Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 
Seminar khoa học “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam”

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm trong những năm qua. Khái niệm thể chế kinh tế thị trường đã được đề cập trong đại hội IX của Đảng và vẫn tiếp tục được hoàn thiện trong các kỳ đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII, XIII. Trong đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặc biệt nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu quan điểm của đại hội Đảng XIII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là vô cùng cần thiết. Với ý nghĩa đó, seminar khoa học của Khoa KTCT với chủ đề: Quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN đã diễn ra trên nền tảng trực tuyến Microsoft Teams vào sáng ngày 26 tháng 9 năm 2021 với sự tham gia của toàn thể các giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị và các nghiên cứu sinh, học viên cao học của Khoa. Seminar đã cung cấp nhiều điểm mới trong quan điểm của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN.


Mở đầu toạ đàm, PGS.TS. Trần Đức Hiệp đã phát biểu khai mạc buổi toạ đàm, theo đó, việc cập nhật những quan điểm mới của Đại hội Đảng lần thứ XIII vào thực tiễn nói chung, giảng dạy Kinh tế Chính trị Mác - Lênin nói riêng là vô cùng cần thiết.

Tiếp đến là sự trao đổi của PSG.TS. Phạm Văn Dũng về một số điểm mới trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về thể chế KTTT định hướng XHCN.

Để hiểu rõ vấn đề hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN, theo PGS.TS. Phạm Văn Dũng cần làm rõ khái niệm thể chế KTTT. Thể chế KTTT là tổng thể các bộ quy tắc, luật lệ và hệ thống các thực thể, tổ chức kinh tế được tạo lập nhằm điều chỉnh các hoạt động và các quan hệ kinh tế trên thị trường, phù hợp với trình độ phát triển của KTTT trong từng giai đoạn, nhằm thực hiện những mục tiêu xác định.

PGS.TS. Phạm Văn Dũng nhấn mạnh việc xây dựng thể chế KTTT là việc làm thường xuyên và lâu dài, thể chế KTTT phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của KTTT, không thể áp dụng một loại thể chế KTTT cho tất cả các giai đoạn ở tất cả các các nền kinh tế.

PGS.TS. Phạm Văn Dũng cũng chia sẻ những tư tưởng của Đại hội lần thứ XIII về hoàn thiện khái niệm thể chế KTTT định hướng XHCN. Theo đó, khái niệm về KTTT và sự cần thiết phải hoàn thiện thể chế KTTT đã được đề cập từ đại hội IX (2001) và được hoàn thiện thông qua các kỳ đại hội Đảng lần thứ X, XI, XII và XIII.


Seminar thu hút sự tham gia đông đủ của giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học

Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay là vô cùng cần thiết nhằm thực hiện được các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Toạ đàm cũng đưa ra những khuyến nghị vận dụng tư tưởng Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong giảng dạy nội dung “Hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN” trong học phần Kinh tế Chính trị Mác - Lênin. Theo đó cần phải có nhận thức đúng đắn về KTTT định hướng XHCN, thể chế KTTT định hướng XHCN; giảng viên và người học cần dành nhiều thời lượng hơn nữa cho nội dung này.

Về nội dung cần làm rõ 5 hạn chế trong thể chế KTTT định hướng XHCN đã được Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ ra ở văn kiện đại hội lần thứ XII và XIII. Việc hoàn thiện thể chế cần phải dựa trên 5 hạn chế này. Buổi toạ đàm có sự tham gia thảo luận sôi nổi từ phía các giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh của Khoa Kinh tế Chính trị.


Những chia sẻ tâm huyết của PGS. TS. Phạm Văn Dũng về một vấn đề cũ nhưng lại luôn mới

Các đại biểu cũng cho rằng khi nghiên cứu đến thể chế KTTT cần phải nhấn mạnh đến chức năng mở đường của thể chế, thể chế hoá các luật ngầm, biến các luật ngầm trở nên công khai và được kiểm soát bởi thể chế, bổ sung các thị trường mới đặc biệt là thị trường số và cần gắn liền thể chế KTTT ở Việt Nam với các thể chế quốc tế và khu vực trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng tình với quan điểm đó, PGS.TS. Phạm Văn Dũng cũng nhấn mạnh tới vai trò của lý luận trong định hướng, do vậy, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo lý luận đối với học viên, sinh viên từ đó nâng cao khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn. Tham gia thảo luận trong khuôn khổ của toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hoài chia sẻ về vai trò chủ đạo của nhà nước trong xác lập quyền sở hữu, trong hoàn thiện thể chế phân phối nhằm đảm bảo công bằng, bình đẳng cho các nhóm người trong xã hội, đặc biệt là nhóm người yếu thế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần những dự báo và có cơ chế kiểm soát những rủi ro có thể có trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.


Các giảng viên đã đặt nhiều câu hỏi và cùng thảo luận để chia sẻ về những nhận thức của bản thân

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài cũng chia sẻ thêm: Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường mở, bởi vậy đòi hỏi đặt ra là nhà nước cần tạo môi trường pháp lý, môi trường kinh tế minh bạch, hỗ trợ cho tất cả các chủ thể tham gia vào sân chơi kinh tế trong và ngoài nước.

TS. Hoàng Triều Hoa đặt ra vấn đề: Liệu các lĩnh vực y tế, giáo dục cũng vận hành theo cơ chế thị trường thì nhóm những người yếu thế có được tiếp cận công bằng các cơ hội giáo dục và y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19? Cơ chế thị trường đã và đang làm thay đổi tư duy của các ngành, các lĩnh vực theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Do vậy, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp cho các nhóm người trong xã hội hiệu quả hơn, cần có cơ chế phù hợp cho khối công lập đặc biệt là lĩnh vực y tế và giáo dục. Đây vẫn là vấn đề cần sự quan tâm nhiều hơn của Nhà nước.

TS. Lê Thị Hồng Điệp cũng chia sẻ thêm: Tư duy xây dựng KTTT định hướng XHCN đã hoàn thiện qua từng kỳ đại hội, đặc biệt Đại hội XIII nhấn mạnh đến vấn đề hoàn thiện thể chế KTT định hướng XHCN. Đây không chỉ là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị mà còn của toàn dân, trong đó có Nhà trường và Khoa Kinh tế Chính trị.

Qua buổi seminar, TS. Khúc Văn Quý chia sẻ những cảm nhận về chuỗi seminar của Khoa: Những kiến thức được chia sẻ rất bổ ích và có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động giảng dạy không chỉ học phần Kinh tế Chính trị Mác - Lênin mà có ý nghĩa trong giảng dạy cả những học phần khác. Chúng ta cần chú trọng nhiều hơn đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Nhà nước, các nhà khoa học cần có sự quan tâm đúng mức đối với hoạt động nghiên cứu khoa học của lĩnh vực này.

Hội thảo đã thu được nhiều giá trị khoa học và thành công tốt đẹp là cảm nhận và đánh giá chung của tất cả các đại biểu tham dự. Những trao đổi, thảo luận tại buổi seminar là nội dung cực kỳ hữu ích để các giảng viên, nghiên cứu sinh bổ sung, cập nhật vào bài giảng và các nghiên cứu của mình.



Phạm Thị Linh ( GV Khoa KTCT)