Là tiêu đề bài đăng của PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2014. Đến nay, bài viết vẫn còn nguyên giá trị cấp thiết đối với phát triển nền kinh tế biển Việt Nam.
Bài viết giới thiệu sơ bộ về kinh tế biển xanh trên thế giới và ở Việt Nam. Xây dựng một nền kinh tế biển xanh là một vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng còn mới mẻ dù nó đã song tồn trong suốt 20 năm thực hiện phát triển bền vững (PTBV) cùng với 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (từ Rio 92 đến Rio+20). Gần đây, không ít hội thảo về chủ đề kinh tế biển xanh đã được tổ chức ở cấp quốc tế, khu vực và quốc gia, bao gồm Việt Nam. Trong một thế giới chuyển đổi và toàn cầu hóa với vai trò đặc biệt quan trọng của biển và đại đương thì tính phụ thuộc lẫn nhau thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết: toàn cầu hóa ảnh hưởng đến các quốc gia và khu vực, ngược lại sự phát triển đúng hướng và hiệu quả của một quốc gia sẽ đóng góp không nhỏ đến các vấn đề toàn cầu.
PGS. TS Nguyễn Chu Hồi đã phân tích đầy đủ các cơ hội, thách thức đối với phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam. Nguồn lực để hỗ trợ xây dựng một nền kinh tế biển xanh của nước ta đa dạng và rất đáng kể, bao gồm nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính và đầu tư khá lớn; cơ sở vật chất - kỹ thuật và hạ tầng cơ sở cho phát triển kinh tế biển, cũng như bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên biển ở nước ta đã được quan tâm. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên nhận thức về tăng trưởng xanh và kinh tế biển xanh của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí rất khác biệt.
Để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững theo hướng CNH, HĐH thì phát triển kinh tế biển xanh là một lựa chọn đúng. Chỉ như vậy nước ta mới có thể trở thành “quốc gia mạnh lên từ biển và làm giàu từ biển” như mục tiêu chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia đến năm 2020 và Kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 về tăng trưởng xanh. Kinh tế biển xanh và tăng trưởng xanh sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế biển (gồm các không gian kinh tế ven biển, kinh tế đảo, kinh tế biển và kinh tế đại dương, và các ngành kinh tế biển) nhưng cũng đối mặt với hàng loạt vấn đề liên quan tới phát triển bền vững (PTBV) biển, đảo trong thời gian tới.
Là một nhà khoa học uy tín về biển, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nguyên là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên & Môi trường). Ông nghiên cứu và hoạt động trong các lĩnh vực: Khoa học biển và vùng bờ biển, Quản lý môi trường và tài nguyên biển, Chính sách quản trị biển và vùng bờ biển. Hiện ông là giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu biển và hải đảo. Đồng thời là thành viên Hội đồng cố vấn và giảng viên chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển. Các môn học ông trực tiếp giảng dạy bao gồm: Phân tích chính sách kinh tế biển Việt Nam, Thương hiệu biển, Chiến lược biển của một số quốc gia. |
>>>Chi tiết bài viết của PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi.