặt mục tiêu hướng tới trong vòng một thập kỷ tới.
Tuy thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện trong hầu hết các tiêu chí, nhưng thực tế môi trường kinh doanh chưa thực sự bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh đối với khu vực kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân nhìn chung, gặp rất nhiều rào cản tiếp cận nguồn lực và phải đối diện với nhiều chi phí phi chính thức trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, vốn, đất đai và hỗ trợ của Chính phủ (chính sách hỗ trợ thuế, công nghệ, nhân lực…), khả năng dự báo rủi ro còn hạn chế và năng lực cạnh tranh thấp. Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” đã chỉ ra các thiết chế và thể chế hiện tại của Việt Nam vẫn tạo ra những rào cản lớn cho các hoạt động tự chủ của khu vực kinh tế tư nhân. Trước một “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, các khu vực kinh tế khác, trong đó khu vực kinh tế tư nhân, theo một cách nào đó, vẫn chịu tư tưởng, quan điểm “bị trói buộc, cản trở”.
Tạo cơ chế bứt phá
Các chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ kinh tế tư nhân nên tập trung vào việc hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong một giai đoạn đủ dài, đủ lâu để giảm thiểu độ trễ trong việc thực thi các chính sách. Hoạt động hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp cần đi sâu vào từng khâu cụ thể, từ thủ tục hoàn, giảm thuế đến thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, hoạt động cập nhật thông tin thị trường. Đối với thể chế ngân hàng, cần đa dạng hóa các khoản vay, hỗ trợ vốn dài cho các dự án khởi nghiệp cá thể vừa và nhỏ. Từ đó, tôn trọng sự khác biệt trong tăng trưởng nhanh, sang tăng trưởng đa dạng nhưng bền vững.
Doanh nghiệp tư nhân lĩnh vực may mặc xuất khẩu đóng góp nhiều cho nền kinh tế
Ảnh: Như Ý Cần nhấn mạnh sự đồng hành của Chính phủ không nên chỉ với các tập đoàn kinh tế lớn mà trong giai đoạn hiện nay cần đặc biệt chú ý hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra khoảng 98% doanh nghiệp là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%. Trong khi Trung Quốc có hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hàn Quốc có hơn 99% tổng số doanh nghiệp loại này. Do đó, có thể nhìn nhận rằng, động lực của nền kinh tế tư nhân không chỉ xuất phát từ vai trò của các tập đoàn tư nhân lớn mà cần phải được thúc đẩy mãnh liệt từ các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ trong nền kinh tế.
Ngoài những chính sách “cứng” hỗ trợ hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp trong khu vực này cũng cần những chính sách để hỗ trợ các kỹ năng “mềm” của doanh nghiệp nhằm gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, ví dụ như: phát triển kỹ năng ngôn ngữ, đàm phán, cải thiện về mức độ gia nhập thị trường quốc tế, tăng cường hiểu biết văn hóa.
Khu vưc kinh tế tư nhân cũng cần được “cởi trói”, tạo điều kiện để tham gia chủ động hơn, hiệu quả hơn trong các dự án cung ứng dịch vụ công, thiết yếu của đất nước. Tuy nhiên, nhiều dự án trước đây theo dạng hợp tác công tư đã chuyển dần theo hướng đầu tư công. Có thể kể tới gần đây nhất, hai dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam (đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu) đã chuyển đổi hình thức từ đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước (?).
Hơn nữa, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cần được nhìn nhận dưới góc độ phát triển bền vững của khu vực này, đặc biệt là đối tượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cần có những chính sách giúp các doanh nghiệp này tìm được phân khúc thị trường phù hợp, tập khách hàng đặc thù để có thể duy trì sự phát triển trong dài hạn. Coi trọng thị trường nội địa cần được nhìn nhận là một giải pháp căn bản đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tầm quan trọng của thị trường nội địa đã được thể hiện và các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực kinh tế tư nhân có thể đẩy mạnh khai thác thị trường này thông qua việc xác định được phân khúc thị trường, các thị trường ngách. Việc hình thành một hệ sinh thái doanh nghiệp nhằm tăng kết nối các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân cũng cần được sớm triển khai.
Cuối cùng, việc phát triển dịch vụ công điện tử cần được Chính phủ đẩy mạnh, tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận dễ dàng, minh bạch, giảm bớt thủ tục, thời gian, chi phí và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi số trong mọi hoạt động quản lý, kinh doanh của mình.
Một khu vực kinh tế tư nhân hoạt động chủ động, chịu được sức cạnh tranh trên thị trường rất cần sự “cởi trói” và đồng hành xuyên suốt của cơ quan Nhà nước từ thiết kế chính sách đến thực thi. Có như vậy, trong tương lai không xa, cùng kinh tế nhà nước, kinh tế khu vực tư nhân mới có thể bứt phá, là động lực mạnh mẽ của nền kinh tế