Trang tin tức sự kiện

Đề tài: Thao túng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết và tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam

Đề tài KHCN cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số QG.16.57


  • Thông tin chung
  • Mã đề tài: QG.16.57
  • Thời gian thực hiện: 2017-2018
  • Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Hương Liên
  • Đơn vị chủ trì: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
  • Đơn vị phối hợp: Công ty TNHH Tư vấn Thuế Kế toán và Kiểm toán AVINA IAFC
  • Đơn vị chủ quản: ĐHQGHN
  • Thành viên chính tham gia: ThS. Bùi Thị Tĩnh, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, TS. Nguyễn Thị Phương Dung, TS. Nguyễn Thị Thanh Hải, TS. Đỗ Kiều Oanh, ThS. Nguyễn Thị Hải Hà, ThS. Đỗ Quỳnh Chi

Trong giai đoạn từ năm 2000 trở lại đây, thế giới đã chứng kiến rất nhiều vụ thao túng báo cáo tài chính (BCTC) quy mô lớn xảy ra tại cả các quốc gia được coi là có hệ thống giám sát chất lượng thông tin công bố nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, với đặc điểm hệ thống pháp lý để ngăn ngừa và xử lý các hành vi thao túng BCTC chưa được xây dựng đầy đủ và đồng bộ, thao túng BCTC đến nay không còn là hiện tượng cá biệt, với nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ thao túng BCTC của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Do đó, nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Hương Liên đã thực hiện nghiên cứu chuyên sâu nhằm nhận diện và đánh giá mức độ của thao túng BCTC nhằm giúp các bên liên quan sử dụng thông tin BCTC trung thực, khách quan để đưa ra các quyết định đúng đắn, đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp hữu ích hạn chế hành vi gian lận, nâng cao tính minh bạch và tạo sự ổn định cho thị trường.

Thứ nhất, nghiên cứu đã nhận diện được các hành vi thao túng BCTC phổ biến trên TTCK Việt Nam. Dựa trên cơ sở lý luận và tổng quan nghiên cứu về thao túng BCTC, nghiên cứu khảo sát về mức độ phổ biến của 43 hành vi thao túng BCTC, được chia thành 04 nhóm hành vi có ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh BCTC. Nhìn chung, các nhà đầu tư đều cho rằng các hành vi thao túng BCTC trên TTCK Việt Nam được thực hiện phổ biến và rất phổ biến, các công ty thường sử dụng rất nhiều hành vi thao túng BCTC khác nhau để điều chỉnh số liệu tài chính theo mong muốn. Kết quả khảo sát các nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam cho thấy 5 hành vi thao túng BCTC phổ biến nhất gồm: (1) ghi nhận nợ phải thu (và doanh thu) quá mức; (2) điều chỉnh các khoản trích lập dự phòng để ghi giảm chi phí; (3) chuyển thu nhập của kỳ này sang kỳ sau; (4) không ghi nhận chi phí phải trả (thực tế đã phát sinh nhưng chưa nhận được hóa đơn) và (5) không công bố đầy đủ giao dịch với các bên liên quan.

Thứ hai, nghiên cứu đã làm rõ được các dấu hiệu nhận biết và các nhân tố ảnh hưởng đến thao túng BCTC của công ty niêm yết. Kết quả khảo sát các nhà đầu tư cho thấy các nhân tố có ảnh hưởng nhiều nhất tới các hành vi thao túng BCTC của các công ty niêm yết gồm: Hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận để được khen thưởng và các phúc lợi khác; Đòn bẩy tài chính cao, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng; Ban giám đốc gây sức ép với nhân viên hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh bằng mọi giá; Cơ chế giám sát của kiểm toán nội bộ còn hạn chế do chưa đảm bảo tính độc lập, khách quan; Ban giám đốc quá chú trọng việc tăng giá của cổ phiếu.

Thứ ba, nghiên cứu đã phân tích được tác động kinh tế của thao túng BCTC của các công ty niêm yết. Kết quả khảo sát cho thấy, thao túng BCTC có thể gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, bản thân doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi phải có sự kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ tư, nghiên cứu xem xét các hành vi kế toán sáng tạo thông qua các nghiệp vụ ngoại bảng tại Hoa Kỳ tại Hoa Kỳ và các thị trường mới nổi, phân tích nguyên nhân sụp đổ, động cơ thực hiện của các vụ bê bối tài chính lớn nhằm đúc rút kinh nghiệm cho các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Đó là bài học về quản trị nội bộ, cách thức ứng phó khủng hoảng của ban điều hành cấp cao và tăng cường giám sát chất lượng thông tin BCTC nhằm ổn định môi trường kinh doanh và minh bạch hóa thông tin của các công ty niêm yết.

