Trong gần hai thập niên qua, các khu công nghiệp (KCN) là một trong những biểu tượng cho tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Song khi kỳ vọng vào KCN như một nguồn sức mạnh nội tại chủ chốt cho nền kinh tế không thành, liệu đã có một tư duy mới về phát triển KCN?
Với hiện trạng cơ sở hạ tầng tri thức không được quan tâm đầu tư đúng mức, các khu công nghiệp (KCN) đã không có được một vị trí đáng kể trong hệ thống tạo mới quốc gia của Việt Nam.
Cũng như hàng chục hộ khác, nông dân Lê Văn Thảo phá bức tường rào nhà mình để mở lối đi trong sinh hoạt hằng ngày xuyên qua KCN Sa Đéc (Đồng Tháp). Quy hoạch KCN này có dự án làm đường dân sinh 3m cặp theo tường rào KCN từ 11 năm trước, song đến nay vẫn không có động tĩnh gì - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Trong hệ thống tạo mới quốc gia (National System of Innovation - NSI), các KCN có thể đóng một vai trò rất quan trọng nếu chúng được sắp đặt một cách hợp lý. KCN hội tụ những điều kiện hạ tầng tốt cho phát triển công nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là nơi cung cấp địa điểm cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động. Gắn liền với các KCN còn là một loạt yếu tố thể chế (như luật pháp, cơ chế quản lý và các chính sách hỗ trợ của chính phủ) và các hoạt động dịch vụ (an ninh, đào tạo, hải quan).
Các DN trong KCN có điều kiện tốt hơn các DN ở ngoài trong việc tiếp cận các DN nước ngoài và nhập khẩu công nghệ. Với một môi trường như vậy, KCN là nơi lý tưởng để hình thành các hiệu ứng tích cực, các liên kết giữa DN trong nước với DN ngoài nước, giữa DN với các viện nghiên cứu, trường đại học..., qua đó đóng góp đáng kể vào sự hình thành NSI.
Coi trọng hạ tầng mềm
Hàn Quốc và Malaysia đã khai thác rất tốt khả năng tạo ra hiệu ứng tích cực của các KCN để phát triển NSI của mình.
Đối với Hàn Quốc, các khu chế xuất (KCX) là một công cụ để thu hút DN có công nghệ hiện đại của nước ngoài. KCX Masan là một thành công điển hình của nước này, tạo ra sự tương tác giữa DN nước ngoài và DN trong nước ở bên trong cũng như bên ngoài KCX.
Khi mới thành lập khu này (năm 1971), các DN trong nước chỉ cung cấp được 3% nguyên liệu và hàng hóa trung gian cho các DN trong KCX. Tỉ lệ này đã tăng lên 25% bốn năm sau đó và dần dần là 44%. Để phát triển các mối liên kết này, Hàn Quốc đã xây dựng xung quanh KCN các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu để hỗ trợ DN trong nước nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu cao của DN nước ngoài.
Với Malaysia, sau một thời gian tập trung thu hút đầu tư nước ngoài về mặt lượng, chính phủ nước này đã có những chính sách cải cách mạnh mẽ từ giữa thập kỷ 1980 để thu hút đầu tư nước ngoài về mặt chất. Malaysia xây dựng một kế hoạch tổng thể hướng đến việc phát triển sự liên kết giữa các công ty đa quốc gia (MNCs) và DN trong nước.
Các chính sách được xây dựng đồng bộ, từ khuyến khích trao đổi nhà thầu phụ để kết nối DN địa phương với MNCs, ưu đãi các công ty công nghệ cao khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện bởi chính người Malaysia, xây dựng Quỹ hỗ trợ kỹ thuật công nghiệp (ITAF) dành ưu đãi cho các DN có sản phẩm chứa 50% hoặc hơn nguồn lực trong nước..., thậm chí ban hành Luật phát triển nguồn nhân lực (năm 1992), theo đó các DN nhỏ được giảm thuế đánh vào chi phí đào tạo.
Kinh nghiệm từ hai quốc gia này cho thấy mặc dù có nhiều khuyến khích tài chính, có thể chế và cơ sở hạ tầng tốt, có thể thu hút nhiều FDI, tạo việc làm và tăng xuất khẩu, nhưng sự phát triển của các KCN không tự động đẩy mạnh các mối liên kết hiệu quả giữa nhà cung ứng trong nước và DN nước ngoài. Để làm được điều này, cả hai quốc gia đều đã phải xây dựng thêm chính sách hỗ trợ, coi các KCN là những hạt nhân quan trọng trong NSI.
Việt Nam: Những lát cắt rời rạc
Trong thập kỷ vừa qua, tổng lượng vốn FDI vào các KCN của VN đã tăng từ mức chỉ vài triệu USD năm 1991 lên khoảng 10 tỉ USD năm 2000 và 41 tỉ USD năm 2008. Các KCN đã thu hút hơn 3.360 dự án đầu tư nước ngoài, chiếm 35,7% tổng số dự án đầu tư nước ngoài và 36% tổng lượng vốn FDI cả nước (tính đến cuối năm 2008).
Mặc dù số lượng DN nước ngoài hiện diện trong các KCN VN ngày càng nhiều nhưng mối liên kết giữa chúng với các DN trong nước vẫn rất yếu. Sự thiếu liên kết này thể hiện ở chỗ các KCN luôn có thâm hụt thương mại, chênh lệch nhập khẩu - xuất khẩu ngày càng tăng, năm 2006 lên tới 4,5 tỉ USD.
Có vẻ như hầu hết các DN nước ngoài nhập khẩu nguyên liệu và máy móc thiết bị từ công ty mẹ và các chi nhánh khác ở nước ngoài. Cơ sở sản xuất tại các KCN chỉ là nơi gia công để xuất khẩu nhằm tranh thủ các ưu đãi về thuế, giá thuê mặt bằng và nhân công rẻ.
Trong một nghiên cứu gần đây (Penrose và Đinh, 2010) tại Bình Dương - địa phương được xem là ngôi sao sáng nhất nước về phát triển KCN cũng như thu hút đầu tư nước ngoài, khi khảo sát mối quan hệ giữa các DN nước ngoài với DN trong nước ở KCN Mỹ Phước, chúng tôi hầu như không thấy mối liên kết giữa hai khu vực DN này.
Hầu hết các DN nước ngoài tại đó đều xuất khẩu sản phẩm của mình song lại nhập khẩu phần lớn đầu vào cả về giá trị lẫn khối lượng, ngoại trừ vài DN khai thác nguồn tài nguyên ở VN, chẳng hạn như cao su. Không phải DN nước ngoài thành kiến gì với DN trong nước vì họ vẫn thường xuyên tìm kiếm các đối tác Việt qua các kênh khác nhau và được Becamex (chủ đầu tư KCN Mỹ Phước) hỗ trợ tích cực trong việc này.
Ngoài nguyên nhân năng lực công nghệ vẫn còn yếu của các DN trong nước, sự rời rạc giữa hai khu vực DN còn có nguyên nhân rất lớn là sự thiếu vắng gần như hoàn toàn cơ sở hạ tầng tri thức xung quanh các KCN.
Tại Bình Dương, chỉ thấy duy nhất một trường đại học với chức năng đào tạo nghề giống các trường đào tạo nghề khác thay vì một trung tâm tập trung tri thức để giải quyết các vấn đề phát sinh về công nghệ cũng như quản lý cho khu vực. Không thấy có viện nghiên cứu nào ở đây. Tất cả các công ty nước ngoài mà chúng tôi tiếp xúc đều không có cơ sở nghiên cứu tại chỗ, ngoại trừ bộ phận kỹ thuật giám sát và kiểm định chất lượng. Chiến lược về xây dựng các ngành công nghệ phụ trợ cấp tỉnh dường như ở con số không.
Khi hỏi về các ngành công nghiệp phụ trợ hay về chính sách để phát triển mối quan hệ giữa các DN trong nước và FDI, chúng tôi đã nhận được câu trả lời rằng một chính sách công nghiệp phụ trợ liên quan đến Bình Dương mới đang trong quá trình xây dựng, dù không rõ ai đang phát triển nó. Mặc dù chính phủ và chính quyền địa phương có đưa ra các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) và nguồn nhân lực nhưng cả những chương trình này cũng vẫn rất rời rạc, hiệu quả đem lại không nhiều.
BOX:
Để có được một sản phẩm mới tới tay người tiêu dùng, DN phải kết hợp nhiều phần tử tri thức khoa học, công nghệ, tổ chức, luật lệ, nhu cầu... với nhau theo cơ chế thử sai. Đây là một quá trình phức tạp mà DN khó có thể làm một mình. Nó phải tương tác với các tổ chức khác để tiếp nhận các loại tri thức mà nó không sở hữu hoặc không thật sự tinh thông, bao gồm không chỉ các DN khác (nhà cung cấp, khách hàng, các đối thủ cạnh tranh) mà cả các trường đại học, các viện nghiên cứu, các ngân hàng đầu tư và các cơ quan chính phủ.
Để quá trình này diễn ra một cách chủ động, các quốc gia xây dựng hệ thống tạo mới quốc gia (NSI). Đây là một mạng lưới các tổ chức và thể chế, cả công lẫn tư, tương tác với nhau để thực hiện các hoạt động sáng tạo, tiếp nhận, điều chỉnh và lan tỏa công nghệ mới.
Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và gần đây là Trung Quốc, hạt nhân của NSI là các DN trong nước có khả năng đổi mới và tương tác với các DN nước ngoài, các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học.
>> Độc giả có thể tham khảo bản đầy đủ tại đây
.
Đinh Minh Tuấn (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - ĐHKT) [Tuổi trẻ - 03/8/2010]