1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Hồng 2. Giới tính: Nữ
3. Ngày sinh: 03/10/1993 4. Nơi sinh: Thái Bình
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh số: 82/QĐ-ĐHKT ngày 14/01/2022 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo (nếu có): Không
7. Tên đề tài luận án: Kiểm soát rủi ro biến động giá nông sản xuất khẩu: Trường hợp cà phê Việt Nam
8. Chuyên ngành: Quản lý kinh tế 9. Mã số: 9310110
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hoài
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
Mục tiêu của luận án là nhận diện các nhân tố tác động đến rủi ro biến động giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam; đánh giá rủi ro biến động giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam; và phân tích các chính sách, biện pháp đã và đang áp dụng; từ đó đề xuất các giải pháp kiểm soát rủi ro biến động giá cho mặt hàng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Về đối tượng nghiên cứu, luận án tập trung nghiên cứu kiểm soát rủi ro biến động giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Luận án sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu: (1) Phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu; (2) Phương pháp thống kê mô tả; (3) Phương pháp thống kê so sánh; (4) Phương pháp định lượng sử dụng mô hình Véc tơ tự hồi quy (VAR), Mô hình đa biến phương sai sai số thay đổi có điều kiện tự hồi quy tổng quát - Tương quan động có điều kiện (DCC-MGARCH), và Mô hình tính toán giá trị rủi ro (Value at Risk - VaR) để xác định các nguồn gây ra rủi ro, so sánh rủi ro, và tính toán giá trị rủi ro tại các mức xác suất khác nhau.
Luận án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu, cụ thể: Căn cứ vào khung lý luận đã xây dựng, kết hợp với các phương pháp nghiên cứu khác nhau, sau sử dụng các dữ liệu chuỗi thời gian và mô hình VECM, luận án thấy được rằng các nguồn gốc gây ra rủi ro biến động giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam có thể bao gồm: Giá cà phê trên thị trường thế giới, giá cà phê của các đối thủ cạnh tranh chính, giá dầu, tỷ giá, giá cả của hàng hoá liên quan. Tiếp theo, luận án sử dụng mô hình DCC-GARCH và VaR để phân tích, đánh giá, và so sánh rủi ro biến động giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam với các chuỗi giá trên hai thị trường nhập khẩu lớn (Mỹ và EU) và hai đối thủ cạnh tranh chính (Brazil và Colombia). Kết quả cho thấy, mặc dù giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam biến động ít hơn các chuỗi giá cà phê khác nhưng lại có mức độ rủi ro hay mức độ thiệt hại tại các mức xác suất 1% và 5% cao hơn các chuỗi giá cà phê này. Đây là các căn cứ rất quan trọng để đánh giá hiệu quả của các giải pháp kiểm soát rủi ro. Cuối cùng, thông qua tổng hợp và phân tích các chính sách mà Nhà nước đã triển khai cũng như các giải pháp mà các doanh nghiệp và nông dân đã và đang áp dụng, luận án kết luận các chính sách và biện pháp này đã mang lại những kết quả nhất định nhưng vẫn còn một số hạn chế, làm giảm khả năng và hiệu quả kiểm soát rủi ro. Từ đó, luận án đã đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các tác nhân có thể kiểm soát tốt hơn các rủi ro biến động giá cà phê Việt Nam xuất khẩu.
Kết quả của luận án đã đóng góp cả về lý thuyết và thực tiễn.
- Về lý luận: Luận án đã đề xuất được một số khái niệm có liên quan, mở rộng cơ sở lý luận về kiểm soát rủi ro biến động giá nông sản xuất khẩu dựa trên cơ sở lý luận về kiểm soát rủi ro nói chung, từ đó đề xuất được nội dung kiểm soát rủi ro biến động giá nông sản xuất khẩu bao gồm: Nhận diện rủi ro; Đánh giá rủi ro; Xử lí, ứng phó, và giảm thiểu rủi ro.
- Về thực tiễn: Luận án đã phân tích sâu hơn về cơ chế truyền dẫn của các nhân tố ảnh hưởng lên rủi ro biến động giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam, vận dụng mô hình cảnh báo rủi ro để đo lường, đánh giá mức độ rủi ro biến động giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tại các mức xác suất khác nhau; từ đó đã đề xuất các giải pháp kiểm soát rủi ro biến động giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cho các bên liên quan trong thời gian tới.
Những phát hiện mới và các giải pháp của luận án sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị và hàm lượng khoa học cao giúp các chủ thể trong chuỗi giá trị cà phê nâng cao hiệu quả kiểm soát rủi ro biến động giá trong tương lai.
12. Các hướng nghiên cứu tiếp theo:
Từ các hạn chế của luận án, một số hướng nghiên cứu trong tương lai có thể được đề xuất như sau:
Thứ nhất, luận án đã làm rõ cơ chế truyền dẫn ảnh hưởng của các nhân tố đến biến động giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam, từ đó nhận diện các nguy cơ, đe doạ gây ra rủi ro biến động giá. Tuy nhiên, với đặc thù dữ liệu thu thập phải cùng là số liệu trung bình hàng tháng (đây là hạn chế của mô hình VAR – các biến phải cùng chu kỳ thu thập số liệu) nên một số yếu tố khác không đáp ứng được yêu cầu này đã bị loại bỏ ra khỏi mô hình nhận diện và đánh giá rủi ro. Do vậy, các nghiên cứu tiếp theo có thể sử dụng các mô hình nâng cao hơn, khắc phục được hạn chế mô hình VAR, và lựa chọn đưa thêm được các biến có giá trị vào mô hình giúp quá trình nhận diện rủi ro được đầy đủ, chính xác, và toàn diện hơn.
Thứ hai, các phương pháp định lượng được sử dụng trong luận án đã làm cho các đánh giá trở nên có căn cứ và chính xác hơn. Tuy nhiên, các mô hình này chỉ sử dụng các dữ liệu thứ cấp, do đó, mức độ phản ánh có phần khô khan và bỏ qua tác động của các yếu tố định tính khác. Vì vậy, các nghiên cứu tiếp theo có thể sử dụng kết hợp các phương pháp định lượng này với các phương pháp nghiên cứu khác như: Phỏng vấn chuyên gia, Delphi, điều tra sơ cấp, … để đảm bảo việc nhận diện, đánh giá, phân tích các giải pháp kiểm soát rủi ro được đa chiều và sát thực tế hơn.
Thứ ba, trong phạm vi hiểu biết của tác giả, luận án này là công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu, toàn diện đầu tiên về kiểm soát rủi ro biến động giá nông sản xuất khẩu dưới góc độ quản lý nhà nước, với đa dạng chủ thể (Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân). Tuy vậy, luận án mới chỉ tập trung nghiên cứu một mặt hàng nông sản xuất khẩu cụ thể là cà phê xuất khẩu của Việt Nam, một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực trong nền kinh tế quốc gia. Ngoài cà phê, việc kiểm soát rủi ro biến động giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam cũng rất cần được quan tâm nghiên cứu. Do vậy, các nghiên cứu trong tương lai có thể sử dụng luận án này làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp kiểm soát rủi ro có hiệu quả đối với các mặt hàng xuất khẩu tương tự.
13. Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án:
STT | Các công trình đã công bố có liên quan đến luận án |
---|
1 | Hoai, N., Tuyen, D., Nhien, N., & Hong, N. (2023). The fluctuation linkages and price volatility risk on agricultural commodity market: Evidence from Vietnamese coffee. Uncertain Supply Chain Management, 11(4), 1735-1744. |
2 | Nguyen, T., Tuyen, D. T., Trung, N. N., & Cuong, T. (2023). Analysing costs and margins of smallholder farmers in the coffee value chain: M4P approach. International Journal of Economics and Business Research, 26(3), 325-353. |
3 | Đặng Trung Tuyến, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Thu Hoài (2023). Đánh giá mối quan hệ giữa hai hàng hóa nông nghiệp chủ yếu của tỉnh Đắk Lắk: Bằng chứng từ cà phê và hồ tiêu. Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh, Tập 3, Số 1, 2023, 81-91. |
Xem thêm thông tin luận án tại đây ./.