Ngày 16/6/2017, tại Khách sạn Pacific Hà Nội, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)) thuộc Trường ĐH Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN đã tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2017: “Đẩy nhanh cải cách vì một Nhà nước kiến tạo”.
Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà lãnh đạo ở các cơ quan Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và các trường đại học về kinh tế. Tham dự hội thảo có ông Trương Đình Tuyển - Chuyên gia kinh tế cao cấp; TS. Nguyễn Trí Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS. Lê Hồng Nhật - Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐHQG TP.HCM; Về phía Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Phó Hiệu trưởng phụ trách; TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng cùng đại diện của các hội và hiệp hội, các doanh nghiệp, ngân hàng và các cơ quan thông tấn báo chí.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biển khai mạc hội thảo
Mở đầu hội thảo là phát biểu khai mạc của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Phó Hiệu trưởng phụ trách ĐHKT - ĐHQGHN. Tiếp đến là phần trình bày các nội dung chính của Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2017 của TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách.
TS. Nguyễn Đức Thành trình bày Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2017
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2017 bao gồm 8 chương và Phụ lục:
- Chương 1: Tổng quan kinh tế thế giới 2016
- Chương 2: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2016
- Chương 3: Cải cách thế chế để xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam
- Chương 4: Bảo vệ quyền tài sản của cá nhân, tổ chức đối với tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất nông nghiệp
- Chương 5: Hội nhập kinh tế quốc tế và nhu cầu đổi mới thể chế: Trường hợp chính sách đầu tư trong Việt Nam - EU FTA
- Chương 6: Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu và dịch chuyển chính sách tại Việt Nam
- Chương 7: Vai trò của các tổ chức phi lợi nhuận trong việc nâng cao chất lượng thể chế tại địa phương Chương 8: Viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2017 và khuyến nghị chính sách.
Nhóm phản biện đang phản biện và đóng góp ý kiến về báo cáo
Trong báo cáo cung cấp hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vi mô của Việt Nam trong năm 2017. Ở kịch bản tăng trưởng 6,7%, lạm phát ở mức 3,2% có thể đạt được với quyết tâm cao của Chính phủ nhưng sẽ đặt ra vấn đề bền vững trong tăng trưởng. Còn với kịch bản kinh tế tăng trưởng tự nhiên, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,37% và lạm phát cả năm dừng ở mức thấp nhất là 2,35%. Báo cáo cũng bàn đến một số rào cản, từ đó nêu giải pháp tháo gỡ liên quan đến các quy định trong Dự thảo Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Thủy sản nhằm thu hút tốt hơn đầu tư tư nhân trong nông nghiệp; Rà soát pháp lý liên quan đến những điểm thiếu hụt trong hệ thống thể chế luật pháp và chính sách của Việt Nam so với EVFTA.
Đại biểu đặt câu hỏi cho nhóm tác giả thực hiện báo cáo
Sau phần báo cáo là phần phản biện của các chuyên gia kinh tế và giải đáp các câu hỏi thắc mắc của đại biểu đến dự. Có nhiều ý kiến khác nhau nhằm mục đích xây dựng và hoàn thiện báo cáo đã được đặt ra, các câu hỏi đều được nhóm tác giả tiếp thu và trả lời một cách thẳng thắn. Hiện tại, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 đang tiếp tục hoàn thiện, dự kiến sẽ được phát hành chính thức vào tháng 9/2017.
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam được công bố lần đầu tiên năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hằng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đổng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và đề xuất các vấn đề liên quan. Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của ĐHQGHN về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”. Báo cáo là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề kinh tế vĩ mô tại Việt Nam. Báo cáo được cập nhật thông tin số liệu đến hết tháng 12/2016 và một số vấn đề thời sự được cập nhật hết Quý 1 năm 2017. Dự kiến báo cáo tiếng Việt đầy đủ sẽ được xuất bản trong tháng 9/2017, báo cáo tiếng Anh dự kiến xuất bản trong tháng 12/2017. |
__________________
TIN LIÊN QUAN: