Trang tin tức sự kiện

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022: Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ

Cuốn sách Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022: Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ quy tụ một số lượng lớn các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các viện nghiên cứu và trường đại học tham gia. Nội dung cuốn sách là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc, tận tâm của nhóm tác giả, cũng như sự đóng góp của các chuyên gia cố vấn kinh tế đã nhiều năm cùng làm việc và đồng hành tạo nên sự thành công của chuỗi Báo cáo Kinh tế Thường niên.



Trong bối cảnh thế giới vẫn còn bất ổn, kinh tế toàn cầu năm 2022 thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu thì triển vọng của Việt Nam 2022 khá tích cực. Năm 2021, sự bùng phát trở lại và kéo dài của đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những thách thức chưa được giải quyết trong năm 2021 kéo dài đến năm 2022 như giá năng lượng tăng, thiếu hụt lao động, tắc nghẽn chuỗi cung ứng cùng với các rủi ro vĩ mô như lạm phát, tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ, dừng hay thu hồi các chính sách kích thích kinh tế một cách đột ngột, thiếu kiểm soát gây cản trở quá trình phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát đình trệ hiện nay là một hồi chuông cảnh báo cho kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển và mới nổi. Cuộc chiến Nga – Ukraine cũng tạo ra sức ép rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và làm trầm trọng hơn khủng hoảng năng lượng, cản trở và làm chệch hướng phục hồi kinh tế trong năm 2022. 

Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, thách thức, nền kinh tế vẫn có những gam màu sáng với nhiều tín hiệu lạc quan. Trong năm 2022, mức độ rủi ro về dịch bệnh COVID-19 được dự báo giảm dần cùng với đà các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam; các doanh nghiệp trong nước tiếp tục thành lập mới và khối doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng lên. Cùng với sự tháo gỡ khó khăn, những chính sách về hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ đã thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng trưởng và phát triển một cách tốt nhất. Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, yêu cầu phát triển ngành dịch vụ ngày càng có ý nghĩa quan trọng. Phát triển bền vững ngành dịch vụ một mặt tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, mặt khác tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực khác trong nền kinh tế thông qua cung cấp đầu vào chất lượng cao và đảm bảo đầu ra cho các ngành công – nông nghiệp. Năm 2022 sẽ là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tạo tiền đề để “bứt phá” thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Với những bối cảnh trên của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ” đã được thực hiện. Báo cáo khẳng định xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ đòi hỏi thị trường trong nước cần thúc đẩy liên kết chặt chẽ với thị trường nước ngoài thông qua thương mại và dịch vụ. Mặc dù tình hình thế giới đặt trong bối cảnh chịu nhiều thách thức song nỗ lực phục hồi cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang được diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Toàn cầu hóa và những thách thức của xu thế phát triển bền vững thúc đẩy việc cơ cấu lại một cách toàn diện ngành dịch vụ nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế, cũng như việc phát triển ngành dịch vụ gắn với thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường. Ngành dịch vụ truyền thống được phát triển chủ yếu nhờ vào những lợi thế vật chất (ví dụ như khuyến khích dịch vụ vận tải, logistics, du lịch dựa trên vị trí giao thông thuận lợi, cảng biển, danh lam thắng cảnh…) thì ngành dịch vụ hiện đại hướng đến tăng cường vai trò của các ngành có hàm lượng tri thức, công nghệ cao (như tài chính, tín dụng, giáo dục và đào tạo, y tế…); có giá trị gia tăng cao (như công nghệ thông tin, thiết kế kiểu mẫu, R&D và một số phân ngành dịch vụ kinh doanh). Nói cách khác, sự phát triển bền vững ngành dịch vụ hiện đại phụ thuộc phần lớn vào việc sáng tạo, chia sẻ tri thức, hội nhập và tiếp cận công nghệ.

Trên cơ sở đó, các nội dung của Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 tập trung phân tích sự phát triển ngành dịch vụ ở Việt Nam để thấy được tính tất yếu khách quan của chuyển đổi số nền kinh tế nói chung và ngành dịch vụ nói riêng, từ đó phân tích thực trạng chuyển đổi số của hai ngành dịch vụ lớn là tài chính ngân hàng và logistics ở Việt Nam.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, đã liên tục xuất bản và công bố trong nhiều năm qua. Sau mỗi kỳ Báo cáo, tập thể tác giả lại dày công biên tập để các nội dung báo cáo được hoàn thiện trở thành một cuốn sách tham khảo đầy ý nghĩa, liên tục và cập nhật, tập trung phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam. 

Cuốn sách Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022: Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ quy tụ một số lượng lớn các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các giảng viên từ các viện nghiên cứu và trường đại học tham gia. Nội dung cuốn sách là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc, tận tâm của nhóm tác giả, cũng như sự đóng góp của các chuyên gia cố vấn kinh tế đã nhiều năm cùng làm việc và đồng hành tạo nên sự thành công của chuỗi Báo cáo Kinh tế Thường niên.

Cuốn sách được xuất bản nhằm mục đích công bố kết quả nghiên cứu, đem tới cho độc giả là những nhà nghiên cứu học thuật, những giảng viên đại học, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên kết quả nghiên cứu đáng tin cậy, những thảo luận chuyên sâu và nhiều thông tin hữu ích về các vấn đề căn bản của nền kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm 2022, mà còn là quá trình phát triển kinh tế nhiều năm qua. Cuốn sách đồng thời cung cấp các đề xuất chính sách cụ thể gắn với các phân tích có bằng chứng và bao quát, vì thế cuốn sách cũng là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, giới báo chí truyền thông cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến các vấn đề về kinh tế Việt Nam hiện nay.

>> THÔNG TIN VỀ SÁCH

Tác giả: TS. Nguyễn Quốc Việt (Chủ biên)

Loại bìa: Bìa mềm

Khổ sách: 16 x 24 cm

Số trang: 392

Giá bìa: 198.000

Nơi xuất bản: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội

ISBN: 978-604-315-862-5

___________

LIÊN HỆ:

Phòng Tạp chí - Xuất bản, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội 

Tel: (84-24) 37547506 + 703 (Ms. Ngọc Anh)

Email: phongtcxb@vnu.edu.vn

Website: http://ueb.edu.vn 

Fanpage: https://www.facebook.com/UEBresearch


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành