Khoa Kinh tế Phát triển (VN)
 Search

Tiền bạc mua được hạnh phúc bằng cách nào?

Trong các lý thuyết đạo đức, điều bị “kết tội” không phải là tiền bạc, mà là tình yêu tiền bạc quá lớn. Làm việc chăm chỉ để có cuộc sống sung túc thì không có gì là xấu, nhưng tham lam, ích kỷ mới là xấu.Nếu bạn muốn “mua” một chút hạnh phúc hôm nay, hãy chi tiền của bạn cho thứ gì đó mà một người khác đang cần.

Các nhà nghiên cứu ở trường Kinh doanh thuộc ĐH Harvard và ĐH British Columbia đang “thách thức” quan điểm cũ kỹ là tiền bạc không thể mua được hạnh phúc. Ít nhất, họ đang thách thức chúng ta nghĩ về việc mình nên sử dụng tiền bạc thế nào, và việc sử dụng tiền bạc vì những mục đích không-vị-kỷ có thể liên quan đến niềm vui, hạnh phúc cá nhân của mỗi người ra sao.

Tất nhiên, chẳng có gì hấp dẫn hay thú vị về chuyện sống nghèo khổ cả. Cả các tài liệu tôn giáo lẫn suy nghĩ phổ thông hầu hết đều cho rằng sự nghèo khổ quá mức sẽ khiến con người có tư tưởng ghen tỵ, thậm chí là trộm cắp và bạo lực. Nên cũng có một nghiên cứu tương đối lớn nói rằng con người trở nên hạnh phúc hơn khi họ được “nâng cấp” từ mức rất-nghèo lên mức trung-lưu-thấp. Tất cả chúng ta đều sẽ hài lòng hơn với một cuộc sống được đáp ứng đủ những nhu cầu căn bản tối thiểu, cho phép chúng ta có đủ cái ăn và chăm lo cho con cái học hành, và giải thoát chúng ta khỏi những lo lắng liên miên về quần áo mặc và một chỗ để ở.

Cũng nghiên cứu ấy nói rằng khi con người vượt qua ranh giới nghèo khổ, thì tác động vào mức độ hạnh phúc sẽ rất gần với mức ảo. Ví dụ, một người đang kiếm được 45.000 đôla/năm, nay được tăng lương lên mức 100.000 đôla/năm thì mức lương đó cũng sẽ không khiến cô ấy/anh ấy khỏe mạnh hơn, dễ chịu hơn với mọi người xung quanh, yêu chồng/vợ mình hơn… Bởi vì, ở phạm vi này, thì việc tăng tiền bạc thực tế lại thường đi cùng gánh nặng stress.

Chính là ở đây, chúng ta thấy một trong những nghịch lý lớn nhất của cuộc sống hiện đại: Những người dành rất nhiều thời gian để theo đuổi những việc kiếm được nhiều tiền, và nhiều tiền hơn nữa, có vẻ lại nhận được mức độ hài lòng và hạnh phúc thấp hơn rất nhiều so với mức họ (và cả những người khác) kỳ vọng. Đó chắc chắn là lý do chúng ta nói rằng tiền bạc không mua được hạnh phúc.

Nhưng bây giờ hãy quay lại với công trình của những nhà nghiên cứu được đề cập tới ở ngay đầu bài này. Được đăng trên tạp chí Khoa học, các khám phá của họ khẳng định rằng tiền có thể mua được hạnh phúc, khi nó được chi tiêu cho một người khác!

“Những khám phá của chúng tôi cho thấy rằng những thay đổi nhỏ trong việc chi tiêu tiền - ví dụ chỉ khoảng 5 đôla, theo như nghiên cứu cuối cùng của chúng tôi - có thể đã là đủ để tạo ra hạnh phúc đáng kể cho một ngày nhất định” - Tiến sĩ Michael Norton nói. Nói cách khác, việc có nhiều tiền hơn không khiến cho người ta hạnh phúc hơn nhiều bằng cách mà họ chọn tiêu số tiền đó. Tiêu tiền để mua quà cho bạn bè, cho vấn đề giáo dục của trẻ em và những người trẻ tuổi, để mua vé xem phim cho mấy đứa trẻ… đều tạo ra nhiều hạnh phúc cho người sở hữu tiền hơn là việc mua một chiếc TV LCD hay là một máy vi tính đời mới.

Nhưng chẳng phải chúng ta đã biết điều đó rồi hay sao? Trong các lý thuyết đạo đức, điều bị “kết tội” không phải là tiền bạc, mà là tình yêu tiền bạc quá lớn. Làm việc chăm chỉ để có cuộc sống sung túc thì không có gì là xấu, nhưng tham lam, ích kỷ mới là xấu.

Nếu bạn muốn “mua” một chút hạnh phúc hôm nay, hãy chi tiền của bạn cho thứ gì đó mà một người khác đang cần.


(SVVN)

FullName Email
Address Security code BMORGU
Content