Trang tuyển sinh
 Search

"Big 4" - chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế và những mẩu chuyện

Trở thành giảng viên sau khi có gần 12 năm làm việc tại các công ty kiểm toán - tư vấn Big4, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và tập đoàn kinh tế lớn, thầy Nguyễn Nam Trung “TNT” - Thạc sĩ, Giảng viên Khoa Kế toán Kiểm toán, trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có những chia sẻ thú vị về hành trình nghề nghiệp của mình qua những mẩu chuyện ngắn dưới đây.

 

Tuổi trẻ bồng bột và chuyện "thích ngủ hơn thích học”

Khi còn là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường (một trường ĐH có tiếng tại Hà Nội), giống như bao nhiêu bạn  sinh viên khác, tôi cũng chưa biết rõ định hướng tương lai của mình như thế nào, không biết ra trường sẽ làm công việc gì, ngành nghề nào, lương được bao nhiêu, phát triển bản thân ra sao. Một số anh chị đi trước thì khuyên tôi hãy tìm công việc nào mà mình có thế mạnh hoặc mình giỏi. Sau khi tự vấn “lương tâm”, tôi kết luận rằng việc giỏi nhất của mình là …"ngủ nướng"!

Tôi không chỉ giỏi ngủ mà còn rất thích ngủ, đặc biệt là ngủ trong lớp vì ngủ trong lớp không chỉ có “lời ru đều đều” trên bục giảng giúp dễ đi vào “giấc nồng” hơn mà sau khi dậy lại có bạn bè để chơi và nói chuyện cùng. Thông thường, nếu học trên lớp 5 tiết, tôi sẽ dành hẳn 4 tiết để ngủ và nửa tiết để dậy, nghỉ ngơi và lấy sức … ngủ tiếp!

 Khi lên đại học, bỗng thấy mình đồng cảm với Nobita!

Tuy nhiên, khi thấy bạn bè xung quanh đều có các công việc part-time hoặc full-time để gia tăng thu nhập và tích lũy kinh nghiệm, tôi cũng quyết định “đu theo trend” để không thua bạn kém bè. Vào một ngày đẹp trời nọ của quãng đời sinh viên năm thứ 3, khi vô tình lướt web tìm kiếm cơ hội thực tập, tôi đã tình cờ tìm thấy cơ hội trở thành thực tập sinh tại Deloitte, một trong bốn công ty kiểm toán Big4 danh giá. Ngay lập tức,  tôi rất nhanh chóng gửi hồ sơ của mình để ứng tuyển với một suy nghĩ rất đơn giản rằng: Deloitte  cách nhà tôi chỉ đúng …“một cái sang đường” và dĩ nhiên nếu làm xong việc thì buổi trưa tôi lại  có thể về nhà để … ngủ!  

 “Daymare” nghiệp vụ và sức mạnh của niềm tin

Một tháng kể từ sau khi  nộp đơn làm thực tập sinh tại Deloitte, cuối cùng tôi cũng bước vào vòng thi đầu tiên và cũng là lần đầu tiên đối mặt với cơn “daymare” (day + nightmare  ác mộng ban ngày) mà tôi không thể ngờ là đã ám ảnh tôi trong suốt nhiều tháng tiếp theo có tên gọi là nghiệp vụ. Bước chân vào hội trường thi tại Học viện Ngân hàng, nơi có sức chứa đến 300 thí sinh, cảm giác hồi hộp như thi Đại học đã nhanh chóng qua đi và thay vào đó là cảm giác …“bó tay"!

Phần thi của Deloitte được thiết kế khá chuyên nghiệp gồm 2 phần: tiếng Anh và nghiệp vụ để đánh giá năng lực ứng viên. Tôi không gặp khó khăn lắm với phần thi tiếng Anh nhưng khi mở đề thi phần nghiệp vụ, cuối cùng tôi đã hiểu được ý nghĩa của câu nói: “Kế toán là ngôn ngữ của kinh doanh”. Bởi lẽ với một người chưa học một môn kế toán nào như tôi hay còn gọi là “mù ngôn ngữ chuyên ngành” thì mớ thuật ngữ như “account receivable”, “trade payable” hay “credit terms” với tôi là những thứ gì đó quá xa vời và cơ hội đến với Big4 của tôi tưởng như đã bước vào “ngõ cụt”!

 Khi bạn mù môn “ngoại ngữ kinh doanh” thì bạn phải cần phải có may mắn.

Khó không có nghĩa là không thể!

“Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Câu  nói của nhà văn Nguyễn Khải bỗng dưng trở nên đúng một cách kỳ lạ với tôi - một kẻ thường xuyên đối mặt với ranh giới “qua môn - thi lại – học lại” không biết bao nhiêu lần. Với thứ sức mạnh kì lạ từ kinh nghiệm không biết bao nhiêu lần thi “bằng niềm tin”  cộng với các kỹ thuật  và “gia cát dự” thì dĩ nhiên tôi vẫn hiên ngang bước ra khỏi phòng thi trước ánh mắt trầm trồ của các ứng viên còn lại.

Dĩ nhiên, ngoài việc phó thác hết kết quả thi cử cho thần may mắn thì tôi cũng không trông đợi gì nhiều. Sau khi bất khuất bước ra khỏi phòng thi, việc đầu tiên tôi làm đó là trở về nhà với chiếc giường thân yêu và làm công việc mà mình đam mê nhất, đó là ... “ngủ,” để thưởng cho mình sau những “vất vả” của kì thi mà tôi coi như là thi “Đại học lần thứ 2”. Có  hai cách để đạt được mục tiêu và tất nhiên cách dễ dàng hơn trong  hai cách đó là đi ngủ và mơ thấy nó và biết đâu tôi sẽ có thể được làm việc tại Deloitte trong giấc mơ đẹp nào đó.

Vài  tuần sau cuộc thi, khi tôi đã quay trở lại với nhịp học hành – thi cử bình thường và đã chỉ nhớ đến việc đi thi vào Deloitte như một kỷ niệm đẹp thì tôi nhận được email từ  bộ phận nhân sự của Deloitte thông báo kết quả thi vòng 1. “Thời tới cản không kịp”  hay “ vận may rơi trúng đầu”, có lẽ số phận đã lựa chọn giúp tôi con đường phải đi khi kết quả là tôi đứng đầu danh sách những người vượt qua vòng kiểm tra, và dĩ nhiên là … từ dưới lên!

Vụng “drama”(chèo) thì phải khéo “drum”(trống)

Với sự may mắn từ trên trời rơi xuống, tôi đã nhận được lời mời tham gia vòng phỏng vấn tiếp theo từ Deloitte. Đến giờ G, tôi cố gắng sắm cho mình bộ cánh chuyên nghiệp nhất để tham dự phỏng vấn  với một tâm trí thoải máiTôi cũng chỉ xác định đi phỏng vấn để có thêm kinh nghiệm và biết thêm những yêu cầu của nhà tuyển dụng để sau đó có thể hoàn thiện mình hơn vì tôi biết việc mình đang là sinh viên năm thứ 3 không học chuyên ngành kế - kiểm rất khó, để cạnh tranh với sinh viên năm thứ 4 học đúng chuyên ngành – mission impossible. 

Với tinh thần “cọ sát giao lưu, học hỏi kinh nghiệm là chính”, tôi đã nghĩ rằng ít ra tôi cũng phải trả lời được một vài câu hỏi từ hội đồng tuyển dụng nhưng thực tế là tôi đã … nhầm to! Cơn “daymare” lại tiếp tục “hành hạ” tôi khi các anh,/chị trong hội đồng tuyển dụng liên tục đặt các câu hỏi về nghiệp vụ như: “Có mấy loại báo cáo tài chính”, “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ khác gì bảng cân đối kế toán hay báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh”, “Khi nào phải trích lập dự phòng khoản phải thu và trích lập như thế nào”, v.v. Và lẽ dĩ nhiên, tôi không có hành động nào ngoài việc … giả vờ chăm chú nghe các bạn khác trả lời, gật đầu và mỉm cười duyên!

 Có những câu nói trở thành “trúng tủ”! Khi bạn vụng chèo (drama) thì bạn phải khéo trống (drum)!

Khi cuộc phỏng vấn đi về hồi cuối, xác định rằng mình chắc chắn sẽ không được chọn khi không thể hiện được gì vì chỉ cười là chính, tôi vội vàng  đi về vì hôm đó đang có trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Nhưng chắc có lẽ trông tôi tội nghiệp quá chăng, nên anh,/chị phỏng vấn có hỏi trực tiếp tôi một câu thể hiện sự quan tâm tới tôi: “Tại sao em không có kiến thức về nghiệp vụ nhưng vẫn apply vào Deloitte?”Không hiểu sao “một phút huy hoàng” của tôi chợt đến, tôi,  bật ra câu trả lời mà đến bây giờ vẫn không thể tin được rằng là mình có thể trả lời như vậy: “Em tin rằng Deloitte là môi trường phát triển bản thân rất tốt (trước đó, chị rphụ trách nhân sự vừa kể về môi trường làm việc, học tập và phát triển của Deloitte, nên tôi phải bám vào khen ngay), nên em muốn bắt đầu từ con số 0 tại Deloitte và hy vọng có một ngày mình sẽ từ “zero” trở thành “hero”!”

“Thời tới thì cản cũng không kịp” hay “vận may rơi trúng đầu”, chắc các bạn cũng có thể đoán được kết quả của vòng phỏng vấn. Tôi đã được Deloitte offer trở thành 1 trong 30 thực tập sinh trong tổng số ngót nghét 1000 hồ sơ ứng tuyển cho vị trí này. Không chỉ vậy, tôi còn là sinh viên năm thứ 3 duy nhất trong số 30 ứng viên  được lựa chọn.  

Theo học ACCA để hoàn thiện những kỹ năng còn thiếu của bản thân 

Khoác trên mình chiếc balo có logo Deloitte với niềm tự hào lớn, tôi đã trở thành thực tập sinh tại Deloitte, một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới. Nhưng niềm tự hào đó nhanh chóng được thay thế bằng sự xấu hổ và nguồn cơn  vẫn đến từ cơn “daymare” nghiệp vụ.  Một tuần đào tạo nghiệp vụ đối với tôi thực sự là dài như  một thế kỉ khi không chỉ không hiểu các khái niệm, về nghiệp vụ kế toán mà còn cả của … kiểm toán nữa.

Thế nhưng, “thua thầy một vạn không bằng thua bạn một li”, khi các đồng nghiệp thực tập sinh của tôi đều hiểu rất rõ những kiến thức, kỹ năng được đào tạo và một số đồng nghiệp này thậm chí còn không đến từ các trường đào tạo chuyên ngành về kinh tế. Và người xuất sắc nhất trong số này lại đến từ … cùng trường với tôi. Thăm hỏi bí quyết của anh, tôi đã biết đến chương trình Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) và quyết định bỏ tiền đi học để không thua bạn kém bè.

Hoàn thành 2 môn học đầu tiên trong chương trình “ Financial Accounting và Management Accounting” với điểm số khá cao, tôi đã nghĩ: “À tưởng ACCA thế nào, “chuyện nhỏ như con thỏ” thế mà mọi người cứ bảo rằng ACCA khó”. Tuy nhiên, khi học đến các môn sau, tôi mới thấy rằng mình đã … nhầm.

 ACCA tưởng không khó mà khó không tưởng!

Hai môn học đầu tiên của ACCA hóa ra chỉ là “chim mồi” để những sinh viên“nhẹ dạ cả tin” và “ngây thơ” như tôi bước chân vào con đường chuyên nghiệp. Nhưng sau đó, tôi phải đối mặt với một loạt các môn học khó hơn, dài hơn, phức tạp hơn đặc biệt là đối với những người chưa có kinh nghiệm đi làm thực tế như tôi. Thách thức của việc học ACCA còn đến từ việc phải cân đối thời gian trong khi áp lực từ công việc là rất lớn (lúc này tôi đã bắt đầu đi làm với vị trí kiểm toán viên tại KPMG, với lịch công tác kín mít, bố mẹ không còn nhớ mặt) và chưa kể đến áp lực từ chuyện tình cảm khi tôi không có thời gian cho chính bạn gái của mình. Trong thời gian này, tôi nhớ rằng mình đã phải từ chối rất nhiều cuộc tụ tập, chơi bời từ bạn bè, thậm chí là đi chơi với bạn gái vào cuối tuần chỉ vì … bận học ACCA trong tâm trạng "rối bời?”. Tên viết tắt của chương trình ACCA mà tôi theo học cũng hay bị mọi người gọi đùa là “Anh chán chưa anh?”

 Phía bên kia bức tường và thay cho lời kết

Vất vả, áp lực là thế, chắc chắn sẽ có bạn đặt ra câu hỏi: “Đánh đổi như vậy để có ACCA rồi thì sao?” Nhìn lại chặng đường đã đi, tôi thầm cảm thấy may mắn vì mình đã chọn lựa con đường này. Trên con đường đó, tôi đã có cơ hội vượt qua những thách thức, trở ngại để vững vàng, trưởng thành hơn về nghề nghiệp và phát triển bản thân. “ACCA"cũng như một tấm “hộ chiếu” mở ra cơ hội tiếp cận những cơ hội nghề nghiệp mới cho tôi. Chưa bao giờ, tôi nghĩ rằng mình có thể làm được nhiều công việc đến thế, từ kế toán, kiểm toán, quản trị rủi ro, tuân thủ - pháp chế, thậm chí là giảng viên ở nhiều môi trường làm việc khác nhau như Big4, công ty FDI, các tập đoàn lớn tại Việt Nam, v.v.

 Một thời tuổi trẻ tự hào vì đã hoàn thành ACCA sau những gian nan, vất vả và

mang theo hy vọng một ngày cất cánh vươn xa (tác giả đứng giữa)

Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất , mà  “ACCA” đã mang lại cho tôi đó là cơ hội được gặp những con người vô cùng tuyệt vời. Đó là những người đầy đam mê, nhiệt huyết. Đó có thể là những anh chị đi trước dù đã đạt mọi thành công trong cuộc sống những vẫn miệt mài học hỏi, giàu năng lượng tích cực chia sẻ đam mê, gieo “hạt giống” cho thế hệ  sau. Đó cũng có thể là những bạn trẻ tài năng, luôn cố gắng vươn lên bất chấp mọi khó khăn, thách thức. Được giao lưu, được học hỏi, được chia sẻ với những con người tuyệt vời như vậy đã làm cho hành trình của tôi trở nên cảm xúc hơn, có động lực hơn và có ý nghĩa hơn.

Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với các bạn sinh viên rằng:

1. Thời sinh viên ai cũng ham chơi, ham ngủ nhưng cũng nên bước chân ra ngoài thế giới để đi tìm đam mê (miễn là đừng phát hiện đam mê là ăn chơi ngủ hoặc hưởng thụ là được). “Find your passion!”

2. Nếu chưa biết bắt đầu như thế nào để theo đuổi đam mê, hãy cứ bước đi và đừng lo  mình sẽ lạc đường. Hãy để trí tò mò rộng lớn và trái tim yêu thương của bạn dẫn dắt. “When there is a will, there is a way!”

3. Đam mê không phải là thích vì bạn có thể thích nhiều thứ và ngày mai bạn hết thích thứ đó. Trên con đường theo đuổi đam mê, bạn có thể thử các công việc, học các kiến thức khác nhau, nhưng trên con đường đó, chắc chắn sẽ không thiếu những khó khăn, thử thách dành cho bạn. Nhưng sau những khó khăn, thách thức, trải qua những tổn thương, thất bại mà bạn vẫn yêu thích và kiên trì muốn làm công việc đó, thì chúc mừng bạn, đó chính là đam mê.

“The brick walls are there for a reason. The brick walls are not there to keep us out. The brick walls are there to give us a chance to show how badly we want something. Because the brick walls are there to stop the people who don’t want it badly enough. They’re there to stop the other people.” - Randy Pausch.

4. Đam mê như một1 cái cây và “cái cây” cũng cần môi trường để nuôi dưỡng nó, để có thể phát triển. Nếu bạn không chăm sóc tưới tắm “cái cây” này hàng ngày thì sớm muộn nó cũng sẽ “’đi vào lòng đất”. Chính vì thế, hãy dành sự quan tâm của bạn tới đam mê của mình mỗi ngày. Đó có thể chỉ là đọc một chương sách về chủ đề bạn quan tâm, dành thời gian nghiên cứu – suy ngẫm về nó hay nói chuyện – lắng nghe một ai đó có cùng đam mê.  “You don't just find your passion. You grow it.” - Jessica Abe.

 


 


Nguyễn Nam Trung (Khoa Kế toán Kiểm toán - UEB)

FullName Email
Address Security code EQZJHR
Content