Khoa Tài chính - Ngân hàng
 Search

“Tăng lãi suất huy động không phải xu hướng chung”

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Bùi Quốc Dũng, việc tăng lãi suất huy động gần đây tại các ngân hàng thương mại (NHTM) không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết. Trên thực tế, cũng có nhiều ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động.

PV: Ông nghĩ sao về việc một số NHTM đột ngột tăng mạnh lãi suất huy động VND trong thời gian gần đây?

Ông Bùi Quốc Dũng: Thống kê của NHNN cho thấy, 2 tháng đầu năm 2016 có 15 TCTD tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1 - 0,2%/năm, trong khi có 6 TCTD lại giảm, bình quân từ 0,1 - 0,3%/năm. Vì vậy, mức lãi suất huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5 - 5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5 - 7,2%/năm. Kết quả đó cho thấy, việc tăng lãi suất huy động không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết. Về cơ bản, việc tăng lãi suất của các ngân hàng này không phải xu hướng chung của toàn thị trường vì trên thực tế, cũng có nhiều ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động.

PV: Việc một số ít NHTM đẩy lãi suất huy động trung dài hạn đến mức trên 8%/năm phản ánh điều gì, thưa ông?

Ông Bùi Quốc Dũng: Việc xuất hiện một số món gửi ở mức 8%/năm gần như chỉ để gây chú ý và quảng bá. Ngoài ra, qua phân tích chỉ số chi phí vốn/thu nhập, hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD từ đầu năm đến nay không thay đổi. Như vậy, mặt bằng lãi suất không tác động đến chỉ số này. Nhiều người nói, lãi suất huy động và cho vay tăng nhưng quan trọng là yếu tố “net” ở giữa ổn định thì chẳng có lý do gì để nói lãi suất tăng. Có chăng, chỉ là sự chuyển dịch mặt bằng lãi suất giữa các kỳ hạn mà thôi.

PV: Vậy lý do sâu xa của việc tăng lãi suất huy động gần đây là gì, thưa ông?

Như phân tích trên thì NHNN chưa thấy các yếu tố thanh khoản và lợi nhuận biên ròng đột biến để gây áp lực lên lãi suất. Thay vào đó, khi cầu tín dụng tăng hầu hết đều xuất hiện tâm lý dự trữ nguồn vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Hoạt động quản lý ở đây là ngoài việc kiểm soát thanh khoản để hỗ trợ kịp thời qua thanh kiểm tra (nếu có), yêu cầu TCTD thực hiện nghiêm trần lãi suất, NHNN còn triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành bơm hút nhịp nhàng để ổn định thị trường. Ngoài ra, NHNN cũng điều tiết lãi suất thị trường 2 (liên ngân hàng) hợp lý để đóng vai trò neo giữ thanh khoản cho các TCTD.

PV: Hiện tượng tăng lãi suất huy động VND không chỉ ở các kỳ hạn dài mà còn áp dụng cho các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng xuất hiện ở một số NHTM, thậm chí có nơi còn trả khoản chênh lãi suất cho khách gửi USD. NHNN có ý kiến gì về việc làm trái qui định này?

Ông Bùi Quốc Dũng: Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2016, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm gần 4%, còn tín dụng ngoại tệ giảm 5,6% so với cuối năm 2015. Như vậy xét trên yếu tố thanh khoản ngoại tệ, các ngân hàng hiện nay không có áp lực vượt trần lãi suất huy động USD bằng mọi giá. Thời gian qua, để đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD và ổn định thị trường tiền tệ, ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN đã ban hành Công văn số 297/NHNN-TTGSNH ngày 19/1/2016 và Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 23/2/2016, trong đó, yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất huy động, không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn...

Do vậy, nếu phát hiện các TCTD có hành vi vi phạm về vượt trần lãi suất huy động VND và USD, NHNN sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, NHNN đề nghị các cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân nếu nắm bắt được các trường hợp vi phạm thì chủ động cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, NHNN khẳng định sẽ kiểm tra, xác minh và xử lý theo thẩm quyền.

PV: Trước diễn biến tăng lãi suất huy động nói trên thì đã xuất hiện tâm lý lo ngại về mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh là khó thực hiện. Vậy quan điểm của ông như thế nào?

Ông Bùi Quốc Dũng: Sở dĩ thị trường xuất hiện tâm lý dự phòng bởi những yếu tố vĩ mô như: lạm phát năm nay dự kiến 3%-4%, trong khi năm 2015 lạm phát là 0,6%, như vậy kỳ vọng lạm phát cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng thực 6,68 của năm 2015. Quan sát 5 năm gần đây, GDP năm sau luôn cao hơn năm trước, điều này sẽ dồn tích thêm nhu cầu vốn.

Trong khi cầu vốn tăng nhưng tiền nhàn rỗi (tiết kiệm) giảm. Năm 2015, số tuyệt đối giữa huy động và cho vay đề cân bằng nhưng tốc độ tăng trưởng của tín dụng lớn hơn tốc độ tăng trưởng huy động (trên 17% so với trên 14%).

Ngoài ra, yếu tố lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng tác động khá mạnh lên mặt bằng lãi suất. Ngân sách năm 2016 tiếp tục khó khăn do giá dầu thô giảm (khoảng 50% so với dự toán) nên nhu cầu huy động trái phiếu để bù đặp bội chi tiếp tục lớn ở mức 220 nghìn tỷ đồng, cao hơn 2015. Yếu tố này sẽ tác động lên lợi suất trái phiếu Chính phủ và tác động dây chuyền tới lãi suất trung dài hạn.

Ba yếu tố nói trên sẽ tác động yếu tố tâm lý, khiến các TCTD tăng dự trữ nguồn. Mặc dù hiện tại chưa có gì căng thẳng nhưng chúng lại nuôi dưỡng kỳ vọng của các TCTD, tạo nên phản ứng của thị trường như đã thấy.

Qua thống kê cho thấy, mức lãi suất huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5 - 5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5 - 7,2%/năm.

Ngoài ra, xét về cân đối chi phí vốn và thu nhập thì hệ số lợi nhuận biên ròng của các TCTD vẫn ổn định từ đầu năm đến nay. Đây là những điều kiện hỗ trợ, giúp cho mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD tiếp tục ổn định và chưa có sức ép tăng. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, lãi cho vay kỳ hạn ngắn phổ biến 6 - 9%/năm, trung và dài hạn 9 - 12%/năm. Phân khúc khách hàng tốt, các TCTD áp dụng 5 - 6%/năm. Tính bình quân lãi suất cho vay là 8,85%/năm, ổn định so với cuối năm 2015 và giảm đáng kể so với mức bình quân 10,3%/năm của năm 2014, 12%/năm của năm 2013 và 15%/năm của năm 2012..

Ở góc độ điều hành, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các TCTD có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế. NHNN cũng sẽ điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường 1 (thị trường các ngân hàng thương mại huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân), đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các TCTD nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, cùng mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi.


Theo http://www.sbv.gov.vn

FullName Email
Address Security code RBTCIJ
Content