Ngày 28/9/2010, Trường ĐHKT đã tổ chức buổi Hội thảo chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo cử nhân thuộc chương trình đào tạo của Trường ĐHKT.
Chủ trì buổi hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định chuẩn đầu ra (CĐR) đối với các ngành học nói riêng và các khoa nói chung. TS. Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng, chuẩn đầu ra không chỉ khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường mà còn giúp các chương trình đào tạo nhanh chóng tiến tới đẳng cấp cao, đạt tiêu chuẩn đào tạo quốc tế.
Tại buổi hội thảo, đại diện các khoa đã có báo cáo về quá trình thực hiện chương trình CĐR tại khoa mình. Theo đó, ngoài việc thực hiện các buổi seminar phổ cập thông tin về CĐR, cán bộ các khoa cũng đã thực hiện phỏng vấn, tìm kiếm tài liệu, xây dựng báo cáo, chương trình về CĐR…
Trong khi có những khoa triển khai sớm, đã thực hiện gần xong các bước theo quy định thì cũng có những khoa do điều kiện khách quan nên mới chỉ thực hiện được bước đầu của chương trình. Tuy nhiên, các khoa đều có những buổi trao đổi, hướng dẫn, hỗ trợ nhau trong việc lập chương trình chuẩn đầu ra phù hợp với mỗi ngành học. Riêng đối với Khoa KTQT, do đặc thù có chương trình CLC nên cán bộ khoa còn phải lập chương trình chuẩn riêng cho đối tượng đào tạo này. Ngoài những tiêu chuẩn cơ bản của khoa, đối tượng theo học CLC còn phải đạt những yêu cầu khắt khe hơn nên cán bộ trực tiếp thực hiện chương trình CĐR phải tìm hiểu sâu và kỹ hơn về các nhu cầu học tập, tuyển dụng… của sinh viên cũng như nhà tuyển dụng.
Sau khi nghe trình bày của các khoa về chương trình CĐR, ThS. Đỗ Thị Ngọc Quyên, - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Giáo dục đã có những góp ý về những lỗi cơ bản còn mắc phải trong các báo cáo. Theo đó, các khoa nên chú ý cách diễn đạt sao cho dễ hiểu, tránh dùng từ quá tầm, chỉ có các chuyên gia hiểu. Lý do bởi chương trình CĐR nhằm phục vụ đối tượng theo học, ngôn từ cần đơn giản, dễ hiểu, nội dung cần rõ ràng, đúng hướng.
Cũng góp ý với hội thảo, các chuyên gia đến từ ĐHQGHN cho rằng, các khoa nên nêu rõ các mục tiêu cụ thể với CĐR; quan hệ giữa nội dung học phần với CĐR, thậm chí có thể nêu quan hệ này đến từng môn như thế nào; Quan hệ giữa học phần với cơ hội việc làm của sinh viên. Cũng có thêm một điểm đáng lưu ý, trong các ngành học về kinh tế, có thể kỹ năng cứng trong đào tạo có thể khác nhau nhưng kỹ năng mềm về cơ bản là giống nhau. Vì vậy các khoa không nhất thiết cứ phải xây dựng ra hệ thống các kỹ năng mềm mà nên học hỏi, rút kinh nghiệm từ các khoa khác để tạo ra một hệ thống kỹ năng mềm chuẩn chung.
Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Thanh cho rằng, các khoa đã thực hiện khá nghiêm túc việc lập chương trình CĐR và cơ bản đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, các khoa cần lưu ý về cách diễn đạt và tránh sử dụng những từ ngữ không phù hợp. Việc cấu trúc của chương trình cũng cần xem xét thêm sao cho có hệ thống hơn. Quan trọng nhất, xây dựng chương trình CĐR cần phải có sự tích hợp vào nghề nghiệp, định hướng công việc của đối tượng đào tạo. Riêng đối với đối tượng đào tạo CLC, khoa KTQT cần phải tạo ra sự khác biệt một cách rõ ràng.
Theo dự kiến, các chương trình CĐR do các khoa xây dựng phải hoàn thành và nghiệm thu trong tháng 10/2010.