Trang tin tức sự kiện
 Search
Website link

Phân tích hành vi của người sản xuất: Trường hợp của các nông hộ sản xuất chè hữu cơ ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về sản lượng chè. Ngành chè đứng thứ 7 trong số 20 ngành xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam và chiếm khoảng 210 triệu USD tổng giá trị xuất khẩu năm 2018. Cây chè không chỉ là loại cây công nghiệp chính đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp nước ta, mà còn mang lại những lợi thế nhất định, đặc biệt là giúp chống xói mòn và rửa trôi đất. Do đó, những kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả TS. Tô Thế Nguyên, ThS. Nguyễn Anh Tuấn, TS. Đỗ Trường Lâm (đồng chủ biên) về phân tích hành vi của các hộ sản xuất chè hữu cơ ở Việt Nam góp phần đưa ra các giải pháp tái cơ cấu ngành chè theo hướng sản xuất chè hữu cơ.

Chủ biên: TS. Tô Thế Nguyên, ThS. Nguyễn Anh Tuấn, TS. Đỗ Trường Lâm

Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội

Khổ sách: 16 x 24 cm

Loại bìa: Bìa mềm

Thời gian xuất bản: Năm 2021

Số trang: 100 trang

ISBN: 978-604-324-757-2

Với cái nhìn tổng quan về tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam giai đoạn 1961-2018, nhóm tác giả chỉ ra sản lượng chè xuất khẩu có xu hướng tăng, tuy nhiên lượng chè giảm đáng kể trong giai đoạn 2013-2016 dù giá chè xuất khẩu tăng nhẹ. Sử dụng mô hình tuyến tính chuỗi thời gian để ước tính mối quan hệ giữa lượng chè xuất khẩu và các yếu tố quyết định, kết quả cho thấy: tổng sản lượng trong nước, diện tích sản xuất, giá xuất khẩu và năng suất có tác động tích cực đến sản lượng chè xuất khẩu, trong khi sản lượng chè thế giới có tác động tiêu cực đáng kể. Do các quốc gia khác tăng cường xuất khẩu chè với chất lượng cao hơn chất lượng chè Việt Nam nên sản lượng chè xuất khẩu đã phải đối mặt với sự sụt giảm. Vì vậy, để ngành chè nước ta phát triển bền vững, cần có các chính sách hỗ trợ như đầu tư vào chế biến chè chuyên sâu, chú trọng hoạt động sau thu hoạch, phát triển chè hữu cơ có giá trị cao, tiếp tục tích tụ ruộng đất để hỗ trợ tăng diện tích chè và duy trì năng suất chè ở mức cao bằng những giống chè mới. Đặc biệt trong bối cảnh thực trạng sản xuất chè khá hiệu quả, có tiềm năng rất lớn để hiệu quả kinh tế, nhóm tác giả nhấn mạnh cần chú trọng vào chính sách khuyến nông. Đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chè nói riêng.

Gần đây, các nghiên cứu liên quan đến hành vi của nông hộ ngày càng được chú ý, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, trên cơ sở áp dụng mô hình logit đa thức (MNL) và xem xét các yếu tố quyết định đến sự lựa chọn của nông hộ đối với các giống chè khác nhau, nhóm tác giả đã đưa ra những đánh giá về các yếu tố quyết định việc lựa chọn và sử dụng các giống chè khác nhau của các nông hộ sản xuất chè. Hiện các nông hộ đang có xu hướng chuyển dần từ canh tác truyền thống sang canh tác chè hữu cơ vì canh tác chè hữu cơ có nhiều thuận lợi hơn so với chè thường như giá bán cao hơn, lợi nhuận cao hơn, chi phí thấp hơn, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc hóa học nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, canh tác chè hữu cơ gặp nhiều khó khăn hơn canh tác chè thường như khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ chè nguyên liệu hơn so với canh tác chè thường. Việc quyết định chuyển đổi từ canh tác chè thường sang canh tác chè hữu cơ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như diện tích canh tác chè, tài sản (máy đốn tỉa chè, điện thoại di động), số lao động gia đình, và nhận được sự hỗ trợ chuyển đổi từ canh tác chè thường sang canh tác chè hữu cơ.

Dựa trên kết quả phân tích, tác giả đã có một số đề xuất như sau:

(1) Do diện tích trồng chè lớn thì hộ có xu hướng chuyển một phần hoặc toàn bộ sang canh tác hữu cơ. Do vậy, chính quyền các cấp cần phải tiếp tục chính sách như dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất chè hữu cơ để phục vụ nhu cầu của người dân muốn chuyển từ canh tác chè thường sang canh tác chè hữu cơ.

(2) Canh tác chè hữu cơ cần sự hỗ trợ về kỹ thuật và các hỗ trợ khác cao hơn canh tác chè thường. Do vậy, để mở rộng diện tích chè hữu cơ thì cần phải tiếp tục các chính sách hỗ trợ như tập huấn, hỗ trợ đầu vào và hỗ trợ đàu ra.

(3) Canh tác chè hữu cơ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và trong tiêu thụ hơn chè thường. Do vậy, cần có một số hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ chè hữu cơ như hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu.



FullName Email
Address Security code PYTRQT
Content