Lần đầu tiên tôi gặp thầy cũng là những ngày chân ướt chân ráo bước chân vào giảng đường đại học. Lúc đó tôi mới chỉ là một cô sinh viên được gia đình “định hướng” vào ngành kinh tế - một ngành nghề mà tôi chưa từng bao giờ mong muốn theo đuổi nên việc đi học cũng không quá hào hứng. Tuy nhiên, ngay từ những bài học Kinh tế vi mô đầu tiên, thầy đã khiến tôi bắt đầu quan tâm đến Kinh tế. Mỗi quy luật, mỗi lý thuyết đều rất sống động, dễ hiểu làm tôi thấy Kinh tế không hề xa lạ, thật đáng để học tập. Với chất giọng khàn khàn, kiến thức sâu rộng, thầy đã đưa những lý thuyết Kinh tế học vào tư tưởng của bao thế hệ sinh viên như chúng tôi và rồi cứ thế mà trở nên yêu thích ngành Kinh tế.
Thời điểm đó, Kinh tế học không xuất hiện “tất yếu” trên giảng đường đại học như ngày nay. Khoảng đầu đến giữa những năm 90 của thế kỷ XX, ngành Kinh tế mới chỉ được nghiên cứu chủ yếu trong khuôn khổ Kinh tế Chính trị. Đến năm tôi học (1997), mặc dù Kinh tế Chính trị vẫn chiếm thời lượng lớn chương trình học đại cương nhưng Kinh tế học đã bắt đầu được quan tâm giảng dạy. Một trong những người “có công” đưa Kinh tế học làm nền tảng nghiên cứu về kinh tế hiện đại lên giảng đường ở Đại học Quốc gia chính là thầy giáo Vũ Đức Thanh.
Tôi không chỉ học thầy cả hai môn Kinh tế vi mô và Kinh tế Vĩ mô mà còn có dịp được thầy hướng dẫn tiểu luận chuyên ngành. Mặc dù thầy rất gần gũi, sẵn sàng chia sẻ mọi kiến thức, giải thích cặn kẽ cho sinh viên các vấn đề chưa rõ nhưng thầy lại rất nghiêm khắc và yêu cầu cao. Đối với thầy, học hay nghiên cứu đều phải lấy “nghiêm túc” làm nguyên tắc thực hiện.
Thế rồi sau 20 năm, tôi gặp lại thầy khi chuẩn bị cho kỳ thi để trở thành giảng viên chính thức của trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Quay lại xin việc ở chính mái trường trước đây của mình, gặp lại các thầy cô, tôi lại thấy được cảm giác ấm áp, thân thuộc. Tuy nhiên, thầy có nói với tôi: “thầy chỉ có thể giúp đỡ ai thật sự nghiêm túc và đáp ứng được yêu cầu khắt khe của công việc”. Bao nhiêu năm trôi qua, thầy vẫn luôn nghiêm khắc như vậy. Với thầy, kinh tế học phải được hiểu biết đúng đắn và nghiên cứu một cách kỹ càng.
Suốt 36 năm gắn bó với trường, thầy đã cố gắng phát triển kinh tế học, xây dựng một khoa riêng là Khoa Kinh tế phát triển với cốt lõi là Kinh tế học để kế thừa, truyền dẫn một cách tiếp cận hiện đại về Kinh tế cho các thế hệ sinh viên.
Khi đã trở thành một giảng viên “đồng nghiệp”, thầy vẫn đối xử với tôi như cô sinh viên ngày nào, tận tình hướng dẫn, trao đổi với tôi những khúc mắc về Kinh tế học, những vấn đề chuyên môn. Nhờ vậy, kiến thức của tôi cũng được bổ sung và củng cố nhiều hơn.
Hiện nay, để gặp một giảng viên dạy Kinh tế học thì rất dễ dàng nhưng gặp một giảng viên tâm huyết, nửa đời người gắn bó với nghiên cứu kinh tế học và phát triển kinh tế học trở thành bộ môn quan trọng của nhà trường như thầy Vũ Đức Thanh thì thật sự rất hiếm. Và tôi đã may mắn gặp được.