New Nghien Cuu
 Search

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Mô hình lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam

Với tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới, Hội thảo khoa học “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Mô hình lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Trung ương, Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn ĐTNN và Trường Đại học Ngoại thương đồng tổ chức vào ngày 12/5/2023 là cơ hội để các đại biểu thảo luận các chủ đề quan trọng về khu vực kinh tế có vốn ĐTNN.


Thứ nhất, Hội thảo làm rõ cơ sở lý luận về khu vực kinh tế có vốn ĐTNN và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các thuật ngữ này định nghĩa khác nhau ở các công trình nghiên cứu, ở mỗi quốc gia và định nghĩa cũng thay đổi theo thời gian, có thể một phần do bản chất phức tạp của hiện tượng này. Ở Việt Nam, thành phần kinh tế có vốn ĐTNN mới được xác định từ văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX là thành phần kinh tế bao gồm: Các doanh nghiệp, công ty 100% vốn nước ngoài; các doanh nghiệp, công ty liên doanh và doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 không đề cập trực tiếp loại hình doanh nghiệp này mà chỉ định nghĩa một cách khái quát tại Khoản 17 Điều 3 như sau: “Tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN là tổ chức kinh tế có nhà ĐTNN là thành viên hoặc cổ đông.” Theo mục1, khoản a, b và c của Điều 23 Luật Đầu tư 2020, một tổ chức kinh tế phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà ĐTNN khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác khi có nhà ĐTNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ - đây cũng chính là con số làm cơ sở để thống kê về khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN được cung cấp bởi Tổng cục Thống kê Việt Nam. Tỷ lệ này (trên 50%) là khác so với các quốc gia trên thế giới. Trên thực tế, các nước có quy định khác nhau về tỷ lệ cấu thành nên sở hữu công ty từ khía cạnh quản lý tài sản. Chẳng hạn như ở Mỹ, tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần là 10% là đủ để thành sở hữu ở nước ngoài, trong khi đó tỷ lệ này ở Anh từ 20% trở lên. Chính vì thế, Việt Nam cần điều chỉnh định nghĩa về doanh nghiệp có vốn ĐTNN để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như để đánh giá đúng quy mô và ảnh hưởng của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN. 

Thứ hai, Hội thảo phân tích các lý thuyết về động lực đầu tư nước ra nước ngoài của doanh nghiệp do việc hoạch định chính sách về khu vực kinh tế có vốn ĐTNN cần kết nối với động cơ của nhà đầu tư. Các doanh nghiệp quyết định đầu tư ra nước ngoài với nhiều động cơ khác nhau. Hơn nữa, mục tiêu của các doanh nghiệp có thể thay đổi theo thời gian phụ thuộc vào cấu trúc sở hữu của doanh nghiệp cũng như đặc điểm môi trường kinh doanh ở nước ngoài. Về cơ bản, doanh nghiệp FDI đầu tư ra nước ngoài với bốn mục tiêu (1) Tìm kiếm nguồn lực; (2) Tìm kiếm thị trường; (3 Tìm kiếm hiệu quả; và (4) Tìm kiếm tài sản chiến lược. 

Thứ ba, Hội thảo chỉ ra vai trò của của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đối với sự phát triển cả về mặt lý thuyết và thực nghiệm. Nhìn chung các lý thuyết chỉ ra rằng, sự phát triển của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN sẽ giúp nước nhận đầu tư tăng cơ hội về việc làm, thúc đẩy chuyển giao kỹ năng và cộng nghệ, tăng năng suất và phát triển dài hạn. FDI giúp thu hút chuyển giao công nghệ, phát triển nhiều ngành nghề và kỹ năng quản lý, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững tại các quốc gia tiếp nhận vốn và từ đó tác động tích cực đến xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế vẫn còn nhiều tranh cãi. 

Thứ tư, Hội thảo phân tích mối quan hệ giữa khu vực kinh tế có vốn ĐTNN với khu vực kinh tế trong nước, trong đó mối quan hệ giữa hai khu vực này sự tác động qua lại trực tiếp hay gián tiếp và hợp tác hay cạnh tranh để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Mối quan hệ giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn ĐTNN có thể là hợp tác về mặt kinh tế khi tham gia chuỗi cung ứng, hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ hoặc đơn thuần chỉ là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành/lĩnh vực. Kinh tế có vốn ĐTNN có thể tác động tích cực đến doanh nghiệp trong nước thông qua thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy lan tỏa công nghệ và kiến thức… nhưng cũng tạo ra tác động tiêu cực thông qua tạo áp lực thoái lui khỏi thị trường và tỉnh trạng chảy máu chất xám…

Thứ năm, Hội thảo chỉ ra các quan điểm và tư duy tiếp cận về khu vực kinh tế có vốn ĐTNN trong mô hình tế thị trường khác nhau. Nhiều quốc gia có quan điểm khác nhau về tư tưởng chính trị liên quan đến FDI. Các hệ tư tưởng chính trị về FDI bao gồm các lý thuyết về chủ nghĩa dân tộc thực dụng, thị trường tự do và cấp tiến.

Thứ sáu, Hội thảo chỉ ra hệ tiêu chí để đánh giá sự phát triển và hiệu quả của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện đại và hội nhập. Ngoài những chỉ tiêu thông thường đánh giá sự phát triển về quy mô của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN, các học giả đề xuất cần sử dụng chỉ số ngưỡng FDI để đo lường quy mô phù hợp của khu vực kinh tế này đối với quy mô nền kinh tế Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Nghiên cứu cũng xây dựng 05 nhóm chỉ số đánh giá đặc điểm về mặt chất lượng (Năng suất và đổi mới; Việc làm và chất lượng việc làm; Các kỹ năng; Bình đẳng giới; Lượng phát thải Carbon) cũng như 03 nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN (Hiệu quả về kinh tế, về mặt xã hội và về mặt môi trường). Đây là cơ sở lý luận quan trọng để các nhà nghiên cứu có thể đánh giá về mặt thực nghiệm sự phát triển và hiệu quả của khu vực này ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu thảo luận tại Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong tư duy tiếp cận và định hướng phát triển mới” (Mã số: KX.04.18/21-25), thuộc Chương trình KHCN cấp Quốc gia “Nghiên cứu Khoa học Lý luận Chính trị giai đoạn 2021-2025” (Mã số: KX.04/21-25).


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code FVAOMY
Content