Thứ năm, nghiên cứu phân tích thực trạng thao túng BCTC ở Việt Nam, với các gian lận BCTC điển hình của các công ty niêm yết trong giai đoạn 2010-2015. Kết quả cho thấy thao túng BCTC đã trở thành xu hướng phổ biến và được thực hiện ngày càng tinh vi hơn với mức hậu quả gây ra ngày càng nặng nề hơn. Thực tế hoạt động của các công ty niêm yết cho thấy có nhiều lý do khiến các bản BCTC không minh bạch và một trong số đó là cổ phiếu bị đánh giá quá cao, do đó các nhà quản lý khó có lựa chọn nào khác hơn là tìm những thủ thuật để làm đẹp BCTC, tạo ra ảo tưởng công ty đang làm ăn phát đạt.

Thứ sáu, nghiên cứu phân tích thực trạng cơ sở pháp lý trong giám sát thông tin công bố của các công ty niêm yết. Hiện nay khung pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán đã từng bước được bổ sung và hoàn thiện, đồng bộ từ luật đến các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, các quy định xử phạt, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, b, ngành. Đồng thời, các thông tư và quyết định được sửa đổi, bổ sung và thay thế, đảm bảo tính cập nhật theo các diễn biến trên thị trường và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, khắc phục các điểm chưa chặt chẽ và chưa hợp lý còn tồn tại. Tuy nhiên, phạm vi, đối tượng thanh tra, kiểm tra ngày càng rộng, khối lượng công việc ngày càng lớn, các vi phạm trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện và xử lý, trong khi thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các cơ quan, đơn vị liên quan còn hạn chế, quy trình thực hiện và phối hợp giám sát giữa các bên chưa hoàn thiện.

Từ kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý đối với thao túng BCTC của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam như sau.

Trước hết, đối với các công ty niêm yết, cần sớm áp dụng chuẩn mực lập và trình bày BCTC quốc tế (IFRS) để tăng cường trách nhiệm giải trình và nâng cao tính minh bạch của BCTC. Đồng thời, cần quy định vai trò của bộ phận kiểm toán nội bộ đối với việc kiểm tra, soát xét BCTC trước khi công bố; yêu cầu thiết lập Ủy ban kiểm toán trong các đơn vị có lợi ích công chúng. Bên cạnh đó, các thông tin tài chính trong bản cáo bạch của tổ chức phát hành và BCTC quý của các tổ chức niêm yết cần phải được kiểm tra, soát xét. Hệ thống kiểm soát nội bộ của các đơn vị có lợi ích công chúng cần phải được kiểm tra, soát xét bởi doanh nghiệp kiểm toán.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính, UBCKNN và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cần phối hợp xây dựng bộ chỉ số chất lượng kiểm toán để đảm bảo tính lành mạnh trong cạnh tranh giá phí kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm toán và các thông tin được công bố trên TTCK. Bộ chỉ số giúp đơn vị được kiểm toán và các cổ đông lựa chọn được doanh nghiệp kiểm toán có các chỉ số tốt, thể hiện khả năng cung cấp dịch vụ kiểm toán chất lượng cao. Bộ chỉ số sẽ cung cấp cơ sở thống nhất cho việc so sánh chất lượng giữa các cuộc kiểm toán và giữa các doanh nghiệp kiểm toán.

Ngoài ra, UBCKNN cần tổ chức thường xuyên hoặc định kỳ việc cảnh báo các vấn đề dễ có khả năng gian lận hoặc cần tập trung kiểm tra trong từng giai đoạn/thời kỳ với doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích thuộc lĩnh vực chứng khoán. Thêm vào đó, cần quy định các hình thức xử phạt hành vi thao túng BCTC nghiêm khắc hơn bởi hiện nay, các biện pháp xử phạt hành vi thao túng BCTC chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng và chưa đủ sức răn đe.

 

Các bài báo, sách chuyên khảo của nhóm nghiên cứu liên quan đến đề tài nghiên cứu

1. “Financial Scandals and the Quality of Independent Audit Service in Vietnam”, International Journal of Business, Economics and Law (IJBEL), 14 (2017) 5, 80-85.

2. “Factors Affecting the Quality of Independent Audit Service in Vietnam”, Academy of Business Research Journal, 4 (2017), 20-28.

3. “Thao túng báo cáo tài chính tại các nền kinh tế mới nổi và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, số 483/12/2016, 14-16.

4. “Ảnh hưởng của giá phí kiểm toán đến chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập tại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, 32 (2016) 4, 29-36.

5. “Nghiên cứu mức độ sử dụng kế toán sáng tạo tại các doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, 33 (2017) 4, 47-54.

6. “A Study of the Level of Applying Creative Accounting in Vietnamese Companies”, 6th International Conference on Emerging Challenges: Strategic Integration (ICECH2017).

7. Thao túng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (sách chuyên khảo), NXB. ĐHQGHN, 2020.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